Một tiết lộ chấn động:

Mỹ từng âm mưu sử dụng vũ khí nguyên tử tại Việt Nam

Mỹ từng âm mưu sử dụng vũ khí nguyên tử tại Việt Nam
Trong cuộc chiến tranh VN, không quân Mỹ từng cân nhắc kế hoạch sử dụng vũ khí nguyên tử tấn công các mục tiêu của miền Bắc VN vào các năm 1959 và 1968. Đó là thông tin chấn động mà những tài liệu quân sự Mỹ vừa được giải mật tiết lộ.

Bản báo cáo "Không lực Mỹ tại Đông Nam Á: Tiến tới ngừng ném bom, 1968" do tác giả Jacob Van Staaveren, thuộc Văn phòng lịch sử không quân, viết năm 1970 đã hé lộ bối cảnh cuộc chiến đầu năm 1968 khi phía Mỹ lần thứ hai tính đến phương án hạt nhân tại VN.

Đầu năm 1968, liên quân (Mỹ và chính quyền Sài Gòn) vẫn sở hữu sức mạnh quân sự vượt trội so với miền Bắc VN với 1.300.000 lính và sĩ quan.

Ngoài ra còn có 60.300 lính liên quân, chủ yếu là Hàn Quốc. Không lực liên quân bao gồm hơn 1.000 máy bay chiến đấu... Ngoài ra còn có 1.440 máy bay phục vụ vận tải, kiểm soát không lưu, do thám, điện tử và các nhiệm vụ hỗ trợ khác...

Chống lại lực lượng liên quân là khoảng 200.000 bộ đội miền Bắc VN. Vào năm 1967, quân miền Bắc VN bị thiệt hại 55.500 người do các chiến dịch tấn công từ trên không và mặt đất của liên quân.

Các cuộc không kích cũng gây khó khăn cho Hà Nội trong việc duy trì nhiều máy bay. Vào cuối năm 1967 chỉ có 10 chiếc MIG-15 và tám chiếc MIG-21 ở Bắc VN, 60 máy bay tại các căn cứ Trung Quốc gần đó.

Khủng hoảng quân sự từ tháng 1/3

Lợi thế trên chiến trường nghiêng hẳn về phía liên quân, và rõ ràng đã góp phần tạo ra một sự lạc quan (trong giới quân sự Mỹ và Sài Gòn) về cuộc chiến tranh vào đầu năm 1968.

Tuy nhiên, cảm giác lạc quan này nhanh chóng tan đi vào cuối tháng 1/1968 do hàng loạt sự kiện bất ngờ tại VN và Hàn Quốc.

Mỹ muốn đánh bom nguyên tử cả VN và Lào

Theo báo cáo "Không lực Mỹ tại Đông Nam Á:

Cuộc chiến Bắc Lào 1954-1973" của Trung tâm Lịch sử không quân, năm 1959, tham mưu trưởng không lực Mỹ Thomas D. White đã chọn một số mục tiêu tại miền Bắc VN để thực hiện tấn công nguyên tử.

Tuy nhiên, các quan chức quân đội khác đã ngăn cản ý định của tướng White. Vài tháng sau, đề xuất này bị rút lại. Năm 1961, phía Mỹ cũng có kế hoạch tấn công Lào với 60.000 binh sĩ, với sự hỗ trợ của không quân và vũ khí nguyên tử.

Tác giả các báo cáo nhận định "sử dụng vũ khí nguyên tử để tấn công quân du kích và nguồn tiếp tế" tại VN hoặc Lào "không phải là một ý tưởng tốt". Báo cáo viết:

"Không thể rõ liệu những mục tiêu thích hợp cho các loại vũ khí như vậy có tồn tại trong vùng rừng núi Bắc Lào hoặc Bắc VN.

Quan trọng hơn, một cuộc tấn công bằng vũ khí nguyên tử sẽ trao cho phía Bắc VN thắng lợi lớn về mặt tuyên truyền, và có thể làm cuộc chiến lan sang Trung Quốc và cả khu vực Tây Thái Bình Dương".

Vào ngày 21/1, một nhóm 31 đặc nhiệm CHDCND Triều Tiên thâm nhập Hàn Quốc với mục tiêu ám sát tổng thống Park Chung Hee.

Hai ngày sau quân Bắc Hàn bắt giữ tàu tình báo Mỹ Pueblo bên ngoài bờ biển của họ.

Tại miền Nam VN, cũng thời gian này, quân Bắc Việt bao vây căn cứ thủy quân lục chiến Mỹ tại Khe Sanh, không xa biên giới Lào và vùng phi quân sự (DMZ).

Trong vòng 77 ngày quân miền Bắc VN vây hãm 6.000 lính thủy đánh bộ Mỹ và một tiểu đoàn biệt kích Nam VN, trong khi tại Mỹ giới quân sự lo ngại miền Bắc VN muốn tạo ra một chiến thắng Điện Biên Phủ khác.

Cho dù bộ đội Bắc Việt bị thương vong đáng kể, họ vẫn tiếp tục vây hãm căn cứ Khe Sanh, thường xuyên nã pháo vào căn cứ này trong khi không quân Mỹ cứ tiếp tục đưa thêm lính thủy đánh bộ đến đây.

Chiến dịch quan trọng nhất của miền Bắc VN bắt đầu vào những giờ đầu tiên ngày 30/1. Quân đội Bắc VN phát động cuộc tấn công Tết Mậu Thân kéo dài một tháng, tấn công Sài Gòn, nhiều thành phố khác và hàng loạt căn cứ cũng như sân bay của quân đội Mỹ và Sài Gòn.

Tiếng vang của những cuộc tấn công đồng loạt này có tác động sâu sắc tại miền Nam VN.

Không lực tại Khe Sanh

Cho dù giả thuyết của tổng thống (Lyndon Johnson) có đúng hay không thì thực tế là quân Bắc Việt "cứng đầu" đang chuẩn bị một cuộc tấn công lớn vào Khe Sanh.

Mặc cho nhiều ý kiến đề xuất việc từ bỏ căn cứ quân sự này, nhưng tướng William Westmoreland (chỉ huy quân đội Mỹ tại miền Nam VN), Bộ tổng tham mưu, và Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara đồng ý rằng cần phải giữ vững căn cứ này vì các nguyên nhân chính trị và chiến lược.

Tướng Westmoreland gọi Khe Sanh là "mỏ neo của toàn bộ thế phòng ngự của chúng ta tại khu vực phía bắc miền Nam VN", và cho rằng bảo vệ căn cứ này sẽ ngăn cản quân Bắc VN tấn công những nơi khác. Do Mỹ có sức mạnh quân sự vượt trội để giữ căn cứ, nhiều quan chức quân đội nhìn thấy những "cơ hội có thể khai thác" để ra một cú đòn "khốc liệt" và "nốc ao" đối với quân Bắc Việt.

Để xác định lực lượng quân Bắc Việt trong vùng, và phát hiện các mục tiêu cho máy bay ném bom B-52, vào giữa tháng 1/1968 tướng Westmoreland đã tổ chức một chiến dịch tìm kiếm trên diện rộng trên bộ và trên không, có tên là Niagara I.

Vào ngày 22/1, sau khi quân Bắc Việt vây hãm Khe Sanh, Bộ chỉ huy viện trợ quân sự VN (MACV) bắt đầu chiến dịch Niagara II, cuộc không kích lớn nhất trong cuộc chiến.

Toàn bộ máy bay không quân, hải quân, và thủy quân lục chiến, máy bay B-52 và pháo binh thủy quân lục chiến được huy động để bảo vệ Khe Sanh.

Vũ khí nguyên tử hoặc hóa học

Bất chấp sự tự tin của quan chức quân đội rằng có thể bảo vệ căn cứ quân sự Khe Sanh, sự lo lắng vẫn lơ lửng tại Washington. Vào cuối tháng 1/1968, tướng Westmoreland cảnh báo nếu tình hình tại khu phi quân sự và Khe Sanh trở nên xấu đi, quân Mỹ cần phải sử dụng vũ khí nguyên tử hoặc hóa học.

Sau đề xuất của tướng Westmoreland, tướng John P.McConnell (người đứng đầu không quân Mỹ) gây sức ép buộc Bộ tổng tham mưu Mỹ yêu cầu liên quân Thái Bình Dương (Pacific Command) chuẩn bị một kế hoạch sử dụng vũ khí nguyên tử nhỏ để ngăn chặn một thất bại mang tính thảm họa đối với căn cứ Khe Sanh.

Tuy nhiên, hành động gây sức ép của tướng McConnell đã không thành công.

Tại Nhà Trắng, tổng thống (Johnson) tuyên bố rõ rằng ông ta không muốn một thất bại như trận thua của Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954.

Trả lời chất vấn của tổng thống, tướng Wheeler trấn an tổng thống rằng tình thế quân sự của Khe Sanh khác với Điện Biên Phủ ở ba khía cạnh: Mỹ có thiết bị tình báo tốt hơn, nhiều máy bay tấn công, máy bay ném bom B-52; có lực lượng pháo binh hỗ trợ tại phía đông vùng núi; công nghệ cung ứng, di tản, y tế tốt hơn...

Tuy nhiên, nỗi lo ngại (từ phía Mỹ) lại gia tăng khi lực lượng miền Bắc VN chiếm được trại lực lượng đặc biệt ở Làng Vei gần Khe Sanh vào ngày 6 và 7/2.

Thất bại này, cộng với hàng loạt thất bại khác do miền Bắc VN gây ra trong chiến dịch Tết Mậu Thân đã khiến Quốc hội (Mỹ) yêu cầu điều tra về cuộc chiến, làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ phía báo chí, và khiến các quan chức chỉ huy tại Sài Gòn yêu cầu tăng cường lực lượng từ Mỹ...

Theo Hiếu Trung
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG