Một số phương tiện chiến đấu ấn tượng tại triển lãm an ninh

Súng bắn tỉa Victrix Pugio, Gladius và Corvus được trưng bày tại gian hàng của Beretta. Ảnh: Thái An
Súng bắn tỉa Victrix Pugio, Gladius và Corvus được trưng bày tại gian hàng của Beretta. Ảnh: Thái An
TPO - Tại Triển lãm quốc tế về an ninh 2018 (Homeland Security Expo Vietnam 2018) diễn ra ngày 3-4/10 ở Hà Nội với sự tham dự của 100 đơn vị đến từ nhiều nước, một số phương tiện chiến đấu hiện đại, hiệu quả, tiện dụng đã được trưng bày, giới thiệu chi tiết.

Đông đảo khách tham quan dành nhiều thời gian trước gian hàng của Beretta - nhà sản xuất linh kiện súng lâu đời nhất thế giới còn hoạt động (thành lập vào thế kỷ 16). Khách thích thú thao tác với bộ ba súng bắn tỉa Victrix của nhà sản xuất đến từ Ý, gồm Pugio Mille, Gladius Mille và Corvus Mille.

Bộ ba súng bắn tỉa

Bà Bùi Thị Xuân Phụng, quản lý tài chính của công ty Asia Security Technology, giới thiệu, cả Pugio và Gladius đều có cỡ nòng .308 Win (7.62 x 51 mm), nòng dài 660 mm, tầm bắn hiệu quả lên tới 1.200 m (tốc độ siêu thanh tới 800 m), độ chuẩn xác cao với độ lệch chỉ có 0,5 MOA (súng trường thường có độ lệch 3-6 MOA, súng bắn tỉa trong quân đội 1-3 MOA, súng bắn tỉa trong lực lượng thi hành công vụ 0,25-1,5 MOA), nặng trên dưới 6kg.

Một số phương tiện chiến đấu ấn tượng tại triển lãm an ninh ảnh 1 Súng bắn tỉa Victrix Gladius nặng 6,7 kg

Khẩu Corvus trông “hầm hố” hơn có cỡ nòng to hơn - .50 BMG (12.7x99 mm), nòng dài hơn - 686 mm, tầm bắn hiệu quả xa hơn - 1.800-2.000 m, độ lệch tương đương (0,5 MOA) và nặng gấp đôi - 13kg.

Ngoài súng bắn tỉa Victrix, Beretta còn đem đến Homeland Security Expo Vietnam 2018 súng tiểu liên ARX160, súng ngắn APX và súng ngắn Px4 Storm.

Nòng ARX160 có thể nhanh chóng tháo rời trên thực địa, thay nòng khác, dùng loại đạn khác. Báng súng cũng được thiết kế linh hoạt: mở ra dài 900 mm, rút lại 840 mm và gập lại 680 mm. ARX160 có cỡ nòng 7,62 x 39 mm, tốc độ bắn 850 ± 50 viên/phút, thước ngắm dài 420 mm, nặng 3,5 kg (với hộp tiếp đạn rỗng). Súng có chế độ an toàn thủ công cho người dùng thuận tay trái và tay phải.

Một số phương tiện chiến đấu ấn tượng tại triển lãm an ninh ảnh 2 Bà Bùi Thị Xuân Phụng với súng tiểu liên ARX160. Ảnh: Thái An

Súng ngắn APX dùng băng đạn Parabellum 9 x 19 mm (17 viên), thân súng làm bằng vật liệu nhựa tổng hợp Techno-polymer gia cố sợi thủy tinh, nòng làm bằng vật liệu thép phủ ni-tơ hóa màu đen, có thể tháo lắp, điều chỉnh bộ phận ngắm trước (đầu ruồi) và sau. Súng có tầm bắn hiệu quả ≤ 50m, độ bền nòng 45.000 phát bắn.

Một số phương tiện chiến đấu ấn tượng tại triển lãm an ninh ảnh 3 Súng ngắn APX và Px4 Storm. Ảnh: Thái An

Áo giáp nổi trên mặt nước

Tại triển lãm, Công ty Force 21 đến từ Singapore gây ấn tượng với khách tham quan với sản phẩm áo giáp, trong đó có áo giáp thiết kế cho cảnh sát biển.

Áo giáp màu đen dành cho cảnh sát biển có khả năng chống đạn level 3A theo tiêu chuẩn Mỹ, kèm theo phao nổi và thiết kế hỗ trợ việc hoạt động trên biển, nặng dưới 3 kg tuỳ theo thiết kế cụ thể.

Một số phương tiện chiến đấu ấn tượng tại triển lãm an ninh ảnh 4 Áo giáp kiêm áo phao (màu đen) được thiết kế dành cho cảnh sát biển. Ảnh: Thái An

Trong khi đó, một sản phẩm nặng hơn (dưới 5kg), áo giáp màu xanh cũng có khả năng chống đạn level 3A, có thể nâng cấp được. “Lớp chống đạn cơ bản chống được đạn súng ngắn; nếu thêm miếng tăng cứng bằng vật liệu đặc biệt, bản quyền của Force 21, thì có khả năng nâng cấp chống đạn súng trường”, bà Karen Đặng Bích Huyền, Giám đốc phụ trách Force 21 Việt Nam, cho biết.

Một số phương tiện chiến đấu ấn tượng tại triển lãm an ninh ảnh 5 Áo giáp chống đạn súng ngắn. Ảnh: Thái An
Một số phương tiện chiến đấu ấn tượng tại triển lãm an ninh ảnh 6 Nếu được bổ sung các miếng vật liệu mỏng, mềm (màu vàng), áo giáp xanh có thể chống lại đạn súng trường. Càng nhiều miếng tăng cứng thì áo giáp càng chắc. Ảnh: Thái An

Bảo vệ đại dương, bảo vệ tương lai

Tại triển lãm, BrahMos Aerospace, liên doanh giữa Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng của Ấn Độ và đơn vị thiết kế tên lửa NPO Mashinostroyenia, giới thiệu hệ thống tên lửa hành trình siêu thanh tầm trung BrahMos có thể phóng từ tàu ngầm, tàu nổi, máy bay hoặc trên đất liền. BrahMos là từ ghép từ tên 2 con sông Brahmaputra ở Ấn Độ và sông Moskva ở Nga.

BrahMos được đánh giá là tên lửa hành trình chống tàu nhanh nhất thế giới đã đi vào hoạt động. Tên lửa có tầm bắn 300 km, bay với tốc độ siêu thanh Mach 2.8-3.0 (3.457-3.704 km/h) và đang được nâng cấp để đạt tốc độ Mach 5 (6.174 km/h). Tốc độ siêu thanh là tốc độ chuyển động của vật thể lớn hơn tốc độ âm thanh trong cùng môi trường. Trong không khí ở điều kiện thường, các tốc độ lớn hơn hoặc bằng Mach 1 (343 m/s hay 1.235 km/h với không khí ở mực nước biển tại 20 độ C) là tốc độ siêu thanh. Tốc độ lớn hơn Mach 5 gọi là cực siêu thanh. BrahMos Aerospace đang phát triển phiên bản BrahMos-II với tốc độ cực siêu thanh Mach 7-8 (8.644-9.878 km/h). 

Một số phương tiện chiến đấu ấn tượng tại triển lãm an ninh ảnh 7 Hình ảnh giới thiệu tên lửa siêu thanh BrahMos tại triển lãm với nội dung “Bảo vệ đại dương là bảo vệ tương lai”. Ảnh: Thái An
Một số phương tiện chiến đấu ấn tượng tại triển lãm an ninh ảnh 8 Mô hình bệ phóng di động dành cho tên lửa Brahmos được đặt trước hình ảnh với nội dung “Định nghĩa lại chiến trường tương lai: Nhiều mục tiêu, một tên lửa”. Ảnh: Thái An

Ngoài phương tiện chiến đấu, Triển lãm quốc tế về an ninh 2018 (do Cục Trang bị và kho vận – Bộ Công an tổ chức) còn trưng bày, giới thiệu các hệ thống kiểm soát biên giới, hệ thống giám sát, hệ thống kiểm soát đột nhập, phòng cháy chữa cháy, an ninh mạng, phương tiện hàng hải, kiểm soát và hỗ trợ giao thông, hệ thống quang học, thiết bị bảo hộ…

MỚI - NÓNG