Nhà văn Nguyễn Bình Phương:

Muốn xuất khẩu văn chương phải có những gì?

TP - Là tác giả có sách được chuyển ngữ sang một số thứ tiếng, nhà văn Nguyễn Bình Phương cho biết, dịch giả tìm đến anh đều qua những giới thiệu cá nhân. Mới đây nhất, tiểu thuyết “Mình và họ” phiên bản tiếng Hàn đã được bán rộng rãi ở Hàn Quốc và nhận phản hồi khá tốt từ độc giả.

Trong năm, “Một ví dụ xoàng” cũng được trao giải thưởng văn học ASEAN. Trong câu chuyện xoay quanh việc xuất khẩu văn chương, nhà văn Nguyễn Bình Phương khẳng định, để làm được điều đó, nhà nước chỉ cần lập một trung tâm dịch thuật quốc gia, giống như cách làm của Hàn Quốc.

- Được biết trong cuộc gặp với Tổng Bí thư Tô Lâm vừa rồi anh có đề nghị nhà nước thành lập một trung tâm dịch thuật quốc gia, tại sao anh lại cho rằng, điều ấy, vào lúc này là cần thiết, hơn cả những quỹ hỗ trợ sáng tác?

Muốn xuất khẩu văn chương phải có những gì? ảnh 1

Nhà văn Nguyễn Bình Phương nhận giải thưởng văn học ASEAN cho tác phẩm “Một ví dụ xoàng”.

- Dĩ nhiên đây là quan điểm và nhận thức của cá nhân, vì tôi phát biểu với tư cách cá nhân. Tôi cho rằng khi sáng tác nhà văn cần độc lập, tự chủ trên mọi khía cạnh cả vật chất lẫn tinh thần. Sự độc lập, tự chủ ấy sẽ bảo đảm tính tự do, tự tại không bị định hướng trong nhận thức, suy nghĩ và thể hiện của nhà văn. Nhưng đến khi viết xong rồi, nếu tác phẩm có giá trị thì nó không hẳn còn là của riêng nhà văn nữa, mà trở thành tài sản của cộng đồng và quốc gia. Việc lan tỏa, quảng bá tài sản giá trị ấy là phần của cộng đồng. Muốn văn học ra quốc tế thì phải dịch, phải quảng bá. Ở trường hợp này, với tình thế đặc thù của nước mình thì có nghĩa phải xuất hiện một Viện dịch thuật văn học mang tầm cỡ quốc gia để đưa tác phẩm ra ngoài biên giới.

Phải hình dung rằng, trong nước với nhau, chúng ta có coi nhau tầm cỡ bằng gì đi nữa, sang vùng ngôn ngữ khác thiên hạ cũng chẳng biết là ai, nếu tác phẩm của chúng ta không được dịch. Người ta phải đọc, mới biết hay hay dở để mà bàn luận. Đi ra ngoài sẽ biết ta nằm ở đâu, to nhỏ ra sao. Dịch quan trọng lắm.

- Anh từng đi Hàn, “Mình và họ” của anh được họ dịch và quảng bá, anh thấy Việt Nam có thể học được những gì từ bài học xuất khẩu văn chương của Hàn Quốc?

Muốn xuất khẩu văn chương phải có những gì? ảnh 2

Nhà văn Nguyễn Bình Phương

- Viện dịch thuật của họ xem chừng hoạt động rất tốt. Theo tôi biết, họ chỉ dịch khi Hội đồng xác định cuốn này cần phải dịch, tác giả này cần được giới thiệu chứ không có chuyện vì thân quen mà dịch cho nhau. Đó là một Hội đồng đứng trên tất cả các thiên kiến cá nhân, đặt khách quan chất lượng lên cao nhất.

Theo anh, khi áp dụng mô hình này vào Việt Nam, thành phần trong Hội đồng xét dịch ấy chủ yếu vẫn là những nhà văn, bởi xét cho cùng họ chính là những người hiểu về văn chương nhất?

Nhà văn dĩ nhiên rồi, dịch giả cũng dĩ nhiên rồi, nhưng cũng cần thêm các thành phần khác. Bởi một cuốn sách hay một hiện tượng văn hóa nó cũng cần được nhìn trên nhiều góc.

- Bằng vào kinh nghiệm đọc của mình, anh có lạc quan với viễn cảnh xuất khẩu văn chương Việt ra thế giới?

- Qua những gì tôi đã đọc ở văn học dịch, thì văn học Việt Nam cũng không hẳn là vùng trũng hoặc quá lạc lõng, quá cách biệt. Các tác giả Việt khi được dịch người ta đều đón nhận trân trọng cả đấy. Bảo Ninh được dịch thế giới rất quý, Nguyễn Huy Thiệp được dịch thế giới rất quý, Nguyễn Ngọc Tư được dịch người ta cũng trao giải ngay. Kém cạnh gì đâu, có điều văn học của chúng ta ít được thế giới biết đến rộng rãi vì hạn chế đầu ra, tức là hạn chế được dịch.

Cũng có nhiều người ca thán với tôi là Việt Nam chưa có tác phẩm lớn. Biết thế nào là lớn? “Chiến tranh và hòa bình”, “Những người khốn khổ” đồ sộ là lớn, mà “Ông già và biển cả”, “Người đẹp say ngủ” mỏng tang cũng là lớn. Tác phẩm lớn đôi khi mổ một tế bào thôi nhưng trong tế bào ấy nó có đầy đủ tố chất của dân tộc, đâu phải cứ đại cảnh nghìn trang mới là tác phẩm lớn đâu.

- Quay trở lại câu chuyện chúng ta sẽ mang gì ra thế giới. Một nhà nghiên cứu người nước ngoài nhận xét rằng, văn học Việt Nam được dịch cho đến nay chủ yếu vẫn khai thác đề tài chiến tranh, có vẻ như các tác giả vẫn chưa thoát khỏi sự ám ảnh kéo dài đó, ngay cả bản thân anh?

- Nói về trường hợp của tôi thôi nhé. Tôi cho rằng, trong văn tôi tương đối ít chiến tranh. Chiến tranh là bối cảnh thôi. Tôi không dành cho nó toàn bộ đất diễn. “Mình và họ” mà người ta hay mặc định là viết về chiến tranh biên giới thì chiến tranh cũng chỉ là cái cớ để tôi nói về cái khác: bạo lực bản năng của con người. Chiến tranh đúng nghĩa phải là anh Bảo Ninh và một số người khác như Khuất Quang Thụy. Chiến tranh của tôi chính xác như là gia vị cho nó dậy mùi lên thôi. Tôi quan tâm nhiều đến đời sống nội tâm của con người, đến cái phần bản năng mà vì chiến tranh nó trội lên.

- Không chỉ vì chiến tranh, ngay giữa cuộc sống thời bình, rất nhiều cái ác vẫn khiến người ta không lý giải được. Cái ác bản năng của con người qua thời gian có giảm đi không, theo anh?

- Tôi cho là nó vẫn giữ nguyên. Cái ác không tiến hóa về phía cái thiện, không bao giờ mất đi. Chỉ có ở thời điểm nào đó người ta dùng áp lực của văn hóa đè nó xuống. Đến khi nào văn hóa lỏng, nhẹ thì cái ác lại trồi lên.

- Khi tiếp cận các tác phẩm văn học nước ngoài, anh đánh giá cao điều gì?

- Tôi vẫn thích bản sắc dân tộc. Khoan nói về các tầng lớp nghĩa sâu xa, trước tiên đọc một tác phẩm của người Mỹ thì tôi phải thưởng thức bầu không khí, tính cách, số phận con người Mỹ. Ở chiều ngược lại, Tây nó đọc một tác phẩm của tác giả Việt thì nó phải ra cái chất Việt Nam đã.

Tất nhiên, đọc văn học không có nghĩa đi tìm hiểu văn hóa, hay du lịch mà là để khám phá cốt cách, phẩm chất, tâm hồn của dân tộc ấy, con người vùng ấy.

- Theo anh, văn học Việt có phải thay đổi gì để dễ tiếp cận độc giả bên ngoài?

- Mọi thứ đến giờ, theo nhận định chủ quan của tôi, văn học Việt căn bản là đang theo xu hướng rất ổn. Chỉ với cá nhân tôi, thì tôi tự nhủ mình cần làm giàu có thêm về kỹ thuật. Đôi khi ta mải kể nội dung câu chuyện mà xao nhãng kỹ thuật kể. Thực ra kỹ thuật kể câu chuyện rất quan trọng. Nghệ thuật gắn với kỹ thuật. Thế giới này chỉ có vài câu chuyện thôi nhưng biết bao người kể. Mỗi người có kỹ thuật kể khác nhau khiến cho nó phong phú.

- Như vậy, đề tài nhà văn chọn có quan trọng không?

- Cũng quan trọng, nhưng chẳng phải là tất cả. Tại sao có cuốn sách đề tài chẳng có gì ghê gớm, người ta vẫn đọc, tôi nghĩ là do kỹ thuật viết. Tôi có đọc hai cuốn gần đây, một cuốn tên là “Trắng” của nhà văn Hàn Quốc, câu chuyện không có gì, chỉ là những suy nghĩ vụn vặt lởn vởn. Nhưng cách thể hiện, thẩm mỹ của tác giả khiến nó thu hút. Cuốn thứ hai có tên là “Ánh sáng trắng”, của tác giả người Na Uy, viết về một tay đi ô tô vào vùng quê và bị lạc đường, không ra được. Nếu mà kể lại thì chả có gì, nhưng kỹ thuật kể rất đặc biệt, những câu văn dài dặc, hỗn độn, miên man, và sự miên man được tạo ra là do kỹ thuật. Kỹ thuật không thể tách rời khỏi tác phẩm nghệ thuật, tôi tâm niệm vậy. Khi một tác phẩm nghệ thuật đạt tới thành công là tất cả các yếu tố nó nhuần nhuyễn. Thiếu hay xem nhẹ cái nào thì đều khiếm khuyết đi. Nói thêm rằng, ở hai cuốn sách dịch tôi vừa nhắc tới, đọc xong thì tôi cũng thầm cảm ơn dịch giả vì thật tuyệt.

Vâng, xin cảm ơn anh!

Bình luận