'Ngáo' mạng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Giúp mình nổi tiếng trên không gian mạng, không ít người dùng đủ mọi chiêu trò để nhiều người biết đến. Họ tạo ra những câu chuyện hư cấu, khoe khoang độ giàu có, dàn dựng các sự việc có chủ đích, chửi bậy trên mạng… để lấy tiếng, gây sự chú ý.

Vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng lên mạng livestream xúc phạm nhiều người, bị bắt với tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo Điều 331 Bộ luật Hình sự, tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về “cuộc khẩu chiến” trên thế giới mạng.

“Hiện tượng” này sau đó kéo theo một loạt người bị bắt cùng tội danh trên. Phần lớn là đồng phạm giúp sức cho bà Hằng. Tuy nhiên, mới đây, việc 2 luật sư, một nhà báo cũng bị khởi tố với cùng tội danh như bà Hằng, do “đấu khẩu” qua lại với bà Hằng đã thức tỉnh người dùng mạng xã hội.

Mới đây, việc nhà báo Hàn Ni và các luật sư Trần Văn Sỹ, Đặng Anh Quân bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến vụ án bà Phương Hằng, nhiều người đã tỏ ra đắc chí, cười cợt và để lại nhiều bình luận khiếm nhã. Họ còn đưa nghề nghiệp những người này ra bỉ bôi, chế giễu mà quên mất rằng, chính hành vi của họ, cũng đang vi phạm pháp luật, vi phạm chính cái điều 331 mà những người trên vừa bị khởi tố.

Nhìn lại vụ án, đúng sai đã có cơ quan điều tra và luật pháp xử lý. Thế nhưng, dư luận vẫn phải lật lại sự việc. Làm thế nào mà một người tự cho mình cái quyền lên mạng xúc phạm, vu khống và đe doạ người khác một cách công khai, kéo dài từ ngày này qua tháng khác, từ trên mạng ảo đến ra ngoài đời thực? Thậm chí, họ còn tổ chức cả những cuộc họp những người hâm mộ chỉ để kêu gọi chửi bới.

Kinh khủng hơn, trong các cuộc “khẩu chiến” trên mạng ảo, nhiều người vào bình luận một cách vô trách nhiệm, xúc phạm, bôi nhọ người khác và xem đó như một thứ “quyền lực” trên mạng ảo mà không ai làm gì được mình. Thậm chí, khi được tung hô, cổ vũ, được nhiều người “thả tim” họ càng ảo tưởng về thứ quyền lực ảo đó để rồi bước ra ở thế giới đời thực một cách ngạo nghễ. Nhiều người lập hội, nhóm kéo nhau đi gây rối ngoài đời, đánh người, phá phách. Điều ngạc nhiên là họ đánh người công khai, vừa đánh vừa phát trực tiếp lên mạng xã hội một cách… tự hào.

Những chuyện đó khiến không ít người cảm thấy bất an và hồ nghi: Ai đứng sau bảo kê và chống lưng cho họ làm loạn, gây rối? Ngay cả bản thân tôi, một người làm truyền thông vẫn không hiểu và giải thích được, tại sao nhiều người hiểu biết pháp luật vẫn vi phạm. Có lẽ, cũng vì chút “men say quyền lực mạng” nói trên, mà đã có lúc không kiểm soát được hành vi, lời nói của mình.

Bạn tôi, cách đây mấy hôm, cũng bị một phụ nữ vu khống và làm nhục trên mạng xã hội bằng cách kêu gọi cộng đồng mạng chia sẻ và chửi bới việc cô ấy yêu người đàn ông trẻ tuổi hơn mình. Sự việc đó, nếu bạn tôi lại sa đà và đôi co, không biết sẽ đi tới đâu. Nhưng bạn chọn cách giải quyết đúng pháp luật là lập vi bằng và viết đơn gửi đến sở thông tin truyền thông, cơ quan nơi người phụ nữ kia làm việc. Mọi việc nhờ đó được giải quyết triệt để.

MỚI - NÓNG
3 người tử vong trên sông Pô Kô, có 2 cán bộ huyện
3 người tử vong trên sông Pô Kô, có 2 cán bộ huyện
TPO - Thấy chị T (công chức Phòng TN&MT huyện Đức Cơ) trượt chân rơi xuống sông Pô Cô, trung tá N.V.V (Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Đức Cơ) và anh L.K.L (trú tại TP.Pleiku, Gia Lai) lao xuống cứu nhưng không được, cả ba người bị dòng nước chảy xiết cuốn tử vong.