Nghe 'đĩ đánh bồng' kể chuyện

Nghe 'đĩ đánh bồng' kể chuyện
TP - Sang tháng “củ mật” rồi mà tiếng trống bồng Triều Khúc vẫn còn yên ắng. Lại nghe phong thanh các “con đĩ” đã chán nghề, bỏ làng lên phố xoay kế sinh nhai.

Lấy làm lạ nên tìm về ngôi làng cổ này với một niềm tin rằng, “Con đĩ đánh bồng”, điệu múa cổ ấy đã tồn tại hàng ngàn năm thì đâu dễ gì bỗng chốc nhạt phai.

Cụ Lục hướng dẫn từng động tác múa bồng cho lớp trẻ
Cụ Lục hướng dẫn từng động tác múa bồng cho lớp trẻ.

“Bí mật” truyền nghề

Về làng Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội), chúng tôi nhận những tiếng cười hóm hỉnh: “Cứ vào gặp lão Hồng… Làng Bồng còn một đĩ Hồng ấy thôi”. Cô bạn đi cùng tôi quay đi đưa tay bụm miệng cười, mắt long lanh.

Các bác thợ mộc đang khẩn trương tu sửa ngôi chùa làng cho kịp đón tết, bảo, các anh Đức, anh Tú, anh Tuyển, anh Hậu,… đều là thành viên đội múa bồng ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long, giờ đang bận làm ăn, người chạy chợ, người đi phu hồ, làm công ty, chạy xe ôm… Tìm ra đình làng, sân đình rộng và vắng ngắt. Chờ mãi mới gặp được bác trưởng thôn. Bác này vui vẻ: “Đi theo tớ, ông Hồng vẫn đang luyện múa bồng đấy chứ, nhưng bí mật lắm”.

Qua nhiều ngõ ngách ngoằn ngoèo, cuối cùng đến một phòng học, nghe ồn ào tiếng dậm chân, tiếng ông Hồng và khoảng 20 học sinh nam đang múa. Thì ra ông Hồng đang dạy các điệu “Con đĩ đánh bồng” cho đội thiếu niên này, các “con đĩ” đều trẻ hơn nhiều so với đội múa bồng năm ngoái. “Đây toàn là con em của Triều Khúc cả. Tập ở đây vừa rộng rãi vừa để các cháu đỡ ngượng, nếu tập ở sân đình thì hay bị trêu lắm” - ông Hồng giải thích.

Múa Trống Bồng vốn là điệu múa thích hợp với con gái vì bao giờ cũng dẻo và “lẳng lơ” hơn con trai. Do quan niệm xa xưa con gái không được bước vào chốn đình chung nên múa Trống Bồng chỉ chọn thanh niên trai tráng rồi đóng giả nữ. Thời khó khăn, phục trang múa Trống Bồng không cầu kỳ lắm nhưng càng về sau phục trang càng kỹ, rồi phấn son, gương lược. Nam hóa trang thành nữ mà nhìn vào không ai nhận ra.

Ông Hồng bảo: “Mình phải đến từng nhà, không chỉ động viên các cháu mà còn thuyết phục phụ huynh nữa. Rằng, đây là việc làng, việc Thánh nên cứ thành tâm giúp làng cho cửa nhà mát mẻ”. Lớp học múa Trống Bồng được Ban giám hiệu Trường THCS Tân Triều hưởng ứng thành lập và mời ông Hồng hướng dẫn từ hồi đầu năm.

Ông Hồng đưa chân khoa tay làm vài động tác múa, nói: “Các cháu tiếp thu nhanh, cũng đã vài lần lên xã, lên huyện biểu diễn”. Vượt qua sự ái ngại ban đầu, các “con đĩ” bây giờ không còn ngượng ngập nữa, thấy người lạ hình như những động tác càng thuần thục, uyển chuyển kết hợp nụ cười tươi như hoa thường trực trên môi.

Nghe 'đĩ đánh bồng' kể chuyện ảnh 2

Giữ nhịp Trống Bồng

“Con đĩ đánh bồng” đến giờ vẫn không xác định được có từ bao giờ nhưng được xem là một trong những điệu múa cổ nhất của đất Thăng Long – Hà Nội. Trong truyền thuyết, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng sau khi thắng giặc Đường ở thành Tống Bình (Hà Nội) đã sai nam giả nữ múa nhằm khích lệ và động viên quân sĩ. Từ đó, điệu múa cổ “Con đĩ đánh bồng” được nhiều thế hệ Triều Khúc giữ gìn và phát triển.

Không giống như những loại hình nghệ thuật truyền thống khác, điệu múa này chỉ nhằm mục đích phục vụ cho việc tế lễ Thành hoàng làng Triều Khúc (tức Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng) mỗi năm hai lần vào tiết tháng Giêng và tháng Tám âm lịch. Vì vậy, nó rất cầu kỳ và phức tạp. Nghệ nhân làng Triều Khúc cho biết: Điệu múa phải kết hợp làm sao cho nhuần nhuyễn giữa trống lệnh và tế lễ.

Triều Khúc xưa có các nghệ nhân múa giỏi và theo đuổi điệu múa độc đáo này từ thời thơ ấu. Nay còn cụ Bùi Văn Lục đã ngoài 80, không còn tham gia múa bồng được nữa. Mỗi lúc buồn chân buồn tay, nhớ lại hồi trai trẻ, cụ lại chống gậy đi ra lớp tập múa mà ông Hồng đang hướng dẫn, thỉnh thoảng góp thêm ý kiến cho các cháu.

Ông Hồng giới thiệu anh Nguyễn Văn Thích, hơn 30 tuổi, một trong những “con đĩ” múa đẹp nhất đội bồng. Anh Thích đi chợ về tiện đường rẽ qua đây xem các em múa: “Chúng tôi đã rất thành thạo với điệu múa của làng rồi nên không cần tập nữa, đến hội là diễn thôi. Không biết lớp trẻ của làng có tiếp nối được truyền thống nữa không”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Từ 1/7/2024, áp quy định giá tối đa sách giáo khoa
Từ 1/7/2024, áp quy định giá tối đa sách giáo khoa
TPO - Bộ GD&ĐT vừa có chỉ đạo về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đối với năm học mới 2024 -2025. Trong đó thông tin, đơn vị đang phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu quy định giá tối đa sách giáo khoa để thực hiện từ ngày 1/7/2024.