Nét bút loằng ngoằng trên da thịt

Minh họa: Đỗ Phấn.
Minh họa: Đỗ Phấn.
TP - Văn của Đỗ Phấn bao giờ cũng tràn đầy những con người - thị dân hoặc nghệ sĩ, đôi khi là cả hai - với những câu chuyện rất đặc thù và hấp dẫn. Truyện ngắn dưới đây cũng không ngoại lệ.

Văn của Đỗ Phấn bao giờ cũng tràn đầy những con người - thị dân hoặc nghệ sĩ, đôi khi là cả hai - với những câu chuyện rất đặc thù và hấp dẫn. Truyện ngắn dưới đây cũng không ngoại lệ. Một mối tình chớm nở và nhanh chóng bùng nổ, trong vẻ đẹp của nghệ thuật và thăng hoa. Mối quan hệ phức tạp và tinh tế giữa cảm thức nghệ thuật và cảm xúc thân xác. Cái đẹp hiển lộ rừng rực nhưng mong manh ảo diệu.

Để có được những điều này trong tác phẩm, tác giả cũng phải thế nào? Thì đây, người vẽ cũng là người viết, vừa là họa sĩ vừa nhà văn, Đỗ Phấn.            L.A.H

Cuộc rượu đã đến hồi đẫm giọng. Mờ mờ trước mắt cô là dáng người đàn ông cần mẫn có phần cam chịu. Ánh mắt anh thỉnh thoảng lóe lên cái nhìn khinh bạc. Khóe miệng cười bí ẩn hơi có chút giễu nhại. Đàn ông xứ này rất khó để biết họ đang nghĩ gì. Ngay từ những ngày còn du học bên trời tây, thỉnh thoảng cô cũng gặp những người như thế. Chẳng bao giờ họ để lộ ra một chút gì đó tương tự như tình đồng hương chẳng hạn. Người Việt ở xa tổ quốc không chỉ là đồng hương Việt Nam với nhau. Đã từng có rất nhiều hội đồng hương nhỏ lẻ đến tận đơn vị hành chính nhỏ nhất là cấp huyện. Hội đồng hương Thủy Nguyên ở nhà máy của cô chẳng hạn. Họ sinh hoạt gắn bó như anh chị em trong một nhà. Chẳng bao giờ có hội đồng hương thành phố cô từng từ đó ra đi dù rằng đó là một thành phố lớn vào loại nhất nước.

Dĩ nhiên được lớn lên, học hành ở thành phố này, cô đã quen với cách cư xử có phần lạnh nhạt. Chẳng bao giờ hỏi han quá sâu vào riêng tư một ai đó. Nhất là hỏi han về quê quán. Hỏi người khác quê ở đâu hình như là một sự xúc phạm không hề nhỏ. Họ đang sống ngay trước mắt mình. Điềm tĩnh, dửng dưng. Và không bao giờ hỏi mình những câu tương tự. Có cảm giác như họ là những người không có quê hương bản quán. Hoặc đang cố giấu đi câu chuyện ấy cũng là.

Thực ra thì khái niệm một công dân thế giới mới ra đời cách đây chưa lâu. Một số rất ít người có thể sống và thực hiện những quyền công dân của mình như thế. Họ phải là nhà toán học. Nghệ sĩ dương cầm tầm quốc tế. Hoặc ít nhất thì cũng phải là những kẻ ham chơi “Xách ba lô lên và đi” mới có thể thực hiện được. Lặt vặt vài đàn ông tỏ ra bí hiểm ở thành phố này thực ra đang che giấu những chuyện đơn giản hơn nhiều. Người thì cuộc vui nào cũng góp mặt nhưng chỉ nghe và uống. Chẳng bao giờ khởi xướng lên một trò gì. Cái kín đáo âm trầm của họ cùng lúc che giấu khá nhiều câu chuyện đằng sau. Có thể là kiến thức chuyên môn. Có thể là độ trải nghiệm đời sống phố phường. Cũng có lúc đơn giản hơn, chỉ là che giấu mức thu nhập khiêm tốn của mình. Thế nhưng với cô, họ đã bày ra toàn bộ những thứ muốn che giấu. Đó là còn chưa kể những người hay khoe khoang khoác lác. Từ rất lâu rồi cô phải luôn tự nhắc mình nên hiểu ngược lại những gì họ nói.

Anh không giấu giếm những thứ người khác cần phải giấu. Mà có muốn giấu cũng chẳng được. Những người cũ mặt ở đây phần lớn biết anh đã vài chục năm rồi. Có người là bạn học từ hồi phổ thông bom đạn. Có người là đồng nghiệp. Cũng nhiều người chỉ là bạn bè nơi quán xá mà thôi. Quán xá là thứ chưa từng thiếu ở thành phố này. Thời lăn lóc đói khổ thì cũng vẫn nườm nượp những quán nước chè mở ra khắp phố. Khá lên một chút thì quán bia hơi vỉa hè, quán giải khát. Quán nước chè nào cũng bán rượu trắng. Và rượu nào cũng pha nước lã chỉ để bán trong ngày. Lũ bạn ngồi uống hôm nay ở trong nhà hàng này cũng có vài đứa là bạn rượu của anh từ hai chục năm trước. Họ quá quen với tác phong uống rượu không mồi nhậu từ những ngày đói khổ dù rằng bây giờ đã khá giả hơn nhiều. Hóa ra thói quen mới là thứ khó bỏ. Và tệ hơn, chúng tự tìm đến nhau khi có dịp. Nhiều người đã mất liên lạc với anh hàng chục năm khi gặp lại lập tức anh có cảm giác như vừa gặp hôm qua. Thân thuộc đến cả cách bật lửa châm điếu thuốc. Và tất nhiên cách nâng chén nhã nhặn chậm rãi không có gì thay đổi.

Người đàn ông có mái tóc bù xù bỗng cất giọng réo rắt: “Mục hạ vô nhân…chúng anh đây mục hạ vô nhân…”. Bài hát xẩm ngày xưa rất phổ biến ở bến xe điện Bờ Hồ. Những đứa trẻ thập kỷ ’60 ở thành phố này hầu như đều được nghe trực tiếp từ các gánh xẩm khắp nơi đổ về. Họ ăn mặc lam lũ quần nâu áo vá nón rách tưởng như không có thể tồi tàn hơn. Chẳng ai biết do hoàn cảnh khó khăn thật sự hay chỉ là những thứ đạo cụ gợi lên niềm trắc ẩn của dân phố. Nhưng lời bài hát có chất văn học hài hước khá cao. Người lớn trẻ con xúm xít phá ra cười. Tiền xu, tiền hào bay tới tấp vào trong chiếc nón mê lật ngửa. “Mái tóc bù xù” dường như chẳng còn để ý gì đến những người xung quanh. Hai tay cầm đũa gõ nhịp lên thành chiếc bát trống không trước mặt. Cũng chẳng ai để ý ngoài cô. Với một người từng học nhạc hàn lâm như cô thì ca nhạc dân gian là thứ hoàn toàn lạ lẫm. Nó được kí âm bằng những sàng sê líu tưởng đơn giản mà vô cùng phức tạp. Nó chỉ có thể dạy nhau bằng cách truyền khẩu mà cũng chẳng có giai điệu cố định nào. Hình như mỗi người hát cũng là một đồng tác giả hun đúc nó qua nhiều thời kì. Và nói chung nghiêng về phía bi ai thống thiết. Không ngạc nhiên khi nó dần biến thành những di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Cái tổ chức kì quặc này có tôn chỉ khi đã công nhận thứ gì thì y như rằng thứ ấy đang có nguy cơ biến mất.

Anh ngồi trầm ngâm bâng quơ trong làn khói thuốc đặc sánh. Hình ảnh cô hư ảo hiện ra bồng bềnh. Mái tóc nâu xốp nhẹ phảng phất qua gương mặt trang nghiêm kín đáo một nụ cười. Vồng ngực căng tràn dưới chiếc áo cổ rộng. Vòng eo nhỏ nhắn linh hoạt bên trên chiếc quần ống rộng thùng thình trễ nải. Một vẻ đẹp hiếm hoi có phần hoang dã ở thành phố rất nhiều lễ nghi này. Ánh mắt anh bị hút chặt vào dáng hình cô từ lúc nào chẳng biết. Nó hầu như kiểm soát mọi thay đổi dù nhỏ nhất trên cơ thể tràn trề sức sống của cô.

Không khó để cô nhận thấy ánh mắt ấy.

Không khó để cô làm thỏa mãn ánh mắt ấy bằng những cử động tưởng như vô tình. Là cô nghĩ thế.

Nhưng chuyện ấy không xảy ra. Ánh mắt anh vẫn nhìn bao quát mông lung dường như chẳng chú ý gì đến những thay đổi trên cơ thể cô. Nụ cười dừng lại trên môi anh đầy vẻ khách sáo. Cô đánh bạo nhoài người sang phía anh thì thầm,

Nghe nói anh là họa sĩ, em cũng rất thích tranh.

Vâng, tôi kiếm sống bằng nghề vẽ thôi, chưa phải là họa sĩ đâu!

Không phải, bạn em kể anh là họa sĩ nổi tiếng rồi.

Em có thể kiểm tra ngay thôi! Anh cười thân thiện.

Anh không ngờ cô đứng dậy vào quầy hàng tìm ra ngay một chiếc bút bi và mấy tờ giấy ghi thực đơn. Chẳng còn cách nào khác, anh miễn cưỡng cầm mấy tờ giấy cô đưa. Và biết chắc đây sẽ là lần cầm bút thất bại toàn diện. Anh không có thói quen nguệch ngoạc trước mặt người khác. Lại thêm đồ nghề của một thư kí văn phòng rất lạ lẫm với cây bút lông và bảng vẽ hàng ngày.

Cô rót cho anh một cốc whisky lớn. Anh lịch sự chạm khẽ vào cốc của cô rồi cạn hết. Chất rượu đặc sánh thơm ngát tỏa lan trong mũi. Hít một hơi dài, anh mở nắp bút bắt đầu những nét vẽ trên trang giấy trắng tinh dưới ánh đèn mờ ảo ngôi quán đã về chiều. Gương mặt cô dần hiện lên thuần khiết thanh tao.

Lũ bạn anh cũng chợt như bị cuốn hút vào bức vẽ. Hay bị cuốn hút vào gương mặt cô anh không biết nữa. Tất cả lặng im. Giọng hát khê nồng của “Tóc tai bù xù” cũng chợt im bặt. Nó như một động lực sục sôi khiến cho bàn tay anh không chút ngần ngại vạch những đường nét bay bổng miệt mài. Những nét bút gần như mất kiểm soát nhiều lần vạch cả sang đùi cô để lại những hình kỉ hà đan cài trên nền vải sáng màu. Chỉ đến khi bức chân dung hoàn thành anh mới chợt nhận ra hành động phá hoại ấy.

Chết rồi, tôi xin lỗi đã làm hỏng mất chiếc quần của em! Anh ấp úng buồn rầu.

Không sao mà anh, anh có thể vẽ thẳng một cái gì lên đó cũng được!

Thật ư? Anh không thốt nên lời.

Thật đấy, em đã thấy ở nước ngoài nhiều người mặc quần áo tự vẽ ra đường. Rất độc đáo.

Trấn tĩnh giây lát, anh tự rót cho mình một cốc rượu và cạn. Có một sức mạnh kì lạ nào đó lại tiếp tục cuốn anh vào trò chơi ngẫu hứng này. Anh mê mải thêm bớt những đường kỉ hà trên nền vải quần của cô. Những mảng đen phải mất công tô rất nhiều lần mới kín. Bức tranh trừu tượng dần hình thành trên hai đùi cô ngẫu hứng như một cơn cuồng phong tạt ngang đầy tốc độ. Dù cách một lần vải anh vẫn nhận thấy rất rõ những run rẩy li ti trên da thịt cô. Đó cũng là lần đầu tiên nét bút của anh chạm đến da thịt đàn bà một cách gần gũi nhất.

*

Đúng hẹn, anh xuống thăm cô trong căn hộ trên tầng cao ở phía nam thành phố. Cái thành phố kì dị phát triển phi mã này đã biến anh thành người tỉnh lẻ lúc nào chẳng hay. Phải hỏi thăm mãi mới đến được cái cửa hầm gửi xe máy. Dựng xong chiếc xe vuông vắn vào nơi qui định lại loay hoay đi tìm buồng thang. Tìm thấy buồng thang rồi lại phải đọc tên chủ nhà vào camera bảo vệ. Người trực thang buông giọng gắt gỏng “Anh vào nhầm buồng thang rồi, chị ấy tầng 9 ở cầu thang số 2.”. Lại lếch thếch đi tìm buồng thang máy số 2. Nó không hề ở gần buồng thứ nhất theo số đếm tự nhiên. Lần này thì anh hết kiên nhẫn. Phải bấm điện thoại gọi cho cô. Cũng phải chờ một lúc lâu mới thấy cô xuất hiện. Đằng sau những dãy cột đánh số mờ ảo trong ánh sáng căn hầm khổng lồ. Cô dẫn anh đi một quãng dài lắt léo trong hầm đến buồng thang số 2. Vừa đi vừa nhắc,

Xe anh để trong khu có hàng cột đề chữ H1, phải nhớ kẻo khi về tìm khó đấy!

Anh ngoái đầu lại, hàng cột đề chữ H1 đã khuất sau những hàng cột khác từ bao giờ. Cái khái niệm thị dân thuộc lòng phố xá nơi mình sống cũng bắt đầu biến mất. Những kẻ như anh sống gần nửa thế kỉ ở nơi này vẫn phải hỏi đường khi ra các khu đô thị mới.

Căn hộ của cô khá rộng rãi khang trang và tràn ngập ánh sáng. Thứ ánh sáng lí tưởng cho những người làm công việc như anh. Trong nhà đã thấy treo lác đác vài bức tranh của những họa sĩ thành phố mà anh quen biết. Giới mĩ thuật ở thành phố này có cách sinh hoạt hơi lạ. Biết nhau cả đấy nhưng thường chỉ thân thiết với nhau từng nhóm nhỏ vài ba người. Rất hiếm khi có những nhận xét về nhau. Cũng chính vì thế họ rất ít khi va chạm xích mích. Đó là một môi trường lí tưởng cho hoạt động nghệ thuật.

Anh cẩn thận đặt túi đồ nghề và tập giấy vẽ vào sát chân tường. Cô lục tìm trong tủ rượu một chai whisky và hai chiếc cốc lớn bày ra bàn. Mở tủ lạnh lấy ra mấy món đồ nguội xúc xích, pho mát, dưa chuột muối.

Em không uống rượu nhưng hỏi bạn nên biết mua những đồ uống này, anh có cần thêm gì nữa không để em mua tiếp!

Giọng nói tự tin của cô khiến anh vững tâm:

Không cần mua thêm đâu, như thế là quá đủ với người uống rượu rồi!

Cô nhờ anh bóc chai rượu mới rót ra hai cốc trên bàn. Chạm cốc cô chúc:

Chúc anh yêu đời, sáng tác tốt nhé!

Chúc em mãi tươi trẻ!

Anh lấy mấy tờ báo cũ trải ra sàn và bày đồ nghề lên đấy. Với anh, một bức chân dung vẽ bằng bột màu lên giấy cứng là những thao tác hết sức đơn giản và thuần thục. Nhất là khi ở trong một căn phòng vắng lặng và tràn ngập ánh sáng như thế. Anh bắt đầu công việc với hào hứng như được tiếp nối từ hôm vẽ cô trong quán rượu. Những mảng màu mạnh ào ạt buông ra từ ngọn bút. Chúng hòa quyện vào nhau tạo nên những hình khối tươi tắn khỏe mạnh. Những nếp áo trên chiếc sơ mi rộng thùng thình trắng muốt rất dễ để hình dung ra phần cơ thể rạo rực bên trong. Chiếc váy tím than mịn màng với những hình vẽ kỉ hà hiện đại màu cam chói sáng. Anh cố gắng nắm bắt và miêu tả cặp mắt to bí ẩn dịu dàng. Chiếc mũi thẳng và đôi môi mọng cười rực rỡ. Mớ tóc bồng bềnh như tan biến vào không gian bức tường tối sẫm đằng sau. Bức chân dung hoàn thành chỉ sau một giờ làm việc hối hả. Nhưng dư âm của nó hình như còn đọng lại trên bàn tay anh run rẩy. Rất lâu rồi anh mới tìm lại được cảm xúc như vậy.

Không để vuột mất những cảm xúc vừa vụt đến, anh ướm hỏi cô:

Nếu anh muốn vẽ một bức tranh khỏa thân thì em có thể làm mẫu được không?

Được chứ sao không, anh vẽ ngay nhé!

Cô rời ghế xô pha bước lại chỗ anh ngồi. Chậm rãi ngồi xuống sát bên anh. Chậm rãi đưa bàn tay mềm mại vuốt lên vai anh trìu mến. Những tín hiệu ấm áp bất giác làm anh sững lại nhìn sang gương mặt cô giờ đã ghé sát bên má anh. Một cái hôn dài tưởng như không dứt. Đôi môi mọng cười rực rỡ trong môi anh chậm rãi lăn mềm…

Với bất kì họa sĩ nào từng học tập ở các trường mĩ thuật chuyên nghiệp ra thì việc vẽ mẫu khỏa thân không hề lạ. Họ đã hàng chục thậm chí hàng trăm lần phải thực hiện những bài tập như thế trong suốt thời kì học cơ bản. Đúng giờ lên lớp đã có người mẫu khỏa thân cả nam và nữ đứng ngồi sẵn trên bục rồi. Mùa hè quạt máy, mùa đông lò sưởi. Những qui định về cự li tiếp xúc với người mẫu được thực hiện nghiêm túc. Thực ra chỉ là qui định với học sinh thôi. Nhiều cô người mẫu chẳng ngại ngần gì khi nhảy từ trên bục mẫu xuống bá vai bá cổ học trò. Chẳng có qui định nào với hành vi của các các cô cả. Học trò nhiều anh xấu hổ bị các cô trêu ghẹo là thường. Nhưng những bài tập ở trường vĩnh viễn chỉ là bài tập mà không bao giờ trở thành tác phẩm. Cũng phải sau khi ra trường lăn lộn áo cơm nhiều năm anh mới biết. Đó là khi thuê người mẫu về nhà vẽ nhiều năm cũng vẫn lối mòn trường qui. Người mẫu chuyên nghiệp có cách làm mẫu khiến cho nhiều họa sĩ quay về với lối vẽ nghiên cứu.

Đã rất lâu rồi anh không vẽ người mẫu khỏa thân nữa. Vì biết cầm chắc thất bại. Kinh nghiệm từ các bậc thày toàn thế giới đã chỉ ra điều đó. Không có những giao lưu tình cảm giữa họa sĩ và người mẫu thì thường kết quả chỉ là bài tập vẽ nghiên cứu vô hồn mà thôi. Giờ đây trước mắt anh là một cơ thể, một tâm hồn mà anh đã có những trải nghiệm nồng nàn về nó. Cô không còn là người mẫu đơn thuần nữa. Thậm chí, anh biết, rất có thể cô sẽ là đồng tác giả. Những nét bút giờ đây không còn được miêu tả theo hình ảnh trước mặt. Nó tự do phóng khoáng như lặp lại những khoảnh khắc mê cuồng. Anh dự tính sẽ ghi lại thật nhiều phác thảo cho những khoảnh khắc như thế ngõ hầu dựng nên một bức tranh đầy đặn về cô bằng những vật liệu khác.

Vừa hào hứng phác hình cô lên mặt giấy anh vừa chỉnh sửa lại những tư thế nằm, ngồi. Ngọn bút lông của anh vô ý chạm vào những khoảng da thịt trắng ngần để lại những nét vẽ ngoằn ngoèo. Cô cười:

Không khéo vẽ xong thì em trở thành tác phẩm body painting mất!

Đừng lo, màu nước tắm rửa là sạch ngay!

Anh có thích nghệ thuật body painting không? Cô cười tinh quái.

Không hề thích!

Vì sao vậy?

Người ta hay ví người đẹp như những bình hoa di động. Cần gì phải vẽ thêm hoa lên đấy nữa?

Em cũng nghĩ thế. Họa sĩ mình làm sao ấy anh nhỉ. Toàn chọn người đẹp để vẽ. Điều đó là không cần thiết!

Đúng vậy, tưởng là giao lưu đụng chạm vào thịt da trực tiếp thế nhưng hoàn toàn giả tạo. Thậm chí vô cảm!

Cô cười phá lên. Bầu ngực căng tràn nhấp nhô đến nghẹt thở…         

5-2018

MỚI - NÓNG