> Thuê chú rể cưới chạy bầu, vớ được chồng xịn
> Cho thuê chú rể
Sau gần 3 tháng kể từ ngày tổ chức đám cưới giả, chị Phương trở lại làm việc tại một cơ quan ở tỉnh Thừa Thiên - Huế với cái thai gần đến ngày sinh.
Phương vốn rất tin tưởng người yêu nhưng khi biết chị có bầu, anh ta đã ruồng bỏ. Biết cái thai quá lớn không thể phá bỏ nên chị tâm sự với cha mẹ. "Cha mẹ không thể chấp nhận tôi sinh con mà không có chồng nên giải pháp tốt nhất là tìm tới dịch vụ chú rể để hợp thức hóa", Phương tâm sự.
Sau đám cưới, người "chồng" của chị cũng mất bóng với danh nghĩa qua Nhật làm việc trong thời gian dài. Trước khi đi, "vợ chồng" Phương mở tiệc liên hoan mời họ nhà gái và một số bạn bè cùng cơ quan. "Tôi công tác ở xa nên rất ít khi về. Đến khi tôi về quê sinh nở, ai cũng biết chồng tôi đi công tác xa không về được, thế là ổn. Sau này tôi lấy lý do chồng đi nước ngoài rồi lấy vợ bên ấy nên vợ chồng ly dị", Phương suy tính.
Gần 2 năm qua, một trung tâm dịch vụ nhân sự ở TP Huế đã tổ chức đám cưới giả cho hàng chục trường hợp và đều tạo con đường rút lui "êm ấm" cho khách hàng bằng cách như trên. Anh Vũ (đại diện trung tâm) cho biết, việc tổ chức đám cưới phải bài bản, uy tín với khách hàng. Hiện nay, trong danh mục đăng ký kinh doanh không có dịch vụ "cho thuê chú rể" nên trung tâm phải đăng ký kinh doanh tư vấn hạnh phúc gia đình cùng với nhiều dịch vụ đi kèm khác để “lách luật”.
Để có một đám cưới mà chú rể được thuê, trung tâm và khách hàng ký một hợp đồng với danh nghĩa là tư vấn hôn nhân gia đình theo danh mục đăng ký kinh doanh của trung tâm. Ngoài ra, giữa hai bên có hợp đồng riêng, trong đó nêu yêu cầu của khách hàng về việc chú rể, họ nhà trai, cách tổ chức đám cưới, thời gian, các việc cần làm và kinh phí.
"Đây là dịch vụ không gây hậu quả, giúp đỡ được nhiều người và đã ra đời nhiều năm tại TP HCM, Hà Nội. Luật Kinh doanh không có mã ngành này nhưng thực tế, rất nhiều người có nhu cầu nên dịch vụ này tồn tại", anh Vũ phân trần và cho hay, trong quá trình thực hiện hợp đồng, khách hàng và "chú rể" không đụng chạm đến nhau.
Theo luật sư Trần Công Tư, việc tổ chức đám cưới giả mà chú rể được thuê trước hết xuất phát từ nhu cầu của khách hàng, nhằm tránh sự xoi mói của xã hội để sinh con thì đây là việc làm tốt, không lừa lọc nên chẳng gây hậu quả cho ai. Tuy nhiên, việc tổ chức đám cưới như vậy thì trái với quy định của pháp luật vì đám cưới giả không có kết hôn, trong khi những dịch vụ này đến nay chưa được công nhận.
Ông Tư khẳng định, Luật Hôn nhân và Gia đình quy định, giữa hai người chỉ được công nhận là vợ chồng khi đã đăng ký kết hôn; không quy định giữa hai người yêu nhau, khi đăng ký kết hôn thì phải tổ chức đám cưới.
"Việc tổ chức đám cưới hay không, tổ chức trước hay sau đăng ký kết hôn và mời bao nhiêu khách thì luật không quy định. Thực tế, nhiều người đã đăng ký kết hôn nhưng không tổ chức đám cưới. Cưới trước, sau đó mới đăng ký kết hôn cũng là quyền của mỗi người. Luật chỉ công nhận họ là vợ chồng khi có đăng ký kết hôn và chỉ quy định xử phạt những trường hợp tổ chức đám cưới nhưng một trong hai người đã có gia đình", luật sư Tư phân tích.
Nhưng ông Tư cũng cho rằng, một đám cưới thuê chú rể thì về mặt nào đó có thể vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, cơ quan chức năng có thể xử phạt được hay không thì tùy thuộc việc đó có gây ra hậu quả nghiêm trọng; gây hậu quả nghiêm trọng nhưng tùy thuộc mức độ như thế nào mới có thể bị xử phạt hành chính, dân sự hay hình sự...
Còn đối với thỏa thuận riêng giữa hai bên trong việc tổ chức đám cưới giả thì hợp đồng này không có hiệu lực vì trái với pháp luật. Trong trường hợp giữa hai bên xảy ra tranh chấp đòi bồi thường thì có thể khởi kiện ra tòa. Khi đó, hai bên có trách nhiệm “phục hồi nguyên trạng” như trước.
Theo Người Lao động