Khán giả xem bức "KFC" của Minh Đông. Ảnh: VnExpress. |
Đinh Minh Đông và Đặng Vũ Hà, hai họa sĩ trẻ với hai phương pháp sáng tác khác nhau song các tác phẩm của họ lại gặp nhau khi cùng phản ánh mặt trái đời sống hiện đại. Vì thế, Minh Đông và Vũ Hà cùng thực hiện triển lãm “Sống chậm” tại Viet Art Center (42 Yết Kiêu, Hà Nội) từ 18 đến 22/12.
29 bức tranh trưng bày tuy cùng phản ánh một vấn đề, song rất dễ dàng để người xem phân biệt được đâu là tranh của Minh Đông, đâu là tranh của Vũ Hà.
Trung thành với trường phái hội họa Pop Art, Minh Đông mang tới triển lãm lần này những bức tranh với nhiều biểu tượng, màu sắc rực rỡ để truyền thông điệp tới người xem.
Không quá cầu kỳ tinh xảo như những bức sơn dầu của hội họa truyền thống, các bức tranh của Minh Đông đúng như những gì mà các nhà chuyên môn nói về Pop Art. Đó là những bức tranh phản chiếu xã hội.
Minh Đông phơi bày sự đảo lộn giá trị trong bức “Đại hạ giá”, với bối cảnh tại một cửa hàng thời trang, nơi có dòng chữ “Sale off”, nơi mà người thật đứng lẫn các ma-nơ-canh khiến người xem có cảm giác về một xã hội thật giả lẫn lộn.
“Sau cánh gà” lại kể câu chuyện về các chân dài và đại gia, bộ “Hát 1, 2, 3, 4” tái hiện những tệ nạn trá hình trong các quán hát karaoke, ngay cả việc mua bán dâm cũng được thể hiện qua bức “Bóng”.
"Phận" của Đặng Vũ Hà. Ảnh: VnExpress. |
Hai bộ tác phẩm “Đen” và “Hồng” vẽ những gương mặt nữ đẹp đẽ, nhưng lại tạo sự liên tưởng tới những bộ mặt giả tạo, ngụy trang, những người trẻ với lối sống “đeo mặt nạ”.
Và cũng đúng tinh thần của Pop Art, không chỉ có màu sắc rực rỡ, tươi sáng, các bức tranh còn mang nhiều biểu tượng khiến người xem dễ dàng nhận ra, như logo hình ông già đeo nơ của nhãn hàng KFC trong bức “KFC”, hoặc hình ảnh biểu trưng của món Burgers trong bức “Burgers”…
Tất cả đều thể hiện cách sống nhanh, sống vội vã, gấp gáp của giới trẻ. “Đôi mắt” là bức duy nhất trong loạt tranh của Minh Đông có gam màu trầm hơn, với đôi mắt của một đứa trẻ ở vị trí trung tâm bức tranh như ánh nhìn nhức nhối về vấn nạn phá thai, tình dục bừa bãi, không an toàn của giới trẻ.
Cũng thể hiện những mặt trái của cuộc sống đương đại, song Đặng Vũ Hà lại chọn ngôn ngữ của hội họa biểu hiện để thể hiện tác phẩm. Đối ngược hẳn với những màu sắc sặc sỡ, lóa mắt của Minh Đông, Vũ Hà chọn gam màu trầm cho các sáng tác của mình.
Không nhiều nhân vật, hoặc không vẽ lại toàn bộ nhân vật với bối cảnh, không gian, thời gian, tranh của Vũ Hà chỉ đi vào một chi tiết, một bộ phận trên cơ thể, hoặc một hành động.
Chỉ cần một bàn tay ôm lấy mặt trong bức “Hai không” cũng đủ thấy sự suy tư, thất vọng. Chỉ một khuôn miệng với khói thuốc cũng đủ thấy tâm trạng bất cần. Chỉ một đôi chân buông thõng dưới mép giường cũng đủ thấy sự mệt mỏi, buông xuôi…
Rõ ràng, chỉ với một chi tiết, Vũ Hà đã có thể nói lên rất nhiều điều. Chính những tâm trạng ấy, hành động, chi tiết ấy là hệ lụy của cuộc sống vật chất và những tham vọng tạo ra.
Theo Lam Thu
VnExpress