Năm 2011, hơn 5000 vụ án hình sự được phá

Đại diện lực lượng cảnh sát, công an Hà Nội tại buổi họp báo sáng nay 26-12. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Đại diện lực lượng cảnh sát, công an Hà Nội tại buổi họp báo sáng nay 26-12. Ảnh: Tuấn Nguyễn
TPO -Thượng tá Đào Thanh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm trật tự xã hội (PC45-Công an TP Hà Nội) cho biết, năm 2011, Hà Nội xảy ra 5.198 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có 264 vụ trọng án.

> Tướng Nhanh không can thiệp vào việc xử lý vi phạm giao thông

Đại diện lực lượng cảnh sát, công an Hà Nội tại buổi họp báo sáng nay 26-12. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Đại diện lực lượng cảnh sát, công an Hà Nội tại buổi họp báo sáng nay 26-12. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
 

Tỷ lệ điều tra trọng án chung đạt 92,4%. Đặc biệt, có 9 vụ giết người, cướp tài sản đều được điều tra làm rõ. 83 vụ giết người đã điều tra được 81 vụ, còn hai vụ do va chạm ngoài đường, đối tượng đã dung dao đâm chết nạn nhân gây khó khăn trong quá trình điều tra.

Nguyên nhân dẫn đến các vụ trọng án giết người thường do bộc phát, nguyên nhân xã hội. Trong tháng 12 này đã xảy ra hai vụ giết người, cướp tài sản đều xảy ra trong nội bộ gia đình (cháu giết bác ruột, cháu giết bà nội)…

Báo cáo của Công an TP Hà Nội cho thấy, năm 2011, Công an TP Hà Nội tiếp tục kiếm chế được tốc độ gia tăng của tội phạm, tệ nạn xã hội, làm giảm 7,4% số vụ so với năm 2010; điều tra khám phá chung đạt tỷ lệ 74,8%, khám phá 90,7% các vụ trọng án, điều tra khám phá nhanh các vụ trọng án đặc biệt nghiêm trọng đạt 100%.

Công tác nghiệp vụ cơ bản, quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, giữ gìn trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị được duy trì và có những chuyển biến tích cực, làm giảm tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí.

Về tình trạng cản trở, chống đối người thi hành công vụ, thống kê của CA TP Hà Nội cho thấy, năm 2011 có 186 vụ chống người thi hành công vụ. Số cán bộ bị chống lại chủ yếu là CSGT, CSCĐ và công an cấp phường.

Theo Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh – Giám đốc Công an TP Hà Nội, việc cản trở, chống đối người thi hành công vụ thời gian qua bắt nguồn từ ba trường hợp chính: xử lý vi phạm giao thông, tuần tra kiểm soát ban đêm của CSCĐ và do công an cấp cơ sở kiểm tra tình trạng bán hàng quán về đêm quá giờ quy định.

Với những trường hợp này, theo Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, sẽ xử lý theo hai hình thức: Vụ nào đáng khởi tố bắt giam xử lý pháp luật thì sẽ đem ra xử lý. Còn nếu nhẹ hơn thì sẽ xử lý hành chính (cảnh cáo, phạt tiền…). Tất cả hệ thống cơ quan điều tra của thành phố, nếu công an đơn vị nào, quận nào, phường nào mà tha các trường hợp trên, bị kiểm tra phát hiện thì sẽ xử lý đơn vị đó.

Cũng theo ông Nhanh, với các trường hợp chống người thi hành công vụ, khi xét xử tại tòa án, các mức án hơi nhẹ, hầu hết là án treo, cải tạo không giam giữ. Nếu có phạt tù thì mức án rất thấp nên không đủ sức răn đe.

Việc người dân phản ánh nhiều về tình trạng lực lượng dân phòng tự ý bắt, chặn xe của người đi đường, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh khẳng định lực lượng này không được phép dừng phương tiện mà chỉ được phép hỗ trợ lực lượng cảnh sát, CSGT. Có thể hướng dẫn, phân luồng, thổi còi nhưng không được chặn phương tiện. Xử phạt thì phải là cảnh sát, còn bảo vệ dân phố, dân phòng không được ra quyết định xử phạt.

“Văn phòng Công an thành phố sẽ có văn bản chấn chỉnh sự phối hợp của công an xã, dân phố, dân phòng về đảm bảo an toàn giao thông, không để tái diễn hình ảnh trên”, Tướng Nhanh khẳng định.

Theo báo cáo của Công an TP Hà Nội, ngày 23-11, Bộ trưởng Bộ Công an mở đợt cao điểm tổng tấn công, trấn áp tội phạm. Sau 15 ngày đầu thực hiện, số vụ phạm pháp hình sự so với 15 ngày trước đó đã giảm hẳn (giảm 51 vụ, còn 22%); số vụ điều tra trọng án được khám phá đạt tỷ lệ 74,5% (tăng 4,5%); các vụ trọng án (7 vụ) được khám phá 100%. Điển hình là vụ trọng án giết người cướp tài sản nghiêm trọng xảy ra ngày 22-12-2011 tại số nhà 69B2 Lạc Trung (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

 

Về nạn đua xe trái phép hiện nay đang tồn tại trên địa bàn Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh khẳng định: Bao giờ chính phủ đồng ý tịch thu xe đua trong đó có cả ô tô lẫn xe máy thì chúng tôi đảm bảo Hà Nội sẽ không còn tình trạng đua xe trái phép tái diễn.

Tuy nhiên, theo Tướng Nhanh, để thực hiện được điều này rất khó, bởi đó còn là cả một vấn đề lớn cần phải được đưa ra bàn thảo kỹ lưỡng trước khi quyết định.

“Nó có liên quan đến vấn đề sở hữu. Thêm vào đó việc phân cấp ai có thẩm quyền ký vào quyết định tịch thu. Công an Hà Nội hay UBND TP Hà Nội hay TAND có quyền tịch thu đó cũng là điều cần phải bàn bởi xe đua có thể do đối tượng đó mượn của người khác để đi đua. Nếu thế sẽ phải xử lý ra sao?...” -Tướng Nhanh chia sẻ.

Theo Tướng Nhanh, trong vấn đề này, muốn làm được cần phải thực sự kiên quyết và không thể để xảy ra tình trạng “ném đá ao bèo”. Có như thế tình trạng đua xe mới chấm dứt được.

Theo Viết
MỚI - NÓNG