Nâng tầm ẩm thực, thúc đẩy du lịch

TP - Ẩm thực Việt được kỳ vọng tiếp tục là một kênh quảng bá, thu hút khách quốc tế, đặc biệt là chinh phục khách hạng sang đến Việt Nam.
Nâng tầm ẩm thực, thúc đẩy du lịch ảnh 1
Chả cá, cốm làng Vòng phục vụ du khách hạng sang

Phở, cốm làng Vòng… đãi khách tỷ phú

Từ năm 2024, mỗi năm người Ấn Độ được dự báo dành ra khoảng 42 tỷ USD cho nhu cầu du lịch. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đón hơn 230 nghìn lượt khách Ấn Độ, tăng 164% so với cùng kỳ năm 2023. Ấn Độ trở thành một trong 10 thị trường gửi khách quốc tế lớn nhất Việt Nam. Cuối tháng 8/2024, du lịch Việt Nam chuẩn bị đón “làn sóng” du khách chi tiêu cao từ Ấn Độ.

Từ 27/8 đến 7/9, tỷ phú ngành dược của Ấn Độ sẽ đưa khoảng 4.500 nhân viên đến Việt Nam du lịch. Đoàn khách dự kiến ghé thăm Hà Nội, Ninh Bình, vịnh Hạ Long và chia thành các đoàn nhỏ lưu trú tại nhiều khách sạn 4-5 sao.

Bà Nguyễn Thu, đại diện Novotel Thái Hà (Hà Nội) cho biết, khách sạn hợp tác với một đội ngũ đầu bếp người Ấn, chuẩn bị các thực đơn vùng miền khác nhau với nguyên liệu nhập khẩu từ Ấn Độ để phục vụ đoàn khách của tỷ phú. Nguyên liệu được thay đổi theo ngày, phù hợp với các đối tượng khách của đoàn. “Ban lãnh đạo khách sạn đã có chuyến công tác Ấn Độ, gặp gỡ các đại lý lữ hành lớn tại đây để hiểu rõ hơn nhu cầu của thị trường Ấn Độ. Riêng đối với đoàn khách này, chúng tôi đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với công ty điều phối từ phía nước bạn”, bà Thu nói.

Bên cạnh những món ăn với nguyên liệu nhập khẩu từ Ấn Độ, trà, cà phê nhập từ nước ngoài, một số khách sạn phục vụ đoàn khách món ăn đặc trưng của Việt Nam. Khách sạn Movenpick Living West Hanoi (Cầu Giấy, Hà Nội) giới thiệu văn hóa ẩm thực của Hà Nội cho nhóm khách Ấn Độ.

“Chúng tôi tạo ra không gian và dịch vụ cho du khách vừa trải nghiệm những điều mới mẻ và vẫn thấy ấm áp như ở nhà. Thực đơn dành cho du khách Ấn Độ cũng được thiết kế tỉ mỉ và kỹ lưỡng, kết hợp hài hòa với ẩm thực Hà Nội. Ngoài thực đơn kiểu Ấn Độ, chúng tôi cũng giới thiệu một số món ăn đặc trưng của Việt Nam như phở, bún, chả cá, cốm làng Vòng... tới đoàn khách”, bà Lê Kim Thu, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị khách sạn Movenpick cho biết.

Trước đó, vào đầu tháng 8/2024, Lễ hội Ẩm thực Việt Nam tại Ấn Độ được tổ chức tại bang Uttar Pradesh (Ấn Độ). Sự kiện đón hàng trăm lượt khách tham quan tới và trải nghiệm không gian văn hóa Việt. Đầu bếp Nguyễn Văn Thông tham gia trình diễn tại lễ hội cho biết, nhiều người dân Ấn Độ rất thích ăn những món Việt như phở, các món chè, nem rán,…

Nâng tầm ẩm thực, thúc đẩy du lịch ảnh 2
Ấn Độ là một trong 10 thị trường khách du lịch quốc tế lớn nhất của Việt Nam

Kể chuyện qua món ăn

Ông Phạm Hà, CEO Lux Group cho biết, du khách được phân loại thành nhiều dạng như bình dân, trung cấp và cao cấp. Khách cao cấp quan tâm nhiều hơn đến phong cách ăn uống, sự an toàn thực phẩm, không gian và sự trải nghiệm ẩm thực.

Với kinh nghiệm nhiều năm phục vụ phân khúc khách hạng sang, ông Hà khẳng định, Việt Nam có tiềm năng trong việc thu hút khách cao cấp. “Tuy nhiên, việc kể chuyện cho từng món ăn để thực khách cảm nhận được văn hóa người Việt qua món ăn, hương vị là điều mà chúng ta cần làm nổi bật hơn nữa. Từ món ăn đường phố đến những món ăn sang trọng trong khách sạn, nhà hàng cần được kết nối trực tiếp đến các giá trị văn hóa của người Việt”, ông Phạm Hà nói. Việc quan trọng nhất để nâng tầm một món ăn là kể câu chuyện về món ăn đó. Từ lịch sử, quá trình phát triển đến cách nấu… đều cần được giới thiệu đến du khách.

TS. Đặng Thị Phương Anh (khoa Du lịch, trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) phân tích, thông qua từng món ăn, câu chuyện gắn liền với món ăn đó, du khách phần nào hiểu được đời sống người dân địa phương, làm nổi bật sự khác biệt giữa các địa phương. Hà Nội, Hội An, Huế… nổi tiếng trên bản đồ du lịch văn hóa đều được du khách nhớ đến bởi có đời sống ẩm thực phong phú.

Việc phân loại, đánh giá, xếp hạng các điểm đến ẩm thực, các quán ăn cũng cần được chú trọng để đáp ứng được nhu cầu của từng hạng khách. “Chúng ta cần hệ thống đánh giá riêng để gắn sao các quán ăn như việc Michelin đang làm. Đây cũng là cách để định hướng cho khách hàng đến đúng điểm hoặc hàng ăn họ mong muốn”, TS. Phương Anh đề xuất.

Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty du lịch Duy Nhất Đông Dương cho rằng, yếu tố ẩm thực cần được đặt ở vị trí quan trọng. “Ẩm thực Việt Nam rất đa dạng và hấp dẫn, nhiều món là quốc hồn, quốc túy như phở, nem, cà phê,… Những món ăn này đều phổ biến với bạn bè quốc tế”, ông Sơn nói. Khách siêu giàu hay khách tầm trung cũng đều có nhu cầu thưởng thức ẩm thực ngon, bên cạnh những trải nghiệm tham quan, lưu trú.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực UBVH,GD của Quốc hội nhận định, để ẩm thực phát huy tiềm năng và lợi thế trong công nghiệp văn hóa, cơ quan quản lý nhà nước và những đơn vị sản xuất, kinh doanh cần nhìn nhận ẩm thực qua lăng kính của văn hóa và di sản.

“Cần đầu tư làm nổi bật những giá trị này, bằng cách tạo ra những không gian trải nghiệm ẩm thực không thể quên, nơi mà mỗi thực khách không chỉ được thưởng thức món ăn, mà còn được sống trong một phần của lịch sử và văn hóa. Các sự kiện, lễ hội ẩm thực có thể trở thành những ngày hội lớn. Việc xây dựng, quảng bá thương hiệu cho các món ăn đặc sản là cơ hội để khẳng định vị thế của ẩm thực Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng trên bản đồ ẩm thực quốc tế”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Chuyên gia khẳng định, hợp tác quốc tế và xuất khẩu thực phẩm đặc sản là những con đường mở rộng tầm ảnh hưởng của ẩm thực Việt ra thế giới.