Ngân hàng chèn ép người gửi tiền

Ngân hàng chèn ép người gửi tiền
"Trần lãi suất huy động giảm xuống còn 11%/năm nhưng không giảm lãi suất cho vay, rõ ràng là các ngân hàng đang họp nhau bắt chẹt người gửi tiền" -  một chuyên gia hàng đầu trong giới ngân hàng nhận định.

Lãi suất cho vay 1 tuần trên thị trường liên ngân hàng hiện đang ở mức 14 - 15%/năm, gần gấp đôi so với thời điểm tạm bình ổn trước đó dù trần lãi suất huy động tiết kiệm VND đã được giảm từ 12% xuống 11%/năm.

Theo đánh giá của một số chuyên gia về tiền tệ, lãi suất liên ngân hàng tăng cao là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã rút về khoản vốn hàng chục nghìn tỉ đồng đã bơm ra để cứu nguy thị trường hơn 1 tháng trước đây, kèm theo đó là việc NHNN đã bán ngoại tệ ra thị trường cũng hút thêm VND vào.

Một phó tổng giám đốc của Habubank đưa ra thêm một nguyên nhân khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh: "Thông tin trên một số tờ báo về việc NHNN sẽ rút 52.000 tỉ đồng từ các ngân hàng thương mại về NHNN trong tháng 4 cũng làm cho tâm lý trên thị trường liên ngân hàng căng thẳng hơn. Đây là một trong các lý do khiến lãi suất liên ngân hàng tăng".

Tuy nhiên, nguồn tin từ NHNN cho biết, NHNN có rút tiền về nhưng vẫn bơm tiền ra đều đặn để đảm bảo tính thanh khoản cho thị trường, việc bán ngoại tệ ra là có nhưng số lượng không lớn và lượng tiền đồng bị rút về không thể ảnh hưởng đến mức lãi suất trên thị trường.

Nguồn tin này khẳng định, việc gia tăng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng là biểu hiện của việc tín dụng tại các ngân hàng tiếp tục "nóng" chứ chưa hãm phanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo thông tin từ NHNN, việc rút 52.000 tỉ đồng từ các ngân hàng thương mại về NHNN mới ở giai đoạn lấy ý kiến của các ngân hàng, không thể thực hiện ngay lập tức mà phải có lộ trình để các ngân hàng không bị sốc nên không ảnh hưởng đến thanh khoản của các ngân hàng.

Hệ quả của trần lãi suất huy động

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia ngân hàng, một vấn đề khác đang sắp sửa "nóng" là hệ quả của trần lãi suất huy động.

Sau hơn 1 tuần kể từ khi áp dụng trần lãi suất huy động mới là 11%/năm đối với VND, tại các ngân hàng cổ phần nhỏ, số lượng khách hàng gửi tiền đã ít hơn hẳn trước đó, có ngân hàng lượng tiền gửi còn bị rút đi.

Lãnh đạo cấp cao của một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội lo lắng: "Chúng tôi chấp hành nghiêm lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng kể từ 2.4 nhưng sau đó lượng tiền gửi của chúng tôi vào ít hẳn so với trước. Nếu tình trạng này kéo dài thì chúng tôi sẽ rất khó khăn".

Một chuyên gia hàng đầu trong giới ngân hàng cho biết một thực tế: "Khi đưa ra trần lãi suất huy động, điều ai cũng có thể nhìn thấy là mức trần này có lợi nhất đối với các ngân hàng lớn vì khi mặt bằng lãi suất là giống nhau thì người gửi tiền thường chọn các ngân hàng lớn, có uy tín hơn.

Bên cạnh đó, đưa ra trần lãi suất huy động 12%/năm rồi lại giảm xuống còn 11%/năm nhưng không thấy ngân hàng nào nói giảm lãi suất cho vay thì rõ ràng là các ngân hàng đang họp nhau bắt chẹt người gửi tiền chứ doanh nghiệp cũng chẳng bớt khó khăn gì về gánh nặng lãi suất".

Vị chuyên gia này nhận xét: "Trần lãi suất huy động 12%/năm là hợp lý vào thời điểm lãi suất huy động trên thị trường quá hỗn loạn nhưng cũng cần được xem xét lại khi thị trường đã trở lại bình thường.

Việc tiếp tục giảm trần lãi suất huy động không những là hành vi chèn ép người gửi tiền mà còn là hành vi giúp cá lớn nuốt cá bé, tạo sân chơi không bình đẳng trên thị trường tài chính giữa các ngân hàng.

Thêm vào đó, khi lãi suất thực âm thì sẽ không giúp cho mục tiêu chống lạm phát vì  người gửi tiền có thể chọn giải pháp tiêu dùng nhiều hơn, tích trữ hàng hóa hoặc đầu tư ra các kênh khác chứ không gửi tiền vào ngân hàng nữa".

Một chuyên gia về chính sách tiền tệ thì khẳng định: "Nếu làm như hiện nay thì chỉ có ngân hàng to, giàu lại càng giàu thêm, còn doanh nghiệp, người tiêu dùng, và cả một số ngân hàng nhỏ là bị thiệt hại".

Theo Hoàng Ly
Thanh Niên

MỚI - NÓNG