Văn phòng Bắc Mỹ của Tân Hoa Xã đặt ở New York, Mỹ. Ảnh: NYTimes
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm qua nói rằng Mỹ đang tiến hành “áp bức chính trị” đối với truyền thông Trung Quốc tại Mỹ và động thái này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ giữa hai nước, theo tin của SCMP.
Hôm thứ Hai, Bộ Ngoại giao Mỹ nói các hạn chế việc làm sẽ áp dụng cho năm tổ chức mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump coi là cỗ máy tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc. Cụ thể là số lượng phóng viên Trung Quốc ở Mỹ sẽ giảm từ 160 hiện nay xuống còn 100 người.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói điều này có nghĩa là một số nhà báo Trung Quốc sẽ bị trục xuất.
Đáp lại lời tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo rằng giới hạn mới này là để “đối ứng” với việc Trung Quốc trục xuất ba phóng viên tờ Wall Street, bà Hoa Xuân Oánh, giám đốc thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói Mỹ đã “kích hoạt trò chơi”.
“Đối ứng ư? 29 cơ quan truyền thông Mỹ tại Trung Quốc so với 9 cơ quan Trung Quốc tại Mỹ. Phóng viên Mỹ nhập cảnh nhiều lần vào Trung Quốc so với phóng viên Trung Quốc nhập cảnh một lần vào Mỹ. 21 nhà báo Trung Quốc đã bị từ chối thị thực kể từ năm ngoái. Bây giờ, Mỹ đã khởi động trò chơi, hãy xem mèo nào cắn mỉu nào”, bà Hoa nói trên Twitter.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói giới hạn về nhân sự được áp dụng cho hãng thông tấn Tân Hoa Xã, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc, Nhật báo Trung Quốc.
Ăn miếng trả miếng
Theo quy định mới, các tổ chức phải thông báo cho Mỹ trước ngày thứ Sáu danh sách nhân viên họ sẽ giữ ở Mỹ. Các hạn chế sẽ có hiệu lực vào ngày 13/3.
Tháng trước, Trung Quốc thu hồi thị thực của ba phóng viên báo Mỹ Wall Street Journal sau khi tờ báo không xin lỗi về một tiêu đề bài báo trên mục ý kiến, không phải do các phóng viên viết. Dòng tiêu đề nói Trung Quốc là “người đàn ông bệnh hoạn thực sự của châu Á”, nhắc lại chuyện từ thế kỷ 18 và 19 khi Trung Quốc yếu và thường xuyên chịu sự thống trị của
nước ngoài.
Việc trục xuất phóng viên Wall Street Journal diễn ra sau quyết định của Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 18/2, yêu cầu năm tổ chức tin tức của Trung Quốc (gồm bốn cơ quan báo chí nói trên, cộng thêm Nhân dân Nhật báo), bị coi là các cơ quan của chính phủ Trung Quốc, phải đăng ký “làm nhiệm vụ ở nước ngoài” và cung cấp tên các nhân viên, theo tờ Washington Post.
Các quan chức Mỹ lưu ý chỉ có 75 phóng viên Mỹ được biết đến đang làm việc tại Trung Quốc.
“Như chúng tôi đã thực hiện ở các lĩnh vực khác trong quan hệ Mỹ-Trung, chúng tôi tìm cách thiết lập một sân chơi lẽ ra đã phải có từ lâu”, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo nói trong một tuyên bố. “Chúng tôi hy vọng rằng hành động này sẽ thúc đẩy Bắc Kinh áp dụng cách tiếp cận công bằng và đối ứng hơn với Mỹ và báo chí nước khác ở Trung Quốc. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Trung Quốc ngay lập tức duy trì các cam kết quốc tế, tôn trọng quyền tự do ngôn luận, bao gồm cả tự do báo chí”.
Theo New York Times, ý định hạn chế số lượng phóng viên Trung Quốc đã được tranh luận ở Washington trong nhiều năm nhưng chưa từng được thực hiện, một phần là do lo ngại chuyện bị chỉ trích về tự do báo chí.
Nhưng các động thái lần này của chính phủ Mỹ nhằm vào báo chí Trung Quốc diễn ra trong lúc Washington trên nhiều mặt trận đang chống lại cái mà họ gọi là ảnh hưởng ngày càng gia tăng cũng như các hoạt động tình báo của Trung Quốc trên đất Mỹ. Chỉ riêng trong tháng 1/2020, tòa án Mỹ đã đưa ra truy tố một số vụ mà họ gọi là các hoạt động tình báo của Trung Quốc, trong đó có vụ được nói là có liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học ở đại học Harvard.
Theo New York Times, ý định hạn chế số lượng phóng viên Trung Quốc đã được tranh luận ở Washington trong nhiều năm nhưng chưa từng được thực hiện, một phần là do lo ngại chuyện bị chỉ trích về tự do báo chí.