Muốn con du học nước ngoài cần bắt đầu từ đâu?

TPO - Hàng năm, Việt Nam có hàng trăm nghìn học sinh du học, với số tiền đổ vào ngành này khoảng 3 tỷ USD. Vậy cha mẹ cần chuẩn bị hành trang cho con như thế nào để con đường học vấn trở nên hiệu quả nhất với số tiền bỏ ra?

Thày Nguyễn Tuấn Hải, Giám đốc điều hành trường Anh ngữ Eton Grammar đã tư vấn về vấn đề này:

- Để đạt được cái đích du học, theo anh phụ huynh cần hỗ trợ và trang bị cho con những gì?

Trước hết, phụ huynh cần xây dựng cho con tư duy và phẩm chất hợp với các nước phương Tây.

Thứ hai, ngoại ngữ là công cụ không thể thiếu để lĩnh hội các ngành nghề khác nhau. Khả năng ngoại ngữ của học sinh phải đạt được mức xuất sắc: nghe và nói một cách tự nhiên, tư duy bằng chính ngôn ngữ đó.

Không chỉ dừng lại ở việc nghe hiểu, học sinh cần tiếp thu tri thức nhân loại, tiếp thu văn hóa bằng ngôn ngữ của chính nước đó.

Thứ ba, cần chuẩn bị cho con sức khỏe tốt. Sống độc lập, ở môi trường lạ, không có sức khỏe, du học sinh dễ bị đuối sức và có thể ảnh hưởng kết quả học tập.

Điều cuối cùng và không kém phần quan trọng là nguồn tài chính phải đủ mạnh. Ngay cả khi con giành được học bổng, sẽ có khá nhiều chi phí phát sinh trong quá trình học ở xứ người.

- Ngoại ngữ phải đạt trình độ xuất sắc, là chuyên gia đào tạo ngoại ngữ, anh có thể giới thiệu phương pháp nào học cho hiệu quả?

Bước đầu, cần tạo môi trường và kích thích nhu cầu học tiếng Anh cũng như tìm hiểu về văn hóa, lịch sử các nước ở con trẻ. Kế tiếp, cha mẹ nên đưa con đi tham quan các nước, bước ra thế giới và tìm hiểu về văn minh nhân loại. Tham gia các sân chơi quốc tế cũng giúp con mở rộng quan hệ bạn bè, giao lưu. Từ đó con trẻ phát triển được TẦM NHÌN về thế giới xung quanh.

Muốn con du học nước ngoài cần bắt đầu từ đâu? ảnh 1

Thầy Nguyễn Tuấn Hải, giám đốc Eton Grammar.

Nước Mỹ đang sôi sục với hệ thống tiêu chuẩn mới Common Core, theo anh hệ thống này có ưu điểm gì?

Tiêu chuẩn này đề cao kỹ năng nghe và đọc - đây sẽ là hai kỹ năng sống còn với thế giới hiện đại. Không chỉ đọc để hiểu, mà còn phải hiểu sâu và phản biện. Muốn phát triển kỹ năng đọc thì tốt hơn cả là phải tiếp cận với văn học, đọc những ấn phẩm từ chính cái nôi của ngôn ngữ đó. Đó là lý do tôi hỗ trợ việc phát hành sách song ngữ, với loạt truyện trẻ em kinh điển. 

- Anh Nguyễn Thành Nam từng có bài phân tích, học đại học nước ngoài không lý tưởng như các phụ huynh kỳ vọng. Giáo sư xịn thì có nhưng không nhiều, và ít khi học sinh có cơ hội được gặp. Anh từng được dẫn đi tham quan một ngôi trường nổi tiếng của Mỹ và được giới thiệu về thư viện rất hoành tráng, về không gian xanh hoàn hảo. Và anh cho rằng, như vậy, học phí đã bị đẩy lên vào những hạng mục duy tu thư viện và công viên trong khi sách online hiện giờ rất phổ biến. Anh nghĩ sao về quan điểm này?

- Môi trường học tập là vô cùng quan trọng, phương tây có cách tư duy và phương pháp học thuật rất vượt trội. Tại sao Singapore, một nền giáo dục tốt nhất châu Á, dù muốn đưa campus của Harvard về với họ bao năm qua vẫn không làm được. Đơn giản vì môi trường văn hóa, môi trường chính trị của Singapore vẫn chưa chuyển tải được hết không khí của Harvard thực thụ. 

Không nên cho rằng các kho tư liệu online là đủ. Thực tế, tư liệu, tạp chí của một số ngành chuyên sâu chỉ có thể tìm kiếm ở một số trường chuyên biệt. Hơn thua nhau cái thư viện, cũng là hơn thua cả trăm năm phát triển.

- Vậy theo kinh nghiệm của anh, học sinh Việt Nam khi ra thế giới thường yếu thua kém bạn bè ở điểm gì?

- Nhiều nhất là về kỹ năng, hầu như các bạn trẻ Việt Nam đều thiếu tư duy phản biện, thiếu sự sáng tạo, và thiếu suy nghĩ tích cực. Ít người có ý kiến riêng, hoặc có thì cũng không mạnh dạn bày tỏ. Vì lẽ đó, cộng thêm chút tự ti giao tiếp, học sinh Việt Nam thường bị cô lập.

- Việc xét duyệt học bổng dựa trên kết quả học tập của học sinh, anh nghĩ thế nào khi các phụ huynh miệt mài cho con văn ôn võ luyện để mong được nhận học bổng?

- Tôi luôn cho rằng việc học là một quá trình, chứ không phải là sự nhồi nhét kiến thức. Nếu học theo hình thức "luyện gà", mình chỉ có thể đấu với Trung Quốc, nhưng không nhiều cơ hội địch lại được họ vì học sinh Trung Quốc "cày" rất khỏe.  Cái học sinh cần là bản sắc riêng, không lẫn với ai. Hội dồng xét duyệt học bổng sẽ bị thuyết phục bởi một con người có đam mê, biết nuôi dưỡng đam mê và dám dấn thân vì nó. Câu hỏi đặt ra là nếu bạn được nhận học bổng, bạn sẽ đóng góp được gì cho ngôi trường đó và bạn sẽ phát triển bản thân thế nào?

Có một thực tế là phụ huynh Việt Nam hay nóng vội, sốt ruột muốn con mình sớm đạt kết quả nên thường đưa con đi thi chỗ này chỗ khác mà chưa xây dựng được cho con mình một cái gốc căn bản và một niềm đam mê, một khát vọng vươn mình ra thế giới thực sự.

MỚI - NÓNG