Mỹ tái khẳng định hiện diện tại châu Á – Thái Bình Dương

Mỹ tái khẳng định hiện diện tại châu Á – Thái Bình Dương
TPO – Báo Stars and Stripes ngày hôm nay 19-12 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tái khẳng định, đến năm 2020 Mỹ sẽ đưa 60% lực lượng hải quân đến châu Á - Thái Bình Dương.
Mỹ tái khẳng định hiện diện tại châu Á – Thái Bình Dương ảnh 1

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cũng đề cập tới việc giảm ngân sách quân sự Mỹ trong những năm tới đây.

Theo người đứng đầu Lầu Năm Góc, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ cắt giảm số binh sĩ quân đội từ 570.000 xuống 490.000 ngàn quân. Lực lượng Thủy quân lục chiến sẽ được giảm xuống còn 182.000 quân.

Washington cũng sẽ bố trí tại Nhật Bản các căn cứ tấn công mới của lực lượng Không quân Mỹ, bằng việc tăng cường triển khai tại các căn cứ Nhật Bản máy bay chiến đấu mới F-22 và MV-22 Osprey. Năm 2017, tại căn cứ ở Iwakuni sẽ bố trí máy bay tấn công F-35.

Ngoài ra, chiến lược quân sự mới của Mỹ cũng tập trung đầu tư vào phát triển công nghệ chiến tranh mạng. Lầu Năm Góc sẽ tăng số lượng các lực lượng đặc biệt đến 72.000 quân.

Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đưa ra đúng 1 năm sau khi chính quyền Tổng thống Barack Obama trình bày chiến lược “Kỷ nguyên Thái Bình Dương của Mỹ”.

Theo đó, trong thập kỷ tới, châu Á - Thái Bình Dương trở thành trung tâm chính sách của Washington, và Mỹ sẽ hiện diện ở khu vực này "để thực hiện việc chuyển biến cấu trúc chiến lược".

Mỹ tái khẳng định hiện diện tại châu Á – Thái Bình Dương ảnh 2

Trong bài viết được công bố trên tuần báo Foreign Policy tháng 10-2011, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhấn mạnh: “Đã đến lúc Mỹ giúp xây dựng các cấu trúc và thể chế như từng làm ở châu Âu sau thế chiến 2, cấu trúc đã và đang đem lại vô vàn lợi ích cho Mỹ. Và giờ đây, Mỹ cần làm như vậy ở châu Á, với tư cách là một quốc gia châu Á Thái Bình Dương”

Theo đó, ngoại giao Mỹ trong thập kỷ tới sẽ tiến triển theo 6 đường hướng hoạt động chính: tăng cường các liên minh an ninh song phương; làm sâu sắc quan hệ với các cường quốc đang nổi lên, kể cả Trung Quốc; gắn kết với các cơ chế đa phương ở khu vực; mở rộng thương mại và đầu tư; xây dựng một sự hiện diện quân sự rộng rãi; và thúc đẩy dân chủ và nhân quyền.

Ngoài ra, theo giới phân tích, một trong những nguyên nhân khác khiến Mỹ quyết định chuyển dịch trọng tâm sang châu Á – Thái Bình Dương là sự gia tăng mạnh mẽ phát triển của Trung Quốc. Không khó để nhận ra rằng, các nước trong danh sách đồng minh mà Ngoại trưởng Mỹ nêu trong bài viết thực chất là một vòng cung kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tham vọng song phương của Mỹ và Trung Quốc là chơi theo luật của riêng mình đang biến thành cuộc chơi phi luật lệ. Các nhà phân tích quan ngại trước sự gia tăng căng thẳng và hậu quả là chi tiêu quân sự tăng lên. Về chỉ số này, hiện nay châu Á - Thái Bình Dương đang là khu vực dẫn đầu thế giới.

Tùng Dương
Theo Viết
MỚI - NÓNG