Ghi nhận của phóng viên, trong những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024, lượng người dân và du khách đến với Văn Miếu - Quốc Tử Giám tăng đột biến, bên ngoài cổng xếp hàng dài mua vé, bên trong tấp nập người dân tới tham quan, xin chữ. |
Hoạt động xin chữ, cho chữ đầu năm bên trong Văn Miếu rất sôi nổi, tấp nập. |
Trong Văn Miếu có 5 ông đồ được bố trí phục vụ người dân. Để xin được chữ, người dân mua mỗi tờ giấy đỏ được bán với giá 100.000 đồng một tờ và xếp hàng để đến lượt. |
Chữ viết lên giấy đỏ xong sẽ được phơi khoảng 30 phút cho khô. |
Bên cạnh Văn Miếu, hoạt động xin chữ ở Hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng diễn ra rất sôi nổi và đông đúc. |
Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024 có sự tham gia của 40 ông đồ, được bố trí xung quanh Hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám phục vụ nhu cầu của du khách đến xin chữ nhân dịp đầu xuân năm mới. |
Xin chữ đầu năm là một nét đẹp văn hóa có từ rất lâu đời, việc xin chữ - cho chữ thể hiện việc coi trọng tri thức đồng thời là dịp thể hiện những mong muốn cho một năm mới. |
Nét chữ như phượng múa rồng bay thể hiện những ước vọng của ngày xuân. |
Việc xin chữ trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều người dân. Vì vậy, nhiều người vẫn chấp nhận đợi hàng tiếng đồng hồ để xin được chữ. |
Năm nay, đến với Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024, người dân và du khách còn được thưởng thức các hoạt động văn hóa mang tính truyền thống để phục vụ khách du xuân như: Tái hiện không gian giáo dục thi cử truyền thống; giới thiệu làng nghề, sản phẩm thủ công truyền thống Hà Nội cùng chương trình nghệ thuật biểu diễn ca trù, quan họ, hát chèo, hát xẩm, chầu, múa rối nước, múa lân sư rồng… |
Màn hát quan họ Bắc Ninh trên thuyền rồng được tái hiện tại Hồ Văn - Văn Miếu (Hà Nội). |