Mỹ tính bước tiếp theo trước chu kỳ leo thang ở Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Những yêu cầu của Ukraine một lần nữa đặt ra cho Tổng thống Mỹ Joe Biden và các lãnh đạo châu Âu một câu hỏi khó: Bao nhiêu là quá nhiều?
Mỹ tính bước tiếp theo trước chu kỳ leo thang ở Ukraine ảnh 1

Mỹ và các đồng minh đã chuyển hàng ngàn tên lửa chống tăng và phòng không cho Ukraine

Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, các chính quyền Mỹ luôn thận trọng với việc gửi vũ khí sát thương cho Kiev. Giờ đây, sau gần 8 tháng xung đột, Mỹ và các đồng minh đã chuyển hàng ngàn tên lửa chống tăng hạng nhẹ Javelin và tên lửa phòng không Stinger cho Ukraine, thậm chí cả những vũ khí mạnh hơn.

Ukraine đang thúc giục đồng minh tiếp tục viện trợ khi Mỹ triệu tập cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine tại Brussels ngày 12/10, để bàn về việc viện trợ quân sự cho chính quyền của Tổng thống Ukraine Zelensky.

Ông Zelensky bày tỏ hy vọng cuộc họp sẽ nhất trí về “những khoản cung cấp vũ khí và đạn dược mới mà chúng tôi cần”.

Những yêu cầu đó một lần nữa đặt ra cho Tổng thống Mỹ Joe Biden và các lãnh đạo châu Âu một câu hỏi khó: Bao nhiêu là quá nhiều?

Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa gợi ý khả năng có thể dùng đến vũ khí hạt nhân chiến thuật. Các quan chức Nga cáo buộc Mỹ và đồng minh khiến tình hình leo thang.

Lần này rủi ro có thể khác. Cuộc họp tại Brussels diễn ra sau khi thủ đô Kiev và hàng loạt thành phố của Ukraine hứng pháo và tên lửa, gây áp lực buộc các đồng minh NATO phải đáp trả. Nhiều cuộc tấn công bị hệ thống chống tên lửa mà phương Tây cung cấp đánh chặn, càng khiến Ukraine kêu gọi viện trợ thêm.

Gần 8 tháng xung đột, Mỹ không chỉ dừng lại ở tên lửa Stinger và Javelin, mà đã chuyển cho Ukraine hệ thống pháo HIMARS và máy bay không người lái tấn công. Trước sức ép phải viện trợ thêm, Mỹ đang đẩy nhanh chuyển giao hệ thống chống tên lửa NASAMS, hệ thống mà lâu nay chỉ dành cho Mỹ và các đồng minh NATO.

Những chần chừ

Những cuộc trao đổi vẫn chỉ dừng lại ở loại vũ khí được gọi là mang tính phòng vệ, dù Ukraine và một số nước Đông Âu như Ba Lan liên tục thúc giục phương Tây gửi phương tiện tấn công như xe tăng và máy bay chiến đấu.

Câu hỏi mà ông Biden phải trả lời hiện nay là: Danh sách vũ khí tiếp theo sẽ là gì?

Trong cuộc họp ngày 11/10, các lãnh đạo G7 cam kết sẽ tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine “chừng nào còn cần thiết”.

Ông Zelensky nói rõ rằng Ukraine muốn nhiều hơn nữa.

Đã có dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ đáp ứng ở mức cao hơn. Sau cuộc điện đàm với ông Biden ngày 10/10, ông Zelensky nói rằng “chúng tôi đang làm mọi việc để nhận được hệ thống phòng không hiện đại”. Ông Biden đáp rằng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ cần thiết cho Ukraine, “bao gồm các hệ thống phòng không hiện đại”, Nhà Trắng cho biết.

Nhà Trắng không nêu cụ thể hệ thống đó mà ông Biden nói đến là gì. Ngày 11/10, Lầu Năm góc cho biết trong một thông cáo rằng Mỹ đang đẩy nhanh việc chuyển giao 2 hệ thống NASAMS cho Ukraine.

Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh vẫn chưa đáp ứng những yêu cầu khác. Đức và Mỹ chưa quyết định có gửi các loại xe tăng chiến đấu hiện đại như Abrams và Leopards, cũng như máy bay chiến đấu, cho Ukraine không.

“Tôi không loại trừ điều gì”, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan phát biểu ngày 30/9, khi được hỏi về xe tăng.

Trong tuyên bố vừa qua của G7, lãnh đạo nhóm này nói rằng “bất kỳ hành động sử dụng vũ khí hóa học, vũ khí sinh học hay vũ khí hạt nhân nào cũng sẽ vấp phải hậu quả nghiêm trọng”.

Các quan chức NATO cho biết, cuộc họp trong tuần này của liên minh sẽ bàn về việc cung cấp những loại vũ khí lớn hơn và tốt hơn cho Ukraine.

Theo Bloomberg
MỚI - NÓNG