Mỹ hủy bỏ đàm phán với Hàn Quốc về tiền đồn trú

Lính Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung ở Pocheon, phía bắc Seoul hồi năm 2015 ảnh: AP
Lính Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung ở Pocheon, phía bắc Seoul hồi năm 2015 ảnh: AP
TP - Hôm qua Mỹ hủy bỏ các cuộc đàm phán về việc đề nghị Hàn Quốc tăng chi phí cho hoạt động đồn trú của quân đội Mỹ tại nước này, sau khi đôi bên không thể đi đến tiếng nói chung.

Sự đổ vỡ trong đàm phán là một bất đồng công khai hiếm có trong quan hệ liên minh kéo dài 66 năm qua, khi mỗi bên đổ lỗi cho bên kia không sẵn sàng thỏa hiệp chia sẻ chi phí đồn trú 28.500 quân Mỹ tại Hàn Quốc để “trông chừng” Triều Tiên.

“Thực tế là có khác biệt đáng kể giữa đề nghị tổng thể của phía Mỹ và những nguyên tắc chúng tôi theo đuổi”, nhà thương thuyết người Hàn Quốc Jeong Eun-bo nói tại một cuộc họp báo. “Các cuộc đàm phán không thể tiếp tục như kế hoạch khi phía Mỹ đã bỏ đi trước”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó cho rằng Hàn Quốc cần phải chi nhiều hơn cho việc đồn trú của quân Mỹ, thậm chí còn gợi ý rằng Mỹ có thể rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên sau nhiều thập kỷ cùng quân Hàn Quốc tạo ra một vùng đệm ngăn chặn Triều Tiên.

“Quân Mỹ ở đây cũng vì lợi ích riêng của họ, biến nơi đây thành tiền đồn giám sát Nga và Trung Quốc. Họ không thể cứ thế mà rút đi sau một đoạn tweet bất ngờ từ ông Trump”, nhóm 47 nghị sỹ quốc hội Hàn Quốc nói

Các nhà lập pháp Hàn Quốc nói Mỹ đang muốn 5 tỷ USD/năm, cao hơn 5 lần so với con số 890,5 triệu USD mà Hàn Quốc chi ra trong năm nay.

Chưa bên nào công khai xác nhận con số 5 tỷ USD, nhưng ông Trump nói sự hiện diện của quân Mỹ trong và bên ngoài Hàn Quốc  là “sự bảo vệ trị giá 5 tỷ USD”.

Ông Jeong nói Mỹ đã yêu cầu tăng mạnh phần đóng góp của phía Hàn Quốc, trong khi Seoul tìm kiếm phần đóng góp “cả đôi bên cùng chấp nhận được”.

Và cuộc gặp giữa đôi bên tại Seoul kết thúc sớm, sau khoảng 1 giờ, Reuters tường thuật.
Nhà đàm phán người Mỹ James DeHart nói phía Mỹ hủy bỏ cuộc đàm phán là để cho Hàn Quốc “có thời gian cân nhắc”.

“Điều không may là, các đề nghị do đoàn đàm phán Hàn Quốc đưa ra không đáp ứng yêu cầu của chúng tôi về việc chia sẻ gánh nặng một cách công bằng”, ông DeHart nói.

“Chúng tôi trông đợi sẽ tái đàm phán khi phía Hàn Quốc sẵn sàng làm việc trên cơ sở đối tác và tin cậy lẫn nhau”.

Sự bất đồng giữa Mỹ và Hàn Quốc xung quanh chuyện tiền bạc đã làm dấy lên các tranh luận ở Hàn Quốc về sự hiện diện của quân Mỹ tại nước này. Một số nhà hoạt động thậm chí kêu gọi giảm đáng kể, thậm chí là cho rút hẳn lực lượng này khỏi Hàn Quốc.

Một nhóm 47 nghị sỹ quốc hội Hàn Quốc tuần trước cáo buộc Mỹ đe dọa rút quân. “Quân Mỹ ở đây cũng vì lợi ích riêng của họ, biến nơi đây thành tiền đồn giám sát Nga và Trung Quốc”, nhóm nghị sỹ nói. “Họ không thể cứ thế mà rút đi sau một đoạn tweet bất ngờ từ ông Trump”.
Tuy nhiên, ông Jeong nói Mỹ không nêu vấn đề giảm hay rút quân.

MỚI - NÓNG