> Phước 'Khùng' với bộ ảnh thông chảy máu
> Phước Khùng với tình yêu Hà Nội
Nghệ sĩ MPK cạnh một tác phẩm vân gỗ. |
Tôi đoán rằng Đà Lạt có số lượng người đi bộ lang thang nhiều hơn các địa phương khác (ở đây tôi loại trừ đi bộ tập thể dục và đi vì mục đích mưu sinh).
Đi vì một chút nắng chiều, đi vì trời đột nhiên trở lạnh, đi vì nghe ai đó nói tết này anh đào nở nhiều hơn mọi năm, đi để ngắm những bộ mặt nhân sinh, đi vì lúy túy trong men rượu nồng bạn hữu...
Đứng đầu danh sách này có lẽ phải nhắc đến gã nghệ sĩ nhiếp ảnh Phước khùng MPK.
Là bạn MPK từ nhỏ, tôi chưa bao giờ thấy hắn tự mình điều khiển được chiếc xe đạp chứ đừng nói tới mô tô xe máy (có thèm tập đâu mà biết).
Bởi vì thế, ở Đà Lạt hằng ngày người ta vẫn thấy một gã trung niên với một mớ râu tóc phong trần và chiếc ba lô sờn cũ lục tung khắp các hang cùng ngõ hẹp của cái thành phố cao nguyên lộng gió này.
Hình như đi bộ cũng là một phương tiện thứ hai sau chiếc máy ảnh để gã dùng chụp bắt những khoảnh khắc mong manh của thế gian này.
Cứ ngồi xe máy phóng vù vù thì làm sao nhìn thấy được sự mộng mị của từng giọt sương, thấy được cái hoang sơ của cỏ dại, thấy được cái hồn nhiên trong ánh mắt côn trùng hay thấy từng giọt nắng tung tăng theo từng bậc thang của cầu thang chợ Đà Lạt... Hắn đi bộ như đi vào cái cõi sâu thẵm của nhân gian!
Và trong những lần đi bộ đó gã đã được thiên nhiên Đà Lạt trả công. Những đứa con tinh thần là sản phẩm hôn phối giữa đất trời Đà Lạt và tài năng nghệ thuật mà gã được thừa hưởng thay nhau lần lượt ra đời.
Vậy mà đã hơn ba chục năm rồi với gần ba chục cuộc triển lãm. Mỗi lần là một đề tài. Hết nắng, gió, sương, côn trùng… lại đến cả những giọt nhựa long lanh ứa ra từ những gốc thông mà ai đó đã vô tình hoặc cố ý triệt hạ, gã đã “khóc” bằng ngôn ngữ của mình trong một lần triển lãm của năm trước có tên là “Ứa” (2011).
Một tác phẩm chụp vân gỗ mang hình khuôn mặt người. |
Năm nay, tiếp nối ý tưởng đó với hình ảnh từ những đường vân uốn lượn trên mặt gỗ thông; trong đó gã nhìn thấy được từng khuôn mặt nhân gian khóc cười, hỉ nộ ái ố… Và những tác phẩm ghi lại vân thông lần lượt ra đời. Tất cả non 100 bức.
Đã có tác phẩm nhưng làm sao để triển lãm? Bởi tìm ra mặt bằng, kinh phí… không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng gã lại có cơ hội trả nợ cho “cha trời mẹ đất” (cách nói của MPK khi nhắc tới nơi chôn nhau cắt rốn của mình) khi gặp được Xuân Quân - Ông chủ của XQ Sử Quán (cơ sở tranh thêu tọa lạc tại 258 - đường Mai Anh Đào - Đà Lạt).
Xuân Quân đã dành cho MPK không phải một mà tới 8 khu vực để trưng bày. Thực sự đây không phải là một cuộc triển lãm thông thường mà là loại ma - ra - tông. Triển lãm cũng không có tên mà chỉ vỏn vẹn là “MPK”.
Những tác phẩm của MPK sẽ xuất hiện tại XQ Sử Quán kéo dài cho tới năm 2013, năm mà người dân Đà Lạt chờ đợi lễ hội 120 năm hình thành và phát triển nên thành phố hoa này.