Khi tàu vũ trụ được phóng lên, tiếp cận mặt trời, nó chỉ cách 6 triệu km so với bề mặt của mặt trời. Theo các nhà khoa học dự đoán, điều kiện khắc nghiệt trong khu vực này có nhiệt độ trên 1.400 độ C và bức xạ có cường độ rất mạnh, do đó yêu cầu tàu vũ trụ phải có cấu trúc bảo vệ hợp lý. Hệ thống tân tiến nhất Thermal Protection System (TPS), một tấm chắn cacbon đường kính 2,7m sẽ bảo vệ con tàu cũng như các trang thiết bị bên trong khi “chạm trán” với mặt trời.
Năng lượng cho tàu được hai hệ thống năng lượng mặt trời riêng biệt cung cấp. Hệ thống đầu tiên thực hiện nhiệm vụ khi vệ tinh thăm dò tiếp cận mặt trời, trong khi hệ thống thứ hai gồm hai tấm pin có thể chuyển động, được làm mát bằng chất lỏng được thiết kế đặc biệt để chống chịu nhiệt độ rất lớn của khí quyển của mặt trời.
Nếu tàu tiến gần mặt trời hơn, hệ thống thứ hai sẽ tự động co vào phía sau hệ thống TPS để duy trì nhiệt độ và nguồn năng lượng ra, trong khi pin li-ion sẽ đóng vai trò là nguồn cung cấp năng lượng phục hồi.
Khi nhiệm vụ này được hoàn thành, NASA kỳ vọng sẽ giải đáp được những câu hỏi đặt ra về trạng thái tự nhiên của mặt trời, đồng thời giúp chúng ta hiểu rõ và dự đoán môi trường bức xạ mà trong tương lai, các nhà thám hiểm không gian sẽ sinh sống và làm việc.
Từ hàng triệu năm qua, con người đã không ngừng dõi theo những biến động của mặt trời, nhưng hiện vẫn tồn tại hai câu hỏi lớn.
Những năm 40, câu hỏi đầu tiên đặt ra là tại sao lớp khí quyển của mặt trời lại nóng hơn tới hàng trăm lần so với vùng quển sáng, hay chính là bề mặt có thể thấy được. Câu hỏi thứ hai về nguồn gốc của những cơn gió mặt trời trong khí quyển. Chúng di chuyển với vận tốc siêu âm và ảnh hưởng tới hành tinh chúng ta cũng như các hành tinh khác trong hệ mặt trời.
Câu trả lời chính xác cho những vấn đề này chỉ có được bằng cách trực tiếp do thám tầng khí quyển của mặt trời. Mặc dù nhiệm vụ đó được đề cập từ năm 1958, tuy nhiên, con người vẫn thiếu công nghệ. Từ sau đó, sứ mạng khám phá mặt trời vẫn luôn được NASA ưu tiên hàng đầu.
Gia Bảo
Theo Gizmag