“Ủy ban không tôn vinh chiến tranh sử dụng AI, nhưng việc ứng dụng AI trong quốc phòng và an ninh là một yêu cầu quốc gia cấp thiết”, Breaking Defense ngày 5/11 trích tuyên bố của Ủy ban An ninh quốc gia về trí tuệ nhân tạo của Quốc hội Mỹ. Theo ủy ban này, quân đội Mỹ cần phải cấp thiết ứng dụng AI mà không để tranh cãi về vấn đề đạo đức và việc con người kiểm soát “làm tê liệt sự phát triển AI”.
“Trong bối cảnh các đối thủ chiến lược của chúng ta chọn lựa (AI), Mỹ cũng cần xem xét AI qua lăng kính quân sự, bao gồm khái niệm về các chiến dịch tự động sử dụng AI”, ủy ban đề xuất.
Gây tranh cãi
Trong quân đội, một số vị tư lệnh công khai bày tỏ sự không tin tưởng AI, đặc biệt là trong những lĩnh vực liên quan vũ khí hạt nhân.
Trong báo cáo đưa ra ngày 4/11, Ủy ban quốc gia về trí tuệ nhân tạo không sử dụng thuật ngữ “con người trong vòng lặp” – thuật ngữ hiện được Lầu Năm Góc thường dùng để khẳng định rằng, con người luôn có quyền kiểm soát tối cao đối với bất kỳ hệ thống tự động nào.
“Đạo đức và sự cần thiết chiến lược tương thích với nhau. Các cơ quan quốc phòng và an ninh quốc gia phải phát triển và triển khai AI theo một cách có trách nhiệm, đáng tin cậy và phù hợp đạo đức… Ai cũng muốn các hệ thống AI an toàn, mạnh mẽ và đáng tin cậy, không có thiên kiến…
Ai cũng muốn thiết lập ngưỡng kiểm nghiệm và triển khai các hệ thống AI có độ tin tưởng cao như con người và muốn bảo đảm rằng con người vẫn chịu trách nhiệm cho những kết quả của việc sử dụng chúng. Một số bất đồng vẫn sẽ còn đó, nhưng Ủy ban lo ngại rằng, những tranh cãi như vậy sẽ làm tê liệt sự phát triển AI”, báo cáo của ủy ban khẳng định.
Khái niệm về hệ thống vũ khí tự động hoàn toàn hiện vẫn gây tranh cãi cả ở Mỹ và các đồng minh của nước này. Chiến dịch quốc tế về ngăn chặn robot sát thủ có số thành viên tăng gần gấp đôi trong năm qua. Đến nay là có 113 tổ chức phi chính phủ ở 57 nước, cùng Tòa thánh Vatican và Nhà nước Palestine phản đối việc sử dụng robot sát thủ (vũ khí tự động hoàn toàn). Có 90 quốc gia kêu gọi đàm phán để tiến tới một lệnh cấm.
Báo cáo mà cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ đưa ra hồi tháng 8 cũng cho thấy, hầu hết các thành viên Liên Hợp Quốc đồng thuận rằng, “cần duy trì mức độ đánh giá của con người ở mức độ phù hợp” đối với bất kỳ loại vũ khí tự động gây sát thương nào, dù không đạt được thỏa thuận về lệnh cấm.
5 vấn đề chủ chốt
Phiên bản cuối cùng của bản báo cáo của Ủy ban An ninh quốc gia về trí tuệ nhân tạo sẽ được trình ra Quốc hội Mỹ vào tháng 10/2020. Báo cáo nhận định: “Sự phát triển của AI sẽ định hình tương lai của quyền lực… AI sẽ thúc đẩy làn sóng cải tiến trong thương mại, vận tải, y tế, giáo dục, thị trường tài chính, quản trị và quốc phòng”.
Báo cáo xác định 5 lĩnh vực chủ chốt cần thực hiện để duy trì lợi thế của Mỹ. Đó là đầu tư và nghiên cứu và phát triển AI, ứng dụng AI vào các sứ mệnh an ninh quốc gia, đào tạo và tuyển dụng tài năng AI, bảo vệ và xây dựng dựa trên lợi thế công nghệ Mỹ và hợp tác AI toàn cầu.
Báo cáo cũng giải thích rằng, công việc của Ủy ban An ninh quốc gia về trí tuệ nhân tạo tới nay tập trung vào 4 vấn đề chính. Đó là các nguy cơ từ bên ngoài đối với an ninh quốc gia trong kỷ nguyên AI hiện nay; cách thức AI có thể cải thiện năng lực của chính phủ trong việc bảo vệ đất nước, hợp tác với đồng minh và duy trì cán cân sức mạnh quân sự trên thế giới; mối quan hệ giữa AI và cạnh tranh kinh tế như là một thành tố của an ninh quốc gia, bao gồm sức mạnh của cộng đồng nghiên cứu khoa học Mỹ; và xem xét vấn đề đạo đức trong việc triển khai các hệ thống AI phục vụ an ninh quốc gia.
Báo cáo cũng chỉ ra các nguy cơ đến từ lạm dụng AI như thông tin sai lệch làm xói mòn hệ thống dân chủ, vi phạm quyền riêng tư, quyền công dân, tăng tấn công mạng và tăng nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn ở cấp thảm họa.
Ủy ban An ninh quốc gia về trí tuệ nhân tạo được thành lập theo Đạo luật cho phép quốc phòng năm 2019. Chủ tịch ủy ban là cựu giám đốc điều hành của Google là Eric Schmidt (đồng thời là chủ tịch Ủy ban đổi mới sáng tạo quốc phòng của Bộ Quốc phòng).
Ủy ban An ninh quốc gia về trí tuệ nhân tạo có 15 thành viên, bao gồm cựu thứ trưởng quốc phòng Bob Work (hiện giữ vai trò phó chủ tịch ủy ban).