Nhạc sĩ Phạm Tuyên (áo trắng) bên mộ cụ Thượng Chi |
Nhạc sĩ Phạm Tuyên nổi tiếng với bài Như có Bác trong ngày đại thắng mà cả đất nước Việt Nam ai cũng biết hát. Hồi năm ngoái qua Xiêm Riệp, đến các khu đền tháp Angkor, chỗ nào tôi cũng gặp một ban nhạc dân tộc của những người khuyết tật, nạn nhân của thảm họa diệt chủng.
Anh bạn hướng dẫn viên nói đây là du khách Việt Nam, tức thì dàn hợp xướng không chuyên này chuyển sang trình bày bài Như có Bác trong ngày đại thắng, và du khách lại rút ví bỏ vào cái thùng đan bằng mây những tờ tiền giấy.
Tôi kể chuyện này với nhạc sĩ Phạm Tuyên, ông cười hồn hậu và bật mí: Tết vừa rồi có một vị lãnh đạo cao cấp đến thăm tôi. Ông nói rất chân tình: Đi nước ngoài bọn tôi chỉ biết hát mỗi một bài Như có Bác trong ngày đại thắng. Các bạn cũng biết bài đó và vỗ tay hát theo, chỗ thì bằng tiếng nước họ chỗ thì bằng tiếng Việt Nam, nhưng nhịp điệu thì rất chuẩn.
Phạm Tuyên sáng tác bài Như có Bác trong ngày đại thắng vào đêm 28-4-1975, đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam tập và thu âm ngay trong buổi chiều ngày 30-4 để phát sóng trong bản tin thời sự đặc biệt lúc 17h, chính thức công bố với cả thế giới chúng ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam.
Năm 1979, một đoàn của Nhà hát ca múa nhạc Trung ương sang Nhật Bản biểu diễn. Trong một cuộc giao lưu phía bạn trình bày đồng ca, có dàn nhạc đệm, bài Như có Bác trong ngày đại thắng... Các nghệ sĩ Việt Nam hỏi: Đã sang năm 1979 rồi tại sao các bạn lại chọn ca khúc sáng tác năm 1975? Các bạn trả lời: Chúng tôi hát mừng chiến thắng của Việt Nam; hát về đất nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Mới đây, trong đêm giao lưu âm nhạc Hà Nội - Huế - Sài Gòn ở rạp Hưng Đạo (TP Huế) một ca sĩ Nhật Bản đăng ký hát hai bài: Hoa anh đào (biểu tượng của đất nước Nhật Bản) và Như có Bác trong ngày đại thắng. Sự lựa chọn đó không phải là ngẫu nhiên.
Đi vào con đường âm nhạc từ trong kháng chiến chống Pháp, tên tuổi và sự nghiệp của Phạm Tuyên được khẳng định từ đầu thập niên niên 60 với nhiều ca khúc cho nhiều lứa tuổi. Nhiều sáng tác cho thiếu nhi đã trở thành bài hát truyền thống qua nhiều thế hệ như: Tiến lên đoàn viên, Chiếc đèn ông sao, Hành khúc Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Hát dưới cờ Hà Nội, Gặp nhau giữa trời thu Hà Nội, Đêm pháo hoa, Cô và mẹ...
Viếng mộ cụ Thượng Chi |
Nhiều ca khúc của ông đã trở thành ngành ca, thành nhạc hiệu của nhiều chương trình phát thanh như Bài ca người thợ rừng, Bài ca người thợ mỏ, Bám biển quê hương, Yêu biết mấy những con đường, Chiếc gậy Trường Sơn, Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ, Từ làng Sen, Đêm Cha Lo, Từ một ngã tư đường phố.
Sự nghiệp âm nhạc của Phạm Tuyên đã có hơn 600 ca khúc. Ông viết nhiều và viết rất nhanh. Có những ca khúc đánh dấu một thời điểm lịch sử, một thời khắc thiêng liêng, một sự kiện trọng đại, một chiến dịch như: Chiếc gậy Trường Sơn, Miền Nam anh dũng và bất khuất (hợp xướng), Con kênh ta đào…
Gặp nhạc sĩ Phạm Tuyên dịp ông vào dự lễ kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng Huế tôi hỏi: Vì sao người viết Như có Bác trong ngày đại thắng vẫn chưa được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh? Ông chỉ cười hồn hậu |
Bài Từ Làng Sen Phạm Tuyên sáng tác sau ngày Bác ra đi. Thập niên 80 từ tứ của nhạc phẩm này ở Nghệ Tĩnh xuất hiện các hội thi Hát từ Làng Sen, một phong trào ca hát về Bác Hồ lan toả khắp các địa phương. Dần dần hội thi phát triển lên qui mô toàn quốc, tổ chức 5 năm một lần.
Như có Bác trong ngày đại thắng viết trước khi kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử hai ngày. Gửi nắng cho em… viết đầu năm 1976, “khi hai miền cùng vào một vụ chiêm”… “cùng vào mùa một ngày vui thống nhất…”.
Ca khúc Chiến đấu vì độc lập tự do được ông sáng tác ngay trong đêm đầu tiên của ngày xảy ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc - năm 1979. Có thể coi đây là ca khúc mở đầu cho một dòng nhạc xuất xứ từ cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương phía Bắc Tổ quốc với những bài rất hay như Gửi em ở cuối sông Hồng, Tình yêu trên dòng sông Quan họ… Vì thế có người nói rằng các ca khúc Phạm Tuyên là những dấu mốc lịch sử được ghi bằng âm nhạc.
Hơn thế nữa Phạm Tuyên còn là một nhạc sĩ viết về Đảng hay nhất với các tác phẩm tiêu biểu: Đảng đã cho ta cả một mùa xuân, Màu cờ tôi yêu, Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể, hồi lên chiến khu Việt Bắc ông học trường Pháp lý. Có cái hay là ở trường này được học ngoại ngữ và được giác ngộ về Đảng nhờ một số sách do các ông Lê Đạt, Đặng Đình Hưng cho. Sách viết về chủ nghĩa cộng sản in bằng tiếng Pháp.
Nhiều ca khúc viết về Đảng sau này của ông là sự giải mã kiến thức, sự giác ngộ từ sách tiếng Pháp. Ví dụ như thơ Aragon có câu khiến lúc đó ông phải giật mình: Đảng cho tôi màu xanh nước non nhà. Hay nhà văn chiến sĩ Cộng sản Pháp Paul Vaillant – Couturier nói rằng: Chủ nghĩa Cộng sản là Mùa xuân của nhân loại…Nhờ thế ông mới có bài Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng và Đảng đã cho ta cả một mùa xuân…
Màu cờ tôi yêu là một kỷ niệm với Diệp Minh Tuyền. Có lần Diệp Minh Tuyền giãi bày: bây giờ viết khó thật. Phạm Tuyên bảo đúng là khó nhưng không thể không viết, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Sau đó, ở trên máy bay Diệp Minh Tuyền đưa cho Phạm Tuyên một bài thơ về Đảng. Ông đọc thấy hay, trong đó có câu ông cứ nhấn đi nhấn lại ý của tác giả: Suốt đời lòng dặn giữ lời/Đường dài muôn dặm chớ rời tay nhau…
Năm 2001, nhạc sĩ Phạm Tuyên được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Bám biển quê hương, Đảng đã cho ta cả một mùa xuân, Chiếc gậy Trường Sơn, Gẩy đàn lên hỡi người bạn Mỹ, Như có Bác trong ngày đại thắng.
Gặp nhạc sĩ Phạm Tuyên dịp ông vào dự lễ kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng Huế tôi hỏi: Vì sao người viết Như có Bác trong ngày đại thắng vẫn chưa được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh? Ông chỉ cười hồn hậu.
Ông thường nói cuộc đời nhiều khi cũng gặp trắc trở nhưng bản thân tôi lại may mắn được gặp nhiều người tốt. Ví dụ: Sau khi tốt nghiệp Trường Lục quân về làm Đại đội trưởng Trường Thiếu sinh quân ông được Hiệu trưởng là Lê Chiêu giới thiệu vào Đảng.
Sau này gặp lại ông Lê Chiêu nhạc sĩ Phạm Tuyên hỏi, việc anh giới thiệu một người có lý lịch như tôi vào Đảng thì có gặp phiền phức gì cho bản thân hay không? Ông Lê Chiêu bảo, cũng có chút ít thôi nhưng không sao; ai hỏi thì mình bảo Tuyên là người tốt, cần được kết nạp, mà nếu có là con quan Thượng thư thì chắc phải là con của bà ba, bà tư, tức là thuộc thành phần không bóc lột... Lúc đó đâu có ai biết rằng Phạm Tuyên là con của bà cả, và quan Thượng thư đầu triều như cụ Phạm Quỳnh lại chỉ có duy nhất một vợ.
Nhân vào Huế, bạn bè đồng hành từ Hà Nội và thân hữu ở Huế cùng nhạc sĩ Phạm Tuyên sắm sửa lễ vật, hương hoa dâng lên cụ Thượng Chi - Phạm Quỳnh ở nơi cụ an nghỉ phía trước chùa Vạn Phước. Trước mộ phần cụ Thượng Chi nhạc sĩ Phạm Tuyên bày tỏ niềm vui và niềm tin về sự cởi mở của giới nghiên cứu trong việc nhìn nhận đánh giá lại các nhân vật lịch sử. Ông hy vọng được chứng kiến một sự giải toả về cụ thân sinh và gia đình mình.
Huế, ngày 26-3-2010