Mùa đông không lạnh

Lãnh đạo Học viện Khoa học Quân sự trao tặng chăn ấm cho người dân thôn Nà Chúa. Ảnh: Nguyễn Minh.
Lãnh đạo Học viện Khoa học Quân sự trao tặng chăn ấm cho người dân thôn Nà Chúa. Ảnh: Nguyễn Minh.
TP - Những ngày cuối năm, hành trình tình nguyện “Mùa đông ấm 2016” của Học viện Khoa học Quân sự, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội và Nhà hát Kịch Việt Nam đã đem tới những sẻ chia vật chất và tinh thần ấm áp dành cho đồng bào khó khăn ở hai huyện Ngân Sơn và Ba Bể thuộc tỉnh Bắc Kạn.

Ấm áp tình người

Cách thành phố Bắc Kạn hơn 40 km về phía bắc, sau chặng đường đèo quanh co uốn lượn, chuyến xe đưa đoàn tình nguyện tìm về thôn Nà Chúa, xã Trung Hòa, huyện Ngân Sơn. Chương trình trao tặng quà cho bà con diễn ra ngay trước công trình Nhà văn hóa thôn do cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xây tặng và cùng bàn giao cho bà con trong buổi sáng hôm đó. Trên đám ruộng đã qua mùa cấy hái trước nhà văn hóa, ai nấy đều phấn khởi, bà con đã tạm gác lại công việc để đến với buổi trao nhận quà. Buổi sáng nơi bản vùng cao còn đượm hơi sương buốt lạnh nhưng dường như hơi ấm của sự sẻ chia đã lan tỏa cả không gian.

Lặng lẽ ngồi lẫn trong đám đông, chị Vi Thị Chức ôm đứa con nhỏ vào lòng, nét mặt thoáng buồn ẩn giấu sau đôi mắt chất chứa nhiều lo toan cuộc sống. Gia đình chị thuộc diện đặc biệt khó khăn trong thôn, chồng mất sớm, một mình nuôi hai con nhỏ, chật vật lo từng miếng ăn mỗi ngày. Cận kề cái tết, chị chưa dám nghĩ đến việc sắm thêm được vật dụng gì cho gia đình và cũng không thể mua nổi cho các con một manh áo ấm. Những phần quà mang nặng nghĩa tình mà đoàn tình nguyện trao tặng sẽ giúp ngôi nhà nhỏ của ba mẹ con chị bớt đi giá lạnh. Chị Chức rưng rưng: “Cảm ơn đoàn tình nguyện. Các con có thêm áo ấm đến lớp, tôi cũng đỡ cảm thấy có lỗi với các con vì chúng luôn phải chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn”.

Có mặt trong lễ trao quà ông Nông Văn Lược (76 tuổi) người từng có nhiều năm tham gia chiến đấu trong kháng chiến chống Pháp phấn khởi. “Cảm ơn các thế hệ trẻ đã luôn nhớ về truyền thống và những thế hệ đi trước. Thôn chúng tôi còn nhiều khó khăn lắm, mong sao có thêm nhiều chương trình ý nghĩa như thế này trong thời gian tới để bà con bớt đi phần gian khó”.

Anh Hoàng Văn Tuấn (Trưởng thôn Nà Chúa) cho biết, thôn có 37 hộ thì có tới 14 hộ nghèo và cận nghèo. Đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Tày, quanh năm quanh quẩn với mảnh ruộng nên đời sống gặp nhiều khó khăn. “Bà con rất vui khi được các đơn vị chia sẻ khó khăn với thôn. Sự động viên này là rất kịp thời và cần thiết trong thời điểm cuối năm này”, anh Tuấn nói.

Mùa đông không lạnh ảnh 1

ĐTVN tham gia đoàn tình nguyện chăm sóc em nhỏ người địa phương. Ảnh: Nguyễn Minh.

Tiếp sức đàn em tới trường

Rời Ngân Sơn, đoàn tới thăm Trường Tiểu học Cao Trĩ (xã Cao Trĩ, huyện Ba Bể). Cô Triệu Thị Nịnh - Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trường có 102 học sinh, đa phần là con em dân tộc Tày, Nùng, gia đình đều sống dựa vào nông nghiệp nên nhiều em có hoàn cảnh khó khăn. Mùa đông nào cũng ám ảnh cả cô và trò nhà trường. Nhìn các em đến lớp với manh áo mỏng, chân đi dép lê, tấm thân run lên vì gió lạnh mà thầy cô không khỏi xót xa.

Trên khoảng sân trường nhỏ, các bạn trẻ trong đoàn tình nguyện đã tổ chức nhiều trò chơi, cùng lời ca tiếng hát đem đến chương trình một không khí vui tươi, sôi động. Em Lý Thị Phấn, học sinh lớp 4B, một trong những học sinh vượt khó học giỏi của nhà trường được nhận học bổng của chương trình. Cô bé với ước mơ sẽ trở thành cô giáo trong tương lai này có vẻ ngoài bẽn lẽn nhưng lại có phần chững chạc trong suy nghĩ: “Em rất vui khi nhận được học bổng và quà của chương trình. Em sẽ dành số tiền này để mua thêm sách vở, đồ dùng học tập để bố mẹ đỡ vất vả”, Phấn nói.

Những bước chân tình nguyện không quản ngại vất vả, vượt quãng đường xa xôi đem sức trẻ đến những miền gian khó. Từ thủ đô, tình yêu thương được gửi lên miền ngược, kết nối những trái tim con người. Để có một chuyến đi thành công, cán bộ, giảng viên, nhân viên, nghệ sỹ, học viên, sinh viên, hạ sĩ quan, chiến sĩ của các đơn vị tham gia chương trình tình nguyện “Mùa Đông ấm 2016” đã dành nhiều tâm huyết và công sức trong việc kêu gọi nguồn tài trợ, tự nguyện đóng góp, lên kế hoạch cho chương trình từ nhiều tháng trước đó.

Bạn Trần Văn Mạnh (học viên năm 4, Học viện Khoa học Quân sự) chia sẻ: “Em hạnh phúc khi được đến giao lưu với bà con và các em nhỏ nơi đây. Mỗi chuyến đi cho em thêm nhiều trải nghiệm, thêm thấu hiểu và đồng cảm với những người có hoàn cảnh khó khăn để lan tỏa nhiều hơn những điều tốt đẹp tới mọi người”.

Khẳng định đây là chương trình mang nhiều ý nghĩa nhân văn tốt đẹp, anh Nguyễn Hoàng Giang (Phó Bí thư thường trực Đoàn trường Đại học Ngoại ngữ) nhấn mạnh đây còn là cơ hội để ĐVTN nhà trường có cơ hội giao lưu, thêm trải nghiệm và ghi lại dấu ấn đẹp đẽ của tuổi trẻ trong những hoạt động hướng về cộng đồng.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại tá Nguyễn Văn Thanh (Phó Chủ nhiệm Chính trị Học viện Khoa học Quân sự) nói: “Chúng tôi hy vọng sự sẻ chia nhỏ bé này sẽ giúp đồng bào, các thầy cô giáo và học sinh nơi đây vơi bớt khó khăn trong những ngày cuối năm. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện thêm nhiều chương trình tình nguyện tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa”.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.