Một lính Nga trong chiến dịch huấn luyện |
Điều đó có thể là lý do lớn nhất khiến Nga thực hiện chiến lược tấn công “chiến lược” gần đây nhằm vào hệ thống lưới điện của Ukraine, nhằm đánh vào ý chí và khả năng chống chịu của đối phương.
Phương Tây cho rằng Nga giờ đang thiếu tên lửa tấn công chính xác. Lực lượng của Ukraine có thể bắn hạ nhiều máy bay không người lái mà họ cho là có nguồn gốc Iran và các tên lửa khác, nhưng nhiều chiếc vẫn vượt qua được.
Trong bài viết đăng trên The Conversation gần đây, ông Frank Ledwidge, giảng viên cấp cao ngành Luật và Chiến lược quân sự của ĐH Portsmouth (Anh), cho biết một số người bạn kể rằng không khí ở Kiev hiện nay rất căng thẳng, người dân đổ xô mua máy phát điện cỡ nhỏ để chống chịu với tình trạng mất điện. Sẽ rất vất vả cho người dân khi phải trải qua một mùa đông dài với máy phát điện nhỏ.
Tuy nhiên, tình hình với đối phương có thể còn khó khăn hơn. NATO đã lên kế hoạch trong mấy tháng qua để bảo đảm đồng minh Ukraine của họ được trang bị tốt. Canada gửi gần nửa triệu bộ đồ chiến đấu mùa đông cho Ukraine. Các nước khác như Mỹ và Estonia cũng vào cuộc.
Trong bối cảnh phải chiến đấu ở Ukraine, lực lượng Nga có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong mùa đông nếu hệ thống hậu cần không vận hành trơn tru.
Nhịp độ chiến đấu chắc chắn sẽ chậm lại khi trời ngày càng lạnh. Việc làm ấm các thiết bị trong điều kiện nhiệt độ -20 độ C cần rất nhiều thời gian.
Dù có thiết bị tốt nhất, điều kiện thời tiết lạnh lẽo trên chiến trường mùa đông ở Trung và Đông Âu cũng rất khủng khiếp. Việc sửa chữa phương tiện, lau súng, hay thậm chí chỉ đứng gác thôi cũng khó khăn khi bàn tay đông cứng.
Hào chiến đấu vẫn là thứ cần thiết như cách đây mấy thập kỷ, để bảo vệ binh lính trước pháo binh. Tuy nhiên, việc đào hào khi mặt đất đông cứng cực kỳ vất vả.
Một quan chức NATO ở Brussels gần đây nói với báo chí: “Nếu bạn chiến đấu trong điều kiện như vậy, nếu xe tăng luôn bị mắc kẹt, nếu nó luôn trượt đi và bạn thường xuyên bị ướt và lạnh, điều đó sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của quân đội”.
Vì thế, việc chiến đấu trong điều kiện khắc nghiệt như vậy đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và huấn luyện. Mọi thứ đều diễn ra chậm chạp, nhất là với hoạt động hậu cần.
Mike Martin, một nhà nghiên cứu cấp cao tại trường Kings College London, nhà bình luận hàng đầu về xung đột ở Ukraine, nhận định: “Phong cách chiến tranh ở Ukraine được xây dựng trên sự cơ động, đòi hỏi tốc độ và sự linh hoạt”.
Cả hai yếu tố này đều khó đạt trong mùa đông. Vì thế, động lực của cuộc xung đột rất có thể sẽ chậm lại trong mấy tháng tới, nhất là từ tháng 12 – 2.
Cho đến lúc đó, ở miền nam, quân Ukraine sẽ cố kiểm soát con đập và cây cầu ở Nova Khakova – nếu chúng không bị đánh sập – rồi tiến vào ngoại ô Kherson.
Ở miền đông, Ukraine có thể cố giữ phòng tuyến để ngăn Nga giành lấy Bakhmut, một thị trấn quan trọng nằm trên con đường tiến vào mục tiêu lâu dài của Nga ở Sloviansk và Kramatorsk.
Trong khi đó, Nga đang cáo buộc Ukraine sử dụng bom bẩn, gây lo ngại về nguy cơ cuộc chiến tiếp tục leo thang.
Vì thế, dù mùa đông có thể làm chậm tốc độ tiến công, sức ép vẫn gia tăng lên tất cả các bên.