Duyên gặp
Quà quý lần này là bản sao những số báo của tờ Gia Định báo và Nam Kỳ Lục tỉnh báo xuất bản bằng tiếng Hán và Pháp đã được Cao tiên sinh san định và chú giải.
Quý bởi hai tờ báo đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam (xin không lầm với Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam) xuất bản năm 1862. Cũng cần nói thêm, sau Gia Định báo và Nam Kỳ Lục tỉnh báo, nhà cầm quyền Pháp cũng cho phép phát hành một số báo khác ở Nam Kỳ thuộc địa như “Phan Yên báo” (1868), “Nông cổ mín đàm” (1900), “Lục tỉnh tân văn” (1910) đã tạo được một hướng đi riêng dù còn giản dị, thô sơ. Đến năm 1892, thời vua Thành Thái, khi “Gia Định báo” đã tồn tại gần 30 năm, người ta mới thấy ở xứ Bắc kỳ bảo hộ có tờ báo đầu tiên được phát hành, đó là tờ “Đông Nam đồng văn nhật báo” nhưng lại bằng chữ nho, mãi 13 năm sau (đầu thế kỷ 20) tờ “Đại Việt nhật báo” mới được xuất bản, và chỉ dùng có một nửa là tiếng Việt.
Cho đến khi hai tờ “Đông Dương tạp chí” và “Nam Phong tạp chí” ra đời (thời kỳ 1913-1917), chữ quốc ngữ mới mang một sắc thái riêng, vừa trang trọng vừa kiểu cách. Báo chí Nam Kỳ dùng văn nói lối, ở Bắc Kỳ lại viết văn pha vào những vần thơ.
Trở lại món quà quý của Cao tiên sinh, rằng nghe đã từ lâu hai tờ báo này và thấy giới nghiên cứu nhắc đến luôn. Nhưng những lần lang thang khắp các kho tư liệu cùng thư viện trong Nam ngoài Bắc nhưng vẫn biệt vô âm tín! Bởi đơn giản hai tờ này không được lưu giữ ở Việt Nam. Mà nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh có duyên gặp cũng mới đây thôi. Gia Định báo và Nam Kỳ Lục Tỉnh báo lặng lẽ im lìm gần trăm rưỡi năm ở Thư viện quốc gia Pháp. Nó chỉ được số hóa và đưa lên trang gallica ngày 3/3/2020! (Gallica là thư viện số thuộc Thư viện Quốc gia Pháp. Mặc dù các tài liệu của thư viện bắt đầu được số hóa từ năm 1992, nhưng phải đến năm 1997, Gallica mới được khai sinh).
Lộ trình để những tập báo của tờ Gia Định… và Nam Kỳ… đến được Thư viện Pháp quốc bắt đầu từ ngả nào? Từ thuở những hòm tài liệu thuộc văn khố của chính quyền thuộc địa đưa về Paris trước ngày thành lập Liên bang Đông Dương (17/1/1887 chăng? Hay nằm trong 3.000 thùng tài liệu mà người Pháp đưa về nước năm 1954 theo thỏa ước được ký giữa Bảo Đại (tư cách Quốc trưởng Cộng hòa Việt Nam) với Cao ủy Pháp Pignon - Thỏa ước về công tác Lưu trữ Đông Dương và phân chia tài liệu văn khố Đông Dương? Hoặc giả theo chân một vị thực dân nhưng lại có máu mê văn hóa sưu tầm?…
Thôi khỏi phải những suy diễn này khác mà phải mừng cho tạo hóa cùng thời cuộc đã hợp sức làm cái việc Châu về Hợp Phố? Rằng những gì của người Nam thì lại trả về người Nam? Và ông bạn Cao Tự Thanh của tôi có duyên may được gặp.
Số đặc biệt về Hội chợ
Tôi chú mục ngay vào số báo đặc biệt của tờ Nam Kỳ Lục Tỉnh viết về Hội đấu xảo (Exposition- Triển lãm- Hội chợ) tổ chức ở Sài Gòn năm 1873. Chao ôi, gần 150 năm đã qua mà dường như bài báo vẫn phảng phất hơi hướng thời sự cái không khí cận ngày Hội Doanh Nhân Việt hằng năm vào cữ 13/10?
Nam Kỳ Lục tỉnh!
Dưới thời Gia Long và giai đoạn đầu trị vì của vua Minh Mạng (1802-1832) Trấn Gia Định mà Tả Quân Lê Văn Duyệt làm Tổng Trấn gồm các tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Năm 1832, sau khi Lê Văn Duyệt mất, Gia Định Trấn mới bị bãi bỏ. Xuất hiện địa danh mới, Nam Kỳ Lục tỉnh.
Lại có thuyết rằng, nhà Nguyễn đặt tên Lục tỉnh dựa theo 6 từ cuối của một câu thơ cổ. Khoái mã gia biên vĩnh định an hà (Phóng ngựa ra roi giữ yên non nước).
Thời thuộc Pháp, Lục tỉnh là thuộc địa Pháp có tên Cochinchine hay Nam Kỳ. Năm 1873 ấy ở ngoài Bắc Kỳ đang hồi loạn lạc. Liên miên những cuộc đánh phá cướp bóc, hết của quân Cờ Đen, của những đợt quân Pháp đánh thành Hà Nội. Liên miên những xóm làng tan hoang, dân tình điêu đứng, đời sống gieo neo, thương mại đình trệ… Xứ Nam Kỳ Lục tỉnh tự trị đã nhiều năm yên ổn đời sống phát đạt, thanh bình.
…Nhiều lệnh cấm buôn bán trước đó của triều đình bị bãi bỏ. Nhiều năm vô sự lại gió thuận mưa hòa thóc lúa được mùa sản vật phong phú. Sự đi lại dễ dàng tấp nập việc bán, mua. Thương nhân từ Gia Định, Biên Hòa tới các hạt tận Bình Thuận, Khánh Hòa, mua ngựa rất nhiều. Ở Sài Gòn thì xôm tụ việc mua bán tích trữ lúa gạo. Tàu máy, tàu buồm của các nước phương Tây ra vào không ngớt… (hết trích. (Nam Kỳ Lục tỉnh báo tháng 9 năm 1872).
Vuốt phẳng phiu bản chụp tờ mộc bản của Nam Kỳ Lục tỉnh khổ 12x23 cm. Giáng sinh nhất thiên bát bách thất thập tam niên thất nguyệt sơ nhất nhật (Ngày 1/7 năm Quý Dậu - 1873) Có vẻ như là số đặc biệt phục vụ chào mừng Hội Đấu Xảo nên báo có tới 19 tờ (38 trang) Đưa mắt dõi theo những hàng Hán ngữ với tự dạng với kiểu chữ, nói như Cao Tự Thanh là chưa đẹp. Hàng đã không ngay, sổ thì không thẳng, bộ thủ xiên xẹo. Những cột báo chắc chẳng phải tay những người thạo chữ Hán viết và thợ chuyên nghiệp khắc vì thế nên có phần khó xem!
Lại nữa, không thấy ghi tác giả những bài báo ấy?
Nhưng nào có hề chi! Nhờ những dòng biên chép, nội dung cùng hình thức hẵng còn mộc mạc ấy mà hậu thế nay mới biết được cách thức tổ chức một cuộc Hội chợ - Đấu xảo (sau đây gọi tắt là đấu xảo- ĐX) khá là bài bản cùng nội dung phong phú.
Các điều lệ của một cuộc ĐX như phóng viên bổn báo ghi là do Đại Nguyên soái Tổng thống thủy lục binh dân Nam Kỳ quy định. Đại nguyên soái là cách gọi kính trọng để chỉ ngài G. Roze, Chuẩn Đô đốc Quyền Thống đốc Nam Kỳ thuộc Pháp kiêm Tổng Tư lệnh quân Pháp ở Biển Đông. Có lẽ hai tờ Gia Định báo và Nam Kỳ lục tỉnh báo chắc cũng do ngài sáng lập ra để làm công cụ phục vụ cho công cuộc bảo hộ?
Chuẩn thuận từ ngày 1/1/1874 tức ngày 13/12 Âm lịch (Ngày cận Tết) khai trương Hội chợ tại Khu Nông Phố kỹ nghệ ĐX trường Sài Gòn. (Chưa xác định địa điểm ngày nay?).
Người bản hạt, người nước Cao Man (Campuchia) cùng các sắc dân đều được dự hội chợ ĐX.
Các vật dự ĐX không giới hạn trong thổ sản của bản hạt (địa phương) mà phàm những vật hạng nơi khác mà có ích lợi cho bản hạt đều cho ĐX như nhau.
Quy định về việc ĐX có những dòng:
Những loài chim thú phải có chuồng chứa, nuôi. Vật nào không thể chở tới nhưng được dự ĐX ắt phải có phái viên tới xem xét.
Phàm những vật hạng định dự ĐX phải kê khai giá cả, viết ra rõ ràng để người ta xem ngắm. Vật nào dễ cháy và bị người ta coi là nguy hiểm không được đưa vào trường ĐX. Vật nào không chuẩn với tỷ lệ đã quy định cũng không được dự ĐX.
Lại quy định mẫu đơn dự ĐX.
Tên họ công ty nghề nghiệp của người dự ĐX cư trú hành nghề ở đâu? Danh mục hạng vật dự ĐX.
Không đòi hỏi người dự ĐX nạp tiền mặt bằng. Miễn phí tổn nuôi nấng thú vật. Trong ngày dự ĐX, ai có súc vật tham dự, người chủ phải tự mình thuê người chăm. Nếu là chất lỏng như nước tương, dầu, rượu, acid, nước đái quỷ (amoniaque) có thể rò rỉ hại cho người và vật thì phải dùng vò nhỏ kín để chứa.
Đã nư con mắt
Súc vật dự ĐX có lẽ phong phú nhất là giống ngựa bò, trâu.
Ngựa thì có thứ ngoại, phóng viên bổn báo viết là biệt quốc đới lai chi mã (gồm ngựa đực không thiến cùng ngựa cái) Ngựa nội (Bản quốc mã chủng - từ của bổn báo chỉ giống ngựa nội) Ngựa đực không thiến. Rồi các giống ngựa lai (chư tạp chủng mã).
Lạ có cả lừa dự ĐX với nhiều giống. Rồi cả la giống ngoại nội khác nhau.
Mãn ĐX, có giống ngựa đoạt giải nhất trị giá 200 quan tiền.
Phong phú thay là các giống trâu bò miền Lục tỉnh.
Bò đực không thiến giống từ nước ngoài (tuổi từ 18 tháng tới 2 năm) Có cặp bò đoạt Giải nhất trị giá 100 quan tiền.
Bò cái chửa hay có con (Từng đoạt giải nhất 100 quan)
Bò đực bản xứ không thiến (Giải nhất 200 quan bằng giá ngựa ngoại)
Bò cái lấy sữa. Bò đực nuôi lấy thịt. Bò kéo xe… đều có mặt trong ĐX.
Đội hình thủy ngưu (trâu) có mặt trong ĐX khá là xôm tụ.
Nào là trâu đực không thiến. Trâu cày một cặp. Trâu cái chửa hay có con.
Cho tới các loại dê. Dê đực chưa thiến. Cụm dê ba quày 25 con. Dê cái nuôi lấy thịt một bầy 25 con.
Trang đầu và cuối của số đặc biệt Nam Kỳ Lục tỉnh báo chào mừng Hội chợ |
Không thể không kể đến các giống lợn, heo (Trư đồn loại) Heo đực heo nái. Lạ nữa là trong ĐX có khu dành cho các loại cầm thú. Nào gà mái, gà giò, gà Xiêm, ngỗng vịt, bồ câu gà rừng. Lạ mắt nữa là các loại rùa vích. Chim thú bản quốc Hươu nai. Cọp khỉ. Cá sấu, trăn rắn… Có hai loại. Định giá thưởng cho chủ dự ĐX. Loại cho khách dự ĐX tùy nghi mua lại nếu ưng.
Khuôn khổ bài viết khó mà biên thêm những hạng mục, những sản vật phong phú dự ĐX. Bao nhiêu là vật dụng khéo léo chế tạo từ thân thể động vật những là da thuộc da khô, lông da, lông chim các loại. Sừng nai hươu, trâu bò ngà voi, mai rùa, xà cừ san hô các loại. Rồi những vỏ ốc sáp ong, các loại mật ong. Yên ngựa dày dép quạt lông, đồ vật bằng răng sừng. Có mặt trong ĐX lại thêm các sản phẩm dệt may tơ lụa tinh khéo. Các loại đường chế từ mía. Các loại dầu dừa. Và riêng trà đã có hơn 20 loại. Rồi cơ man nào là các loại mắm, nước mắm thức dùng quen thân của dân miệt vườn, dân ruộng. Và không thể không kể tính đếm đến, không phải vài chục nữa mà có tới hơn trăm loại gạo rau đậu trái cây cực kỳ phong phú của miền đất ruộng đất rừng phương Nam mà phóng viên bổn báo Nam Kỳ Lục tỉnh đã tỷ mẩn liệt kê!
Tỷ mẩn dẫn ra những sản vật phong phú dự đấu xảo của báo Nam Kỳ Lục tỉnh đã liệt kê chả phải để chiêm ngắm mà để bừng thức để cảm phục thêm sự năng động cùng sức sản xuất của người phương Nam một khi được khai phóng và giải phóng đến như thế nào.
Lại chẳng thể ngắm ngó thêm 17 loại vật dụng và máy móc trưng bày trong ĐX. Thuở ấy mà đã có những vật dụng làm vườn làm nông hơi bị oách. Nào là máy hút nước, máy giã gạo, máy xay lúa, máy quạt gạo, máy tưới nước, máy dệt bao cói, máy ép dầu guồng xe sợi, máy tách bông... Ngậm ngùi thêm cái nỗi, đó là những năm cuối bảy mươi của thế kỷ mười chín. Sản vật cùng sức sản xuất, đời sống của xứ Lục tỉnh miền Nam đã phong phú, sinh sắc đến nhường ấy? Lại bời bời cái sự tủi thân cho xứ Bắc Kỳ thời ấy như tù đọng trong đói nghèo lặng lẽ. Ông giời như ăn ở chẳng cân? Khí hậu xứ Bắc hết lụt lội mưa bão lại hạn hán. Thêm nữa, lòng người đâu có thuận? Lại thêm cung cách quản trị cứng nhắc thủ cựu… Các nhà chức việc gần như quen cái thói điều hành công việc, quản trị xã hội làng xã, phố phường bằng những luật lệ hà khắc chết cứng, bằng cái xe điếu và động thái thét lác hoặc thu lu trên cái sập gụ. Hoặc bằng những bữa rượu còm khảo từ cái khố rách của những dân đinh khốn cùng…
Vâng đó là năm bảy mươi của thế kỷ XIX.
Nửa thế kỷ sau, ông Chủ bút Nam Phong Tạp chí Phạm Quỳnh đã có cuộc tham quan du ký khắp miền Lục tỉnh… Cụ đã quan sát đã chiêm nghiệm tỷ mẩn thung thổ, cảnh sắc cung cách làm ăn cùng tính cách người Nam bộ. Rồi cuối cuộc đi, cụ đã day dứt thở dài vuột ra tâm sự buồn bã cùng bất lực trong cuốn Một tháng du ký Nam Kỳ Lục tỉnh. Rằng, sao người mình chẳng chịu đi cho biết đó biết đây để học lấy cái sự hay? Mà nữa các nhà cai trị không làm cái việc di dời di cư dân nghèo miền Bắc vô phương Nam làm ăn?
Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh |
Cơ man nào là các loại mắm, nước mắm thức dùng quen thân của dân miệt vườn, dân ruộng. Và không thể không kể tính đếm đến, không phải vài chục nữa mà có tới hơn trăm loại gạo rau đậu trái cây cực kỳ phong phú của miền đất ruộng đất rừng phương Nam mà Phóng viên bổn báo Nam Kỳ Lục tỉnh đã tỷ mẩn liệt kê!
Ngó những con chữ trong số báo đặc biệt về sự kiện ĐX có cảm giác như bên mình đương ràn rạt chen chúc những người coi hội, dự hội. Nói như khẩu khí Nam bộ, những là quá đã! Quá đã! Hoặc đã nư con mắt! Như thấp thoáng trong ĐX ánh mạ kền càng xe tay của những ông điền chủ miệt vườn. Và những sắc phục màu mỡ gà sang trọng hoặc bộ âu phục của những tay có máu mặt miền Lục tỉnh mang quốc tịch Phú Lãng Sa. Và chắc chả thể thiếu đám rạp hát bội cùng đám đờn ca tài tử. Không gian vẳng vót ngón đờn tam thập lục be quét cho giọng đờn ca tài tử thêm ngân xa, sâu lắng...