8/64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a thoát nghèo; 19/291 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo ra khỏi chương trình hỗ trợ; hàng nghìn thanh niên được đào tạo nghề và có việc làm mới… là những điểm sáng sau hai năm (2017 - 2018) triển khai Nghị quyết 76 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Kết quả này, theo đánh giá của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, có đóng góp không nhỏ của tín dụng chính sách.
Giúp tuổi trẻ nuôi chí lớn
Tốt nghiệp Trường Trung cấp Nông - Lâm Thanh Hóa (nay là Trường Cao đẳng Nông - Lâm) năm 2010, Lê Thị Hạnh ở xã Định Long, huyện Yên Định nhận thấy nhu cầu thị trường về thịt lợn thương phẩm và lợn giống cao, Hạnh quyết định xây dựng trang trại lợn, phát triển kinh tế. Với nguồn vốn tiết kiệm ít ỏi ban đầu, gia đình không đủ “lực” để đầu tư phát triển. Vì vậy, thông qua kênh của Đoàn Thanh niên tỉnh Thanh Hóa, Hạnh cùng gia đình đã mạnh dạn vay 800 triệu đồng từ Quỹ Cho vay giải quyết việc làm do NHCSXH huyện quản lý để đầu tư phát triển chăn nuôi. Với tổng số vốn đầu tư ban đầu trên 1,2 tỷ đồng, sau gần chục năm triển khai, doanh thu của gia đình Lê Thị Hạnh đạt trên 10 tỷ đồng/năm với quy mô 400 con lợn nái, 2.000 con lợn thịt.
Vừa làm, vừa học hỏi và mở rộng thị trường, Lê Thị Hạnh đã phát triển cơ sở chăn nuôi nhỏ của mình thành Công ty CP chăn nuôi và chuyển giao công nghệ Yên Định do chính mình làm giám đốc; tạo việc làm cho hơn 20 lao động với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Cùng với việc sản xuất, kinh doanh, Hạnh đã đề xuất ý tưởng và đầu tư thành lập Công ty TNHH MTV môi trường và công trình đô thị Quán Lào. Công ty đi vào hoạt động từ năm 2015, đến nay đã tạo việc làm cho 15 lao động nông thôn, mức lương 2,5 - 3 triệu đồng/tháng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, Lê Thị Hạnh còn là cán bộ Hội Liên hiệp Thanh niên xã năng động, triển khai nhiều hoạt động thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia.
Cũng thành công nhờ sự hỗ trợ kịp thời của nguồn vốn vay ưu đãi, anh Đàm Văn Bình, thôn Hạ Lý, xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình từ một thanh niên nghèo, đã trở thành ông chủ của cơ sở sản xuất nấm và tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động nông thôn trên địa bàn. Trong vòng chưa đầy hai năm, từ chỗ không có một tài sản đáng giá, đến nay thu nhập của anh đã tăng lên hơn 10 triệu đồng/tháng. Anh Bình chia sẻ, nếu không có hai lần “tiếp sức” của NHCSXH huyện Quảng Trạch, tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng, không biết, giờ này gia đình tôi sẽ thế nào.
Theo Bí thư Huyện đoàn huyện Quảng Trạch Trần Vũ Phong, nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho nhiều thanh niên trong huyện có công ăn việc làm, tăng thu nhập và thoát nghèo. Hiện, Đoàn Thanh niên huyện quản lý 45 Tổ Tiết kiệm và vay vốn; tổng số dư nợ ủy thác trên 67 tỷ đồng, tăng 9 tỷ đồng so với năm 2017. Để nguồn vốn này phát huy hiệu quả hơn nữa, Huyện đoàn sẽ đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi đối với các hộ nghèo là đoàn viên thanh niên; phối hợp với NHCSXH huyện tập huấn cho các cán bộ đoàn ở cơ sở, các tổ tiết kiệm và vay vốn sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác, giúp thanh niên được tiếp cận nguồn vốn, vươn lên làm giàu chính đáng.
Gắn kết thanh niên với tổ chức Đoàn
Là một trong 4 đơn vị thực hiện ủy thác vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, đến nay tổng dư nợ nhận ủy thác qua Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đạt gần 25 nghìn tỷ đồng, tăng 330 lần so với năm 2003; với gần 900 nghìn hộ thanh niên đang còn dư nợ và số hộ được vay từ các chương trình ưu đãi tăng gấp 40 lần so với thời điểm năm 2003.
ĐBQH, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Lê Quốc Phong khẳng định, tín dụng chính sách đã có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào thanh niên ở các địa phương, tạo sự gắn kết giữa thanh niên với tổ chức đoàn. Trong quá trình thực hiện ủy thác vốn vay của NHCSXH, cán bộ đoàn nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của thanh niên, từ đó phối hợp cùng cán bộ NHCSXH tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ. Nhờ vậy, đã thu hút thanh niên ngày càng gắn kết với các cơ sở đoàn, qua đó đưa công tác đoàn và phong trào thanh niên ngày càng đi vào thực chất.
Bên cạnh các chương trình hỗ trợ để thanh niên khởi nghiệp, kinh doanh sản xuất vùng khó khăn, xuất khẩu lao động… Chương trình vốn vay cho HSSV cũng đã kịp thời chuyển tải hơn 13 nghìn tỷ đồng hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường, thực hiện hoài bão của mình trên con đường lập thân, lập nghiệp.
Theo thống kê, hiện Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có hơn 7 triệu đoàn viên đang sinh hoạt tại tổ chức đoàn. Như vậy, nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế và làm giàu của thanh niên là không nhỏ. Theo quy định Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, để được vay vốn, thanh niên phải xây dựng phương án kinh doanh, chứng minh được hiệu quả các mô hình sản xuất kinh doanh và một số trường hợp phải có tài sản thế chấp... Để phát huy hơn nữa hiệu quả của nguồn vốn ưu đãi, giúp thanh niên có cơ hội vay vốn, tạo việc làm, tăng thu nhập, các vướng mắc trên cần sớm được giải quyết.