Mỹ phẩm “dởm”... chỗ nào cũng có!

Mỹ phẩm “dởm”... chỗ nào cũng có!
Mừng thầm vì nghĩ  mình mua được mỹ phẩm giá rẻ, song họ đã bị “móc túi” trắng trợn và trở thành nạn nhân của mỹ phẩm dởm, hậu họa khôn lường.

Một hộp phấn Essance “Càng ngắm càng yêu” dởm giá trị thực chỉ khoảng 18.000đ nhưng có thể được bán với giá 48.000đ, 70.000đ hoặc đúng như giá trên bao bì là 88.000đ. Hay thỏi son Shiseido dởm “made in USA” có độ chống nắng SPF 15 cũng được nâng lên vài trăm nghìn đồng. Không ít người đã mừng thầm khi nghĩ  mình mua được giá rẻ, thực ra họ đã bị “móc túi” một cách trắng trợn. Tệ hại hơn, nhiều người đã trở thành nạn nhân của mỹ phẩm dởm với những hậu họa khôn lường.

 Nhộn nhạo thị trường mỹ phẩm

Không khó khăn và cũng chẳng phải đi đâu xa nếu muốn tìm mua loại mỹ phẩm rẻ như vậy. Thậm chí ngay ở khu vực trung tâm như chợ Hôm, chợ Đồng Xuân, phố Hàng Ngang, Hàng Đào... mỹ phẩm dởm được bày bán một cách công khai. Tại cửa hàng Hà Xuân trên phố Hàng Ngang... ở đây, mỹ phẩm được chia ra làm loại 1 và loại 2. Loại 1 là hàng xịn, còn loại 2 là hàng rẻ (của Trung Quốc). Nhưng tất cả đều mang mác của các hãng mỹ phẩm tên tuổi như Lancôme, Christian Dior, Nivea, Shiseido, ISA Knox, Essance...

Gọi là hàng rẻ cho lịch sự chứ thực chất đều là hàng dởm, được nhái lại 100% theo mẫu mã, kiểu dáng và màu sắc của hàng thật từ cái vỏ hộp. Một hộp phấn nén ISA Knox trị giá 484.000đ nhưng hàng dởm chỉ có 23.000đ. Nhưng đó là giá bán buôn, giá nhập hàng để bán, còn đến tay người tiêu dùng thì nó đã được nâng giá lên rất nhiều lần để trở thành hàng xịn, hàng chính hãng. 

Hiện hàng nhái, hàng dởm không chỉ có mặt ở các chợ mà nó đã ngự trị trong các cửa hàng chuyên bán buôn bán lẻ mỹ phẩm hoặc ở các hàng quà tặng lưu niệm và một số shop. Một trung tâm thương mại được coi là cao cấp ở Hà Nội nhưng trên tầng 2, tầng 3, mỹ phẩm dởm ngang nhiên được trưng bày trong tủ kính với nhiều mức giá đến khó hiểu. Son Clinique chỉ có 45.000đ, son VOV 35.000đ, son Shiseido 50.000đ...(?). Các hộp phấn dởm chỉ có 20.000- 30.000đ nhưng được dán giá tiền trăm trở lên, như phấn Lacvert (Debon) 195.000đ. Một điểm dễ nhận thấy là nhiều cửa hàng mỹ phẩm bây giờ  vừa bán hàng chính hiệu, vừa bán cả hàng giả, hàng nhái cho khách. Nếu khách hàng là người sành sỏi thì sẽ không bị lừa. Trong khi chiêu thức bán hàng ngày một tinh vi hơn để qua mắt và chiếm được lòng tin của người mua. Chủ cửa hàng nào cũng ngọt ngào: “Hàng xách tay nên mới có giá rẻ như thế. Em mà mua qua Cty nhập về thì có mà đắt gấp đôi”.

Chung sống với hàng dởm?

Kinh doanh mỹ phẩm dởm đem lại siêu lợi nhuận nên chẳng ai dại gì bỏ qua. Và người ta tìm mọi cách để biến hàng giả thành hàng thật, kể cả làm thế nào để có tem dán chống giả. Người viết bài này không khỏi ngạc nhiên khi tại một hàng lưu niệm trên phố Ngọc Hà lại có son của ISA Knox được dán tem chống giả chỉ với giá 60.000đ. Trong khi giá trị thực của thỏi son này là 363.000đ. Liệu đây có phải là tem giả không vì toàn bộ sản phẩm của hãng DEBON chỉ được dán một loại tem của Viện Khoa học hình sự- Bộ Công an. Trên thị trường mỹ phẩm hiện nay DEBON là nhãn hiệu bị làm giả nhiều nhất. Tháng 3/2004, hãng này còn tổ chức cả một hội nghị chống hàng giả nhưng kết quả xem ra vẫn chưa có gì biến chuyển. Các dòng sản phẩm của DEBON đều bị làm giả một cách táo tợn từ dòng sản phẩm cao cấp của hãng là ISA Knox và Lacvert cho đến loại trung bình là Essance và E’Zup.

 Thị trường mỹ phẩm những ngày giáp Tết hết sức nhộn nhịp. Và không biết sẽ có bao nhiêu người tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy của mỹ phẩm dởm?

MỚI - NÓNG