Một 'sân khấu', hai vai 'chèo'

Một 'sân khấu', hai vai 'chèo'
TP - Là TGĐ VPF nhưng ông Viễn lại gửi văn bản phản đối việc khiếu nại Kết luận của Thanh tra Bộ VH-TT&DL. Giữ chức Phó CT VFF, ông Viễn bị người thân AVG cho là đi bênh VPF vì lên tiếng phủ nhận quyền sở hữu duy nhất của VFF với thương truyền truyền hình.

VFF phải sớm trình Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp và Điều lệ
> Ông Viễn bị rút khỏi VPF?

Kể đủ ra, thì những người rơi vào hoàn cảnh như TGĐ Phạm Ngọc Viễn ở VPF còn cả Phó CT VFF Lê Hùng Dũng, hay nhẹ ký hơn như kế toán trưởng Đinh Thu Trang, những người đang đại diện cho phần vốn góp của VFF ở VPF. Ông Dũng có lúc trao đổi thân tình, nói vui mà cũng có phần thật “nhiều khi không biết là ở vai nào”.

Quả tình, so với ông Viễn, ông Dũng còn lằng nhằng hơn: Phó chủ tịch tài chính VFF, Chủ tịch HĐQT Eximbank (nhà tài trợ V.League) và giờ lại thêm cả Phó chủ tịch HĐQT VPF.

Nhưng ở đây chỉ nói đến chuyện ông Phạm Ngọc Viễn.

Rất nhiều thông tin thời gian qua về VPF, VFF liên quan tới cá nhân ông Viễn. Tốt có, xấu không ít. Là TGĐ VPF nhưng ông Viễn lại gửi văn bản phản đối việc VPF khiếu nại Kết luận của Thanh tra Bộ VH-TT&DL. Giữ chức Phó CT chuyên môn VFF, ông Viễn bị người thân AVG cho là đi bênh VPF vì lên tiếng phủ nhận quyền sở hữu duy nhất của VFF với thương quyền truyền hình.

Kể cũng khó cho ông cựu TTK VFF, xuất thân là nhà khoa học và xưa nay cũng chỉ chuyên nhiệm vụ chuyên môn. Vị trí của ông Viễn bình thường vốn đã nhạy cảm, nay càng trở nên khó khăn khi VPF-VFF sinh chuyện căng thẳng. Chỗ này, chỗ nọ lập tức chỉ trích ông Viễn là người thiếu chính kiến, làm dưới sức ép của VFF.

Hôm qua đem chuyện hỏi, ông Viễn bộc bạch có vẻ không được vui: “Việc tôi nói thương quyền truyền hình thuộc về VFF và cả các CLB chuyên nghiệp, FIFA và Điều lệ VFF đều ghi rõ. Mục 74.1 Điều lệ VFF đã khẳng định VFF và các thành viên, trong đó có các CLB bóng đá chuyên nghiệp là chủ sở hữu đầu tiên đối với các quyền lợi phát sinh từ giải đấu.

“Tới lúc này Liên đoàn còn chưa có ai trách hay nói gì tôi chuyện này, tức là tôi nói đúng. Ở đây mình chỉ bảo vệ cái đúng, chứ không bênh vực bên nào. Còn chuyện không đồng tình với việc VPF khiếu nại kết luận thanh tra, tôi thực hiện với tư cách Phó chủ tịch VFF. Liên đoàn không bắt buộc tôi phải ký công văn đó, mà mình làm vì tuân theo tập thể. Phải rạch ròi ý kiến cá nhân với quyết định của tập thể. Nói tôi không có chính kiến là không xác đáng”.

Do đâu những chuyện rõ ràng như vậy lại trở nên rối rắm như thời gian vừa qua. VFF khi đặt bút ký vào bản hợp đồng có thời hạn 20 năm, quá khủng nếu so với thông lệ thường thấy trên thế giới, hẳn đã không lường được có lúc (mà rất nhanh) lại dẫn đến những hệ lụy như hiện nay.

AVG rõ ràng không sai nếu đứng ở góc độ một đơn vị kinh doanh biết chớp thời cơ, mua được một món hàng với giá hời. Bản hợp đồng trên đã được Thanh tra kết luận là đúng luật và nếu còn những điểm chưa chuẩn như ý kiến của VPF, thì các điểm sai dễ nhìn đều xuất phát từ lỗi của VFF: bán cả thương quyền các ĐTQG, không xin ý kiến các thành viên đồng sở hữu, không chào giá công khai.

Có một câu hỏi mà từ đại diện của Bộ VH-TT&DL như Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Tô Văn Động hay Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đều đã không thể đưa ra được một câu trả lời trực diện vào nội dung, là có hay không Bộ (hoặc VFF) sẽ ủng hộ VPF nếu công ty này thỏa thuận được một bản hợp đồng mới có lợi hơn nhiều lần so với hợp đồng của VFF với AVG.

Là ai đã khiến những người như ông Dũng hay ông Viễn rơi vào cảnh phải chọn một trong hai chiến tuyến hoặc cùng lúc phải đóng cả hai vai chèo. Mà vai nào dường như cũng khó trọn vẹn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG