1/Các tác phẩm nghệ thuật, ở mức độ nào đó, đều có chức năng như một phương cách biểu đạt cái tôi của nghệ sĩ. Không chỉ giới hạn trong việc tự mặc khải hay giãi bày những cảm xúc và chi tiết trong đời sống cá nhân thông qua hoạt động tạo hình thị giác, nghệ thuật còn thể hiện quan điểm cá nhân nghệ sĩ trước các đối tượng và sự kiện. Những hoàn cảnh con người luôn là chủ đề chính của nghệ thuật, song để vượt thoát ra khỏi sự tầm thường, người nghệ sĩ phải thủ đắc một tầm nhìn độc sáng.
2/ Nét có lẽ là yếu tố quan trọng nhất trong số các yếu tố tạo hình thị giác. Ngay từ thời ấu thơ, con người ta hầu như ai cũng có trải nghiệm với nét khi vẽ và viết. Bản thân nét không hề vô định, mà thường là chính xác, rõ ràng, dù đôi lúc thấp thoáng đậm nhạt. Ở nghệ sĩ, nét thường gắn với một tuyên ngôn cụ thể; nó truyền đạt ý nghĩa thông qua sự quy đồng với các hiện tượng tự nhiên cơ bản, dẫn dắt cái nhìn người xem, khiến họ cảm nhận hay hòa nhập vào các hình tượng hiện diện. Trong quá trình quan sát, đường viền của các thực thể quan trọng đối với việc nhận dạng hơn là màu sắc, kích thước hoặc kết cấu của chúng. Với nhận thức của con người về các hiện tượng thị giác, đường nét mở rộng tạo nên các diện, các hình dạng, và do đó, thường được ưu tiên hơn màu sắc và kết cấu. Hơn nữa, nét còn hàm chứa trong nó sự định hướng, chuyển động và năng lượng.
3/ Trên tiến trình nghệ thuật cá nhân thiên về biểu hiện, qua những mốc triển lãm cá nhân Nguyễn Linh 1, 2, và 3, đến triển lãm này, thời điểm này, NÉT đã trở thành một yếu tính nổi bật và đặc trưng nhất trong hội hoạ của LINH.
4/ Đặc biệt phóng túng và khí phách là những nét bút trong loạt tranh chân dung tự hoạ. Dù đặc tả khuôn mặt, diễn hình bán thân hay tạc dựng toàn thân, đôi khi xuất hiện thêm một hai người mẫu, nét bút của Nguyễn Linh liền mạch không chút ngập ngừng, do dự. Một biểu lộ về độ chín của nghề sau khi đã “tri thiên mệnh”? Nếu những bức chân dung khỏe khoắn và toát ra sự cương trực bởi các nét bút dứt khoát thì ở các bức khỏa thân tự họa, cái vạm vỡ tràn đầy sinh lực hấp dẫn con mắt người xem nhờ các uốn lượn đường bút thần tình, chính xác và phong độ. Cái khoái hoạt của hoạ sĩ khi phóng bút truyền cảm tới người xem cũng nhờ các bố cục lạ, hóm và tự trào.
5/Ở loạt chân dung bạn bè và nghệ sĩ, Nguyễn Linh cho thấy một năng lực thiên bẩm khi phác họa thần thái nhân vật chỉ bằng các nét bút tinh tế. Những mảng màu chấm phá dường như pha thêm dư vị cho cuộc đời nhân vật và/hoặc tỏ bày sự cảm thông chia sẻ những ngọt bùi đắng cay của nghệ sĩ với bạn, với đồng nghiệp. Bị cuốn hút vào những đường nét tràn đầy tình cảm hằn trên các gương mặt, người xem không thể không cảm thông với mỗi số phận định hình qua nét thời gian.
6/ Bộ tranh Chèo và Lên đồng lại là một bước đột phá khác của Nguyễn Linh vào lãnh địa tưởng chừng xưa cũ bao người từng say mê kể tả. Anh Hề, Súy Vân, Cô Đồng… những hình tượng quá quen thuộc trong văn hoá truyền thống cũng như trong hội họa Việt hiện đại nay bỗng lạ lẫm, sống động dưới ngòi bút linh hoạt của ông. Sử dụng các nét bút đầy bản lĩnh của người làm chủ cuộc chơi, những thế dáng, điệu bộ, cử chỉ của các nhân vật được ông mô tả thật sinh động và tài hoa. Ông ít dùng các mảng vờn màu đậm nhạt để tả hình khối cơ thể. Chỉ bằng lối diễn nét vào ra, nhanh chậm, cương nhu, lúc đối kháng, khi hòa đồng, các nhân vật trên toan của ông như nao nức mời gọi người xem hoà vào những hoạt cảnh ngoạn mục do ông thiết trí. Cũng thế, người am tường hội hoạ dễ dàng cảm được không gian ba chiều qua mấy nét phác tạo kết cấu dạng khung hay thủ pháp xếp đặt tương phản các diện sáng-tối, nóng-lạnh, đặc- rỗng của ông. Nhờ những mảng màu vừa hiện đại vừa dân gian, đậm sẫm, đối chọi trong những bố cục bất ngờ, không gian trong tranh Nguyễn Linh nhuốm vẻ siêu thực phi thời gian, quện hòa khí chất kim cổ.
7/ Sau những náo động, tung hoành với các nhân vật đẫm chất sân khấu dân gian, nhóm tranh tĩnh vật và trừu tượng phải chăng là chặng nghỉ ưu thiền của Nguyễn Linh. Nào liễn nào bát nào bình, những đồ thô phác hiện hình trên toan thật yên ả, như góc nhàn tĩnh của người nghệ sĩ độc thoại với chính mình sau những bôn ba hoài bão. Loạt tĩnh vật ông vẽ kiệm nét, đạm màu, tối giản tới mức bán trừu tượng. Và ở đây, các mảng miếng tạo nền của ông đã phát huy hiệu quả thị giác tối đa từ sự tích hợp khéo léo giữa chất liệu giấy dó và toan và màu. Cứ ngỡ nếu nhấc các tĩnh vật ra khỏi tranh thì cấu trúc hình học để lại trên toan đã là những bức trừu tượng thuyết phục. Mà có lẽ ông đã làm thế thật với những bức trừu tượng phảng phất thủ pháp trường màu. Nhìn hình cắt hay bóng viền của đồ vật đan xen với các diện màu được phân bố chặt chẽ lớp lang, mới biết ông rất hiểu cổ vật và cũng là bậc thầy xử lý hình- nền để tạo phối cảnh hư ảo. Mộc mạc ẩn hiện trong bầu không khí trừu tượng của nền, hình như hồn cốt kỷ vật cũng muốn thủ thỉ đôi điều cùng ông.
8/ Tranh vẽ động vật cũng bộc lộ những quan sát tinh tường và niềm yêu mến thiên nhiên của hoạ sĩ. Ở đề tài này, với khả năng nhận diện sắc sảo các tư thế vận động, Nguyễn Linh thực sự mang lại cho người xem nhiều thích thú bởi được phát hiện thêm vẻ đẹp tự nhiên quanh ta qua góc nhìn và lối thể hiện mới mẻ của ông. Nào trâu, nào dê, nào gà, nào lợn … quần thảo hay vấn vít trong những bố cục lạ, dường như hiện ra từ những tảng phù điêu đá vừa được khai quật từ một cổ tích. Những tạo hình hằn rõ xương cơ xứng đáng là những mẫu điêu khắc kim loại xuất sắc nhất. Nhân vật thú cưng được ông vẽ nhiều thế dáng nhất và có lẽ cũng gửi gắm nhiều tự sự nhất là mèo. Có ngoan hiền, có dữ tợn, có uể oải, có dũng mãnh …thế giới mèo của ông phải chăng là một ánh xạ từ thế giới người? Chỉ riêng mảng tranh động vật- cũng như các mảng đề tài riêng khác của ông- có lẽ đủ bày một cuộc triển lãm chuyên đề đỉnh cao, sâu sắc và ấn tượng.
9/ Ở mảng đề tài tranh khỏa thân, những nét lượn mềm duyên dáng quanh cơ thể người nữ nhuốm chút lãng mạn mộng mơ, khó giấu nổi nỗi khát khao bạo liệt của nghệ sĩ tràn đầy sinh lực. Không yểu điệu kiêu sa, không đài các mắt biếc môi hồng, những người nữ của ông tuân theo tỷ lệ người Việt cổ: hơi thấp, hơi đậm, khoẻ khoắn, cục mịch và hừng hực ngầm; tất cả, thật lạ, khơi lên nơi lòng người xem lửa ấm yêu đương.
10/ Bàn về bí quyết vẽ nét tinh thông, chính xác và biểu cảm, ông tâm sự: “Luyện và nghiên cứu hệ thống nét, mấy chục năm đeo đuổi và rèn, mà vẫn chưa đâu vào đâu. Phải rèn, học cách vẽ hệ thống nét. Vẽ vờn sáng tối có thể ba năm, nhưng vẽ được nét phải có chút trời cho và rèn luyện có khi cả đời”. Đến nay, lối vẽ tiết giảm bảng màu và tăng cường công nét khiến hội hoạ Nguyễn Linh bàng bạc phẩm chất biểu cảm mạnh mẽ cùng xu hướng cấu trúc ý niệm thâm trầm.
11/ Trong những thời khắc khó khăn nhất của đời sống, tố chất con người càng bộc lộ rõ. Non năm nay, nhân thế sầu bi với mấy mùa giãn cách xã hội bởi đại nạn COVID-19, kỳ lạ thay hội hoạ của ông lại thăng hoa kết trái thành hàng trăm tác phẩm chất chứa lạc quan. Ông mê mải vẽ như quên thời gian và tuổi tác. Không hẳn “lượng sẽ biến thành chất”, song với ông, vẽ cũng tự nhiên như thở, thành bại chưa màng, mà lầm lũi chân thành say đắm với “nàng” hội hoạ được gần một vòng hoa giáp đã là cuộc duyên trời viên mãn.
Tự tin và kiêu hãnh, Nguyễn Linh đang vượt qua chính mình trong chặng nước rút bứt phá ngoạn mục trên đường trường nghệ thuật. Với riêng tôi, không còn hồ nghi gì nữa, NÉT LINH đã đĩnh đạc khắc lên vòm trời nghệ thuật Việt tên tuổi một tầm vóc hội họa đặc biệt.