Lực lượng phiến quân Houthi của Yemen hôm thứ Bảy lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công nhóm nhà máy lọc dầu trọng yếu của Ảrập Xêút - một trong những trung tâm sản xuất năng lượng lớn nhất, quan trọng nhất thế giới. Lực lượng này đã dùng 10 máy bay không người lái (drone) để đánh phá các cơ sở dầu khí của doanh nghiệp nhà nước Saudi Aramco ở hai khu vực Abqaiq và Khurais, theo hãng tin Al-Masirah.
Tuy nhiên, hung thủ thật sự của vụ tấn công vẫn chưa được khẳng định. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng đó là Iran – nước ủng hộ các phiến quân Houthi. Tuy nhiên, ông nói rằng, “không có bằng chứng cho thấy vụ tấn công đến từ Yemen”.
Thông tin ban đầu cho thấy vụ tấn công bằng drone dường như khởi nguồn từ Iraq, một nguồn tin thông thạo tình hình vụ việc nói với CNN. Iran có ảnh hưởng lớn đối với miền nam Iraq – vùng đất gần Yemen hơn nhiều so với hai khu vực bị ảnh hưởng ở Ảrập Xêút.
“Iran đã tổ chức cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ vào nguồn cung năng lượng của thế giới”, Ngoại trưởng Mỹ viết trên mạng xã hội Twitter.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Seyyed Abbas Mousavi phủ nhận cáo buộc Tehran đứng đằng sau vụ tấn công cơ sở lọc dầu của Ảrập Xêút, nói rằng đó là “cáo buộc mù quáng, nhận xét không phù hợp”. Iraq cũng phủ nhận việc lãnh thổ của mình được sử dụng để phát động vụ tấn công.
Ngày 15/9, Bộ trưởng Năng lượng Ảrập Xêút Abdulaziz bin Salman nói rằng, vụ tấn công ảnh hưởng 5,7 triệu thùng dầu thô và khí quy đổi mỗi ngày. Số liệu thống kê mới nhất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho thấy, Ảrập Xêút mỗi ngày sản xuất 9,8 triệu thùng.
Bộ trưởng Năng lượng Ảrập Xêút nói rằng, Aramco “đang làm việc để khôi phục sản lượng dầu bị mất” và sẽ công bố thông tin trong 2 ngày tới. “Vụ tấn công không chỉ nhằm vào các cơ sở thiết yếu của vương quốc mà còn nhằm vào nguồn cung dầu mỏ toàn cầu và an ninh của nguồn cung này và vì thế đe dọa nền kinh tế toàn cầu”, ông nhận định.
Bộ trưởng Nội vụ Ảrập Xêút khẳng định rằng, vụ tấn công bằng drone gây hỏa hoạn tại hai cơ sở dầu khí. Bộ Nội vụ thông báo vụ cháy đã được kiểm soát và giới chức đang điều tra vụ việc.
Giá dầu có thể tăng và đối sách của Mỹ
"Abqaiq có lẽ là cơ sở trọng yếu nhất thế giới về cung cấp dầu mỏ. Giá dầu sẽ tăng sau vụ tấn công”, Jason Bordoff, giám đốc Ttrung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu tại Đại học Columbia (Mỹ), nhận định,
Vụ tấn công diễn ra khi Saudi Aramco chuẩn bị lên sàn chứng khoán, trở thành vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất thế giới. Aramco thu hút sự quan tâm đặc biệt với vụ bán trái phiếu quốc tế hồi tháng 4. Hai tuần qua, Ảrập Xêút đã thay bộ trưởng năng lượng và chủ tịch của Aramco.
Ảrập Xêút, nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, đã giảm sản xuất dầu thô và các sản phẩm năng lượng khác trong nỗ lực chung của OPEC để đẩy giá dầu lên.
Ảrập Xêút sản xuất xấp xỉ 10% nguồn cung toàn cầu. Hiện nay, mỗi ngày thế giới sản xuất 100 triệu thùng dầu.
Ngày 14/9, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) thông báo đang giám sát tình hình ở Ảrập Xêút. “Chúng tôi liên lạc với giới chức Ảrập Xêút cũng như các nước sản xuất và tiêu thụ chính. Hiện nay, các thị trường vẫn được cung ứng đầy đủ”, IEA viết trên Twitter.
Nếu sự gián đoạn nguồn cung dầu mỏ ở Ảrập Xêút kéo dài, “nguồn cung Iran hiện bị cấm có thể sẽ là một nguồn bổ sung tiềm năng”, ông Bordoff nói.
“Nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện rằng, ông sẵn sàng theo đuổi chiến dịch gây sức ép tối đa ngay cả khi giá dầu lên cao. Đã tăng đáng kể nguy cơ leo thang trả đũa trong khu vực khiến giá dầu lên cao”, ông nhận định.
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry đã sẵn sàng dùng đến dự trữ dầu chiến lược của Mỹ để ổn định thị trường dầu mỏ nếu cần thiết, người phát ngôn bộ này tuyên bố.
Nguồn cung dầu khẩn cấp của Mỹ (gồm hàng loạt bể dự trữ và hang ngầm được tạo ra sau cuộc khủng hoảng dầu khí những năn 1970) hiện ở mức 630 triệu thùng dầu thô, một quan chức Bộ Năng lượng Mỹ cho biết.