Ngậm ngùi trái cây Việt

TP - Mấy tuần nay, ngoài những trái cây thông thường, người dân Sài Gòn được thưởng thức thêm đặc sản miền Bắc đó là vải. Vải Bắc bán khắp nơi, được buộc thành từng chùm lớn vài kg, trái đỏ au, điểm xuyết vài chiếc lá xanh rất bắt mắt.

Mọi năm người Sài Gòn vẫn thấy có vải bán nhưng chỉ lác đác. Năm nay vải sang Trung Quốc gặp trục trặc nên mới tìm đường vô Nam. Người ta bán ra cũng không hề rẻ, trên dưới 25.000 đồng/kg mà vẫn tiêu thụ tốt. Hóa ra đã có thời gian người ta bỏ quên thị trường trong nước, nhất là thị trường miền Nam vốn được tiếng là vương quốc trái cây, nơi không trồng vải. Nhưng khi mùa vải qua đi, trên sạp, ngoài những trái cây đặc sản miền Nam, lại tiếp tục ê hề nho, táo, chanh, cam từ các nước Trung Quốc, Thái Lan… Giữa vựa trái cây của cả nước, sự hiện diện khắp nơi của trái cây ngoại nhập có là một nghịch lý? 


Những gì đang diễn ra ở vùng trái cây nổi tiếng Lái Thiêu (Bình Dương) đang cho thấy hiện tượng nói trên vừa là nghịch lý, nhưng cũng như là điều tất yếu trong cơ chế cung - cầu. Tâm lý ham thanh chuộng lạ, thử cho biết, để rồi khi đằm lại, người dân vẫn ưa chuộng trái cây trong nước. Bằng chứng là khi biết đích xác măng cụt Lái Thiêu chứ không phải măng cụt Thái Lan, được đảm bảo bằng tem dán có ghi xuất xứ, người tiêu dùng rất ưa chuộng và dán đến đâu, bán hết đến đó. Nhưng có mấy khi và mấy nơi thực hiện được và thực hiện tốt việc đảm bảo chất lượng này? 

Trong khi người dân rất lo ngại trước những thông tin về việc tẩm ướp hóa chất độc hại từ trái cây nhập ngoại, nhất là trái cây Trung Quốc, họ vẫn phải chấp nhận ăn trái cây nhập bởi trái cây trong nước một số được trồng, thu hoạch theo mùa trong khi công nghệ bảo quản, chế biến chưa phát triển và ngay cả trái cây trong nước cũng bị “tù mù đánh lận con đen” với trái cây nhập. Và cũng khó có thể ngăn sự đổ bộ của trái cây ngoại, khi bản thân ngành sản xuất nông nghiệp và ở đây là trái cây Việt chưa thực sự đứng vững trên sân nhà. 

Khi nông nghiệp vẫn đang được vận hành theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún thì thực trạng xâm thực trái cây ngoại là điều dễ lý giải. Một vài chủ vườn, chủ vựa trái cây có muốn vươn lên cạnh tranh với trái cây ngoại cũng lực bất tòng tâm. Bởi buôn có bạn, bán có phường. Khi bản thân họ chưa đủ tự tin để đầu tư nâng cao chất lượng, mẫu mã thì trái cây Việt còn phải ngậm ngùi thua từ trong ý thức. 

Thêm vào đó, khi nơi này, nơi kia vẫn còn cạnh tranh thiếu lành mạnh, khi ngành nông nghiệp và các hiệp hội ngành nghề không sát cánh cùng nông dân, không có tiếng nói đủ mạnh và các biện pháp hiệu quả thì khó có thể mang lại cho trái cây Việt bám trụ và phát triển ngay tại sân nhà, chưa muốn nói lên ngôi.