Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận nam bệnh nhân 26 tuổi, có tiền sử hút thuốc lá, đang dự liên hoan có uống rượu, bất ngờ nôn, xuất hiện đau ngực trái, khó thở được đưa đến cấp cứu. Qua thăm khám bác sĩ ghi nhận bệnh nhân đau ngực trái nhiều, khó thở. Huyết áp 120/80 mmHg. Kết quả điện tim cho thấy nhồi máu cơ tim cấp vùng trước rộng. Ngay lập tức người bệnh được dùng thuốc, chỉ định chụp và can thiệp động mạch vành. Kết quả chụp động mạch vành cho thấy tắc hoàn toàn nhánh liên thất trước của động mạch vành trái. Người bệnh được can thiệp đặt 1 stent vào vị trí động mạch bị tắc. Sau can thiệp, bệnh nhân hết khó thở, đỡ đau ngực. Sau 5 ngày điều trị nam thanh niên hồi phục và được ra viện.
Trước đó, tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) tiếp nhận bệnh nhân nhập viện trong tình trạng xuất hiện cơn đau thắt ngực trái kéo dài khoảng 30 phút. Điều đáng nói là người nhà bệnh nhân cho biết, trước khi xảy ra tình trạng này, bệnh nhân chưa hề được chẩn đoán và có kết luận mắc bệnh lí tim mạch. Tiền sử gia đình cũng không mắc bệnh cao huyết áp, đái tháo đường.
Sau khi được làm các xét nghiệm, người bệnh được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp. Bệnh nhân được chỉ định chụp mạch vành để đánh giá mức độ tổn thương và tiến hành can thiệp mạch. Kết quả chụp mạch phát hiện bệnh nhân bị hẹp 80% động mạch liên thất trước và có huyết khối trong lòng mạch. Các bác sĩ đã đặt stent mạch vành cho người bệnh. Sau can thiệp, sức khỏe người bệnh ổn định, không còn tình trạng đau tức ngực.
Bác sĩ BV Trung ương Quân đội 108 phẫu thuật cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim |
Theo các bác sĩ, những bệnh nhân trên là hồi chuông cảnh báo cho cộng đồng về nguy cơ mắc bệnh lí tim mạch ở các những người đang còn trẻ, khỏe. Theo PGS, TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai), nhồi máu cơ tim là một căn bệnh nguy hiểm có thể xảy ra với bất kì ai. “Người trẻ tuổi cũng có thể gặp phải. Do đó, người trẻ cần đặc biệt lưu ý tới các dấu hiệu của bệnh, không nên chủ quan với các dấu hiệu bất thường của cơ thể. Đây là bệnh lí cấp cứu, tỉ lệ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời. Điều quan trọng là người bệnh cần phải nhận ra các dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim từ sớm và xử trí đúng cách để hạn chế nguy cơ tử vong xuống mức thấp nhất”, TS Hùng cảnh báo.
“Không có sự khác biệt nhiều về biểu hiện nhồi máu cơ tim ở người trẻ và người lớn tuổi nhưng khác nhau ở nguyên nhân gây bệnh. Ở người trẻ, xơ vữa động mạch gây nhồi máu cơ tim đa phần do chế độ sinh hoạt không lành mạnh, thừa cân, béo phì, hút thuốc lá nhiều năm”.PGS.TS Phạm Mạnh Hùng,
Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai)
Bệnh lí nguy hiểm
Theo thống kê, mỗi năm có hàng trăm nghìn bệnh nhân nhập viện vì nhồi máu cơ tim tại các bệnh viện và trở thành căn bệnh phổ biến tại Việt Nam. PGS.TS Phạm Mạnh Hùng cho hay, nhồi máu cơ tim là một biến cố tim mạch cấp tính nguy hiểm. Bệnh lí này thường gặp ở các đối tượng trung niên, nam giới, có thói quen hút thuốc lá, lối sống tĩnh tại và tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu. Tuy nhiên, gần đây tuổi trung bình của các bệnh nhân nhồi máu cơ tim đang dần trẻ hóa, không ít các trường hợp mắc bệnh khi tuổi chưa đến 30. Theo các bác sĩ, lối sống sinh hoạt thiếu lành mạnh, áp lực công việc, chủ quan trong việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng nhồi máu cơ tim ở người trẻ.
Chuyên gia này phân tích thêm, thông thường ở người già xơ vữa động mạch diễn ra từ trong nhiều năm liền làm cho cơ tim của họ có sự thích nghi nhất định với tình trạng thiếu máu, họ thường nhận biết các nguy cơ đối với sức khỏe nên ít chủ quan hơn. Ngược lại, người trẻ thường không nghĩ mình có thể mắc phải căn bệnh này nên không nhận biết được các triệu chứng của nhồi máu cơ tim, dẫn đến tình trạng nhập viện muộn, điều trị rất khó khăn và nguy cơ tử vong cao. Mặc dù nhồi máu cơ tim ở người trẻ thường có tiên lượng tốt hơn so với người già vì tổn thương thường chỉ một động mạch và sức khỏe chung còn tốt. Tuy nhiên, hậu quả của nó cũng rất nặng nề, làm giảm tuổi thọ đáng kể cho bệnh nhân.
Dấu hiệu nhận biết và cách phòng bệnh
Theo các chuyên gia tim mạch, triệu chứng cảnh báo rõ ràng nhất là đau ngực, thường ở giữa xương ức và kéo dài trong một vài phút. Cơn đau cũng có thể xuất hiện ở các vị trí khác như ở sau lưng, trên cổ, trên hàm hoặc vùng dưới dạ dày. Khó thở thường xuất hiện đi kèm với cơn đau ngực. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể không trải qua các triệu chứng như mô tả ở trên mà chỉ cảm thấy hơi mệt hoặc thấy khó chịu vùng thượng vị. Khi có những dấu hiệu như trên, hãy đến bệnh viện gần nhất có thể hoặc đến một bệnh viện có trung tâm tim mạch can thiệp.
Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Đơn vị Can thiệp tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) khuyến cáo một số biện pháp phòng tránh có thể giúp giảm bớt nguy cơ mắc bệnh. Theo đó mọi người không hút thuốc lá, lên kế hoạch cai thuốc nếu nghiện thuốc; duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học. Bên cạnh đó nên giữ tinh thần thoải mái, tránh tối đa căng thẳng. Trong trường hợp không thể tự thoát ra khỏi tình trạng stress kéo dài, hãy nhờ tới sự trợ giúp của người thân, bạn bè, bác sĩ tâm lí. Đặc biệt cần khám sức khỏe định kì, nhất là những người dễ bị nhồi máu cơ tim như mắc bệnh cao huyết áp, mỡ máu cao, tiểu đường, hút thuốc...