Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15: “Trẻ” chỉ như gia vị hạt tiêu

TP - Thay đổi đáng chú ý nhất của Ngày thơ Việt Nam năm nay là không có sân thơ trẻ,  các thế hệ nhà thơ chung vui trong một sân chính thống. Có người cho rằng: Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, gộp lại “ăn” chung “một mâm” cho ấm áp. Song có người lại ý kiến: “Trẻ” chỉ như gia vị hạt tiêu rắc lên “mâm cỗ” mà thôi.
Một du khách nước ngoài thích thú với những câu thơ sắp được thả lên trời. Ảnh: Như Ý.

Hà Nội “chung mâm”

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà cho biết: “Sân thơ trẻ là ý tưởng của Ban chấp hành từ cuối khóa 6”. Nhà văn quê gốc Vỹ Dạ này từng dành nhiều tâm huyết cho ngày thơ Việt Nam. Tôi hỏi tâm trạng của chị khi Ngày thơ Việt Nam năm nay không có sân chơi riêng cho người trẻ, chị từ chối trả lời với lí do: “Tôi dạo này buông hết rồi. Tôi không nói chính xác được bạn ạ”. Và chỉ lối: “Bạn nên gặp các bác ban chấp hành”.

Năm nay, không có sự phân biệt rạch ròi: Sân thơ truyền thống- Sân thơ trẻ nhưng có sân thơ Văn Miếu- sân thơ Thái Học. Sân thơ Văn Miếu ghi nhận hành trình của thi nhân cùng biến thiên của đất nước. Các nhà thơ nổi tiếng từ thời chống Mỹ, hậu chiến, các tác giả đoạt giải thưởng Hội nhà văn năm vừa qua…  xuất hiện tại sân thơ này. 

Còn sân thơ Thái Học  tôn vinh cá nhân có thành tựu trong năm: Các tác giả đoạt giải cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, các tân hội viên Hội nhà văn… Ai cũng nhận thấy, tuy “ngồi chung mâm” song lực lượng các thi nhân già áp đảo thi nhân trẻ. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, tổng đạo diễn của sân thơ Thái Học, bác bỏ ý kiến người trẻ kém được tôn vinh tại ngày thơ Việt Nam lần thứ 15. 

Ông đưa ra lí do sân thơ trẻ năm nay biến mất: “Kỷ niệm 60 năm thành lập hội nhà văn nên chúng tôi không làm sân thơ trẻ như mọi năm mà chúng tôi đưa ra tất cả ra một sân chính thống, một sân các thế hệ nhà thơ cùng quần tụ, để cất lên tiếng nói của mình về con người, dân tộc, thơ ca”. 

Nguyễn Quang Thiều thừa nhận “già” áp đảo “trẻ” trong ngày thơ năm nay, song ông lại thấy điều đó không có gì ngạc nhiên: “Đương nhiên là thế. Những nhà thơ tuổi như chúng tôi là cao  rồi. Trên thực tế lực lượng những nhà thơ cao tuổi hay các nhà thơ khoảng 45 tuổi trở ra vẫn chiếm đông đảo hơn, vẫn mang sức ảnh hưởng, có những sáng tác đóng góp lớn trong đời sống thi ca Việt Nam. Thế hệ 8x, 9x là thế hệ sau. Lực lượng thế hệ nhiều hay ít không nói lên điều gì nhưng phản ánh một điều, chúng tôi đã để họ đứng cạnh những nhà thơ lớn tuổi để cùng đồng hành”.

Chuẩn bị thả thơ. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Khi các nhà thơ cùng chung sân, ngày thơ Việt Nam năm nay chủ định tôn vinh lực lượng nào? Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đáp: “ Ngày thơ nào cũng để tôn vinh các nhà thơ, tôn vinh thi ca ở mọi vẻ đẹp của nó. Năm nay chúng tôi tôn vinh tất cả các nhà thơ đã đi trên một con đường trong 60 năm qua của Hội nhà văn Việt Nam”.  

Nhà thơ Y Phương, người đoạt giải thưởng thơ của Hội nhà văn Việt Nam năm nay mang tâm trạng vui vẻ trước thềm ngày thơ Việt Nam: “Vui! Sau tết cổ truyền là tết thơ”. Với việc đứng chung sân với người trẻ, nhà thơ dân tộc Tày, Phó chủ tịch Hội đồng thơ, Hội nhà văn Việt Nam thấy hào hứng: “Năm nay là kỷ niệm 60 năm Hội nhà văn. Ta gộp lại ăn chung một mâm cho ấm áp”. Còn những nhà thơ trẻ hay những tân hội viên Hội nhà văn Việt Nam liệu có hào hứng khi được “ngồi chung mâm” với thế hệ cha, chú ? 

Nhà thơ trẻ Lữ Mai, tân hội viên Hội nhà văn Việt Nam, bày tỏ: Ý tưởng để các nhà thơ nhiều thế hệ cùng xuất hiện trong một tổng thể chương trình có thể coi như một trải nghiệm mới, có thể mang lại hiệu ứng tốt hoặc không. Chị cho rằng: “Một ngày thơ thì chưa thể nói lên nhiều về con đường, định hướng phát triển văn học, đặc biệt là sự quan tâm tới văn học trẻ”. 

Trong khi đó tân hội viên hội nhà văn khác, nhà thơ Trần Vũ Long, lại tỏ ra khá thờ ơ với sự kiện ngày thơ: “Tôi vẫn cứ ra Văn Miếu để buôn chuyện với bạn bè ở xa về. Người làm thơ cứ lặng lẽ viết, khi làm thơ chỉ có ta với cuộc đời này mà thôi chứ không phải cứ hội hè ồn ã”. Một nhà thơ có tên khác lại tỏ thái độ gay gắt: “Ngày thơ năm nay nhìn về hôm qua chứ không nhìn về tương lai, giống như trang thơ cũ giở lại. Sao lại cắt hẳn một sân thơ trẻ, để trẻ xen vào già, như gia vị? Tuy nói là chung mâm nhưng trẻ sẽ chỉ như hạt tiêu rắc lên mâm cỗ của già thôi”.

Sài Gòn quyết “Trẻ” 

Trong khi ngày thơ Việt Nam ở Hà Nội, người trẻ không có một sân chơi riêng thì ở TP Hồ Chí Minh năm nay ngày thơ diễn ra rôm rả và vẫn lấy lực lượng nhà thơ trẻ làm nòng cốt. Trước ngày khai mạc, Phó Chủ tịch Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban Tổ chức ngày thơ Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, nhà thơ Phan Hoàng vui vẻ cho biết: “Cơ bản là chúng tôi đã chuẩn bị xong, mai bắt đầu cả ngày, tối là đêm thơ chính thức. 

Chúng tôi có sân thơ trẻ, có tọa đàm, triển lãm thơ… Chúng tôi vẫn đi theo truyền thống, sân thơ trẻ vẫn chơi, vẫn là cái “đinh” của đêm thơ chính thức”. Anh cũng bật mí: “Năm nay, TP Hồ Chí Minh tổ chức phối hợp nhóm đọc thơ theo chủ để đất nước, biển đảo, mẹ, tình yêu… Công tác chuẩn bị của chúng tôi rất kỹ, từ trước tết. Ngày thơ lần này chúng tôi cũng đưa những nhà thơ ẩn dật lâu nay trở lại, thí dụ nhà thơ Hoài Vũ, tác giả của “Vàm Cỏ Đông”; “Anh ở đầu sông, em cuối sông”; “Chia tay hoàng hôn”…”.

Con đường thi nhân. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Nhà văn Trần Nhã Thụy, Trưởng ban Nhà văn Trẻ TP Hồ Chí Minh lí giải vì sao Sài Gòn quyết “trẻ”: “Thực ra trong này sân thơ trẻ là điểm nhấn từ xưa đến giờ. Bỏ sân thơ trẻ đi đâu có được”. Anh chia sẻ quan điểm cá nhân: “Theo quan điểm của tôi nên có chỗ cho người trẻ, thậm chí rất trẻ nữa cơ. Vừa rồi trong cuộc họp trước ngày thơ tôi có nói, Ban Văn trẻ của tôi thực ra là quá già, 40 hết rồi. Chúng tôi tăng cường đội ngũ trẻ cho ngày thơ năm nay với sự tham gia của câu lạc bộ Facebook trẻ của Trường ĐH KH XH & NV (TP Hồ Chí Minh). Còn chúng tôi lùi lại phía sau làm công tác tổ chức thôi, không xuất hiện nữa”.

Ngày thơ ở TP Hồ Chí Minh thu hút nhiều tác giả trẻ, trong đó có cả những tên tuổi “hot”. Thi sĩ tạo nên những hiện tượng của ngành xuất bản Nguyễn Phong Việt bày tỏ suy nghĩ: “Tôi nghĩ ngày thơ cũng là một hoạt động thường niên, thú vị. Là cơ hội để các nhà thơ trình diễn tác phẩm của họ trước công chúng. Bản thân công chúng yêu thơ cũng có cơ hội gặp gỡ các tác giả yêu thích ở ngày thơ”. Mặc dù công nhận ngày thơ là một hoạt động tốt của những người sáng tác, những người yêu thơ song nhà thơ sinh năm 1980 không kỳ vọng ngày thơ là “cú hích gì đó về thị trường, về những người sáng tác. Bởi vì ngày thơ vẫn mang tính chất hội hè nhiều hơn”.

Thơ trẻ cũng … bay lên giời

Không có một gương mặt trẻ nào xuất hiện ở con đường thi nhân. Tất cả những gương mặt, những câu thơ trên đường thi nhân đều thuộc về những thi nhân đã về trời hoặc đã lớn tuổi. Vậy thơ trẻ được tôn vinh ở đâu? Nhà thơ Ngô Thế Oanh giới thiệu: “ Đường thi nhân là những giá trị thơ đã được khẳng định. Còn thơ người trẻ ở chỗ thả trên trời kia kìa. Trong 50 câu thả lên trời, có một số người trẻ”. Khi được hỏi: “Liệu số người trẻ có thơ được thả lên trời chiếm bao nhiêu phần trăm?”, nhà thơ Ngô Thế Oanh ước tính: “Nhiều chứ, cũng đến một phần ba”. 

Có là sự giả bộ, ích kỷ?

Có ý kiến cho rằng: Sự sôi động thật sự của ngày thơ Việt Nam lại nằm ở sân chơi nghiệp dư, tức là các câu lạc bộ thơ của quần chúng. Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều thừa nhận và giải thích: “Các Câu lạc bộ mang tính hội nhiều hơn. Đó là những người yêu thơ viết thơ, họ làm nên đời sống tinh thần, các nhà thơ làm nên vẻ đẹp thi ca. Các câu lạc bộ đóng góp cho sự rộn ràng của ngày thơ”. Về chất lượng thơ bị phàn nàn ở các câu lạc bộ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phản bác: “Đừng bao giờ giày vò, băn khoăn về chất lượng. Đó là những người yêu thi ca như chúng ta yêu ca nhạc, tìm đến karaoke”.

Một số nhà thơ nổi tiếng lại không mặn mòi với ngày thơ Việt Nam, theo Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam: “Không có gì lạ lùng. Đại đa số các nhà thơ đã tham gia vào ngày thơ Việt Nam, số không tham gia chỉ là số ít. Tôi tôn trọng điều đó. Có những người ngại xuất hiện ở hội hè”. Song Nguyễn  Quang Thiều cũng đặt câu hỏi: Liệu có là sự giả bộ, sự ích kỷ không? Theo ông, “mỗi nhà thơ có thể đọc thơ của mình với người ăn mày, lại cũng có thể đọc thơ cho cả nữ hoàng nghe”.