‘Một người đẹp cần cả trái tim và trí tuệ tỏa sáng’

Thí sinh Phạm Thị Minh Châu (SBD 335) và Lê Thanh Tú (SBD 146) trải nghiệm cấy lúa cùng bà con dân bản.
Thí sinh Phạm Thị Minh Châu (SBD 335) và Lê Thanh Tú (SBD 146) trải nghiệm cấy lúa cùng bà con dân bản.
TPO - Đó là chia sẻ của thí sinh Phạm Thị Minh Châu (SBD 335) trong quá trình thực hiện dự ái nhân ái phía Bắc cuộc thi HHVN 2018.

Cũng như các thí sinh Chung khảo phía Nam, những người đẹp xuất sắc lọt vào vòng Chung kết toàn quốc của khu vực Phía Bắc đã bắt tay ngay vào hành trình nhân ái. Dưới đây là những chia sẻ của thí sinh Phạm Thị Minh Châu (SBD 335) về quá trình thực hiện dự án nhân ái “Bước Chân Vui”, cải tạo trường mầm non thôn lắp I, xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Ngày 1: Hành trình nhân ái bắt đầu

Sau hành trình dài hơn 600km từ Nghệ An ra Hà Nội, rồi lên Hà Giang, hành trình nhân ái của Hoa hậu Việt Nam 2018 đã cho em cơ hội lần đầu được đặt chân đến mảnh đất xinh đẹp nơi địa đầu Tổ quốc. Cảnh tượng thiên nhiên trong trẻo và núi non hùng vĩ bạt ngàn thu vào tầm mắt, cũng như con người hiền lành, chất phác nơi đây là những ấn tượng đầu tiên ghi dấu cuộc hành trình. Đây chắc chắn sẽ là chuyến đi thiện nguyện ở tỉnh xa đáng nhớ nhất với em.

Ở đây, em bắt tay vào làm những công việc lao động giúp xây dựng và cải tạo trường mầm non ở thôn Lắp I, xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên. Tuy đã được nhìn thấy hình ảnh ngôi trường qua bức hình trong lễ bốc thăm dự án nhưng em vẫn sửng sốt khi tận mắt chứng kiến. Ngôi trường đã xuống cấp trầm trọng và không đủ điều kiện học tập. Từ đó em cũng thấu hiểu sâu sắc khó khăn của các em học sinh và nỗi trăn trở của các phụ huynh khi năm học mới đang gõ cửa từng căn nhà trên bản.

Ngôi trường dành cho trẻ mầm non từ rất nhỏ tuổi đến 4, 5 tuổi nhưng sự an toàn, sạch sẽ tối thiểu cho các em thì vẫn còn rất hạn chế, từ mái nhà rất nóng vào mùa hè, hàng rào nay đã không còn nguyên vẹn và những bức tường xung quanh thì hoen mốc.

Em thật sự nôn nóng và muốn bắt tay ngay vào việc cải tạo ngôi trường. Tạm cất đi những bộ đầm lộng lẫy và bước ra phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ của đêm chung khảo ở Cửa Lò, em và các bạn đã đi, đã dấn thân và thấu hiểu được mục đích quan trọng nhất của cuộc thi, đó là mang lại lợi ích cho cộng đồng. Một người đẹp không chỉ cần vẻ ngoài mà còn cần cả trái tim và trí tuệ tỏa sáng. Trái tim để cảm thông và thấu hiểu những hoàn cảnh khó khăn. Trí tuệ để tìm ra giải pháp khắc phục và hỗ trợ hoàn cảnh đó, để mỗi nơi em đặt chân đến và gieo những mầm cây nhân ái, nơi ấy nụ cười và hạnh phúc sẽ đâm chồi.

Ngày thứ 2: Những trải nghiệm đáng nhớ

Trong ngày thứ 2 của cuộc hành trình, em đã được học và trải nghiệm trực tiếp nghề nông, với hoạt động nhổ mạ và cấy mạ. Buổi đi cấy mạ ngày hôm nay khiến em nhớ lại câu ca dao thuở bé được học “Người ta đi cấy lấy công/Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề”.

Khi bắt tay vào làm việc em mới cảm nhận và đồng thời biết ơn sự vất vả, nhọc nhằn của người nông dân. Khi không có bất cứ sự hỗ trợ nào về công nghệ, tất cả đều lao động thủ công tay chân, người nông dân nơi đây phải cần cù, chịu khó hơn bao giờ hết. Hơn nữa, thời tiết khắc nghiệt vừa mưa vừa nắng khiến công việc đi nhổ mạ và cấy mạ khó khăn hơn nhiều.

Tưởng chừng như buổi làm ruộng sẽ rất gian nan, vất vả nhưng những câu nói vui đùa trên đồng ruộng, những lời chia sẻ của các cô, các bác thực sự đã làm giảm bớt mệt nhọc của một ngày lao động khó quên trong đời em.

Em đã tìm hiểu thêm và trò chuyện với bác Ban, bác đã nhiệt tình dạy em cách nghiêng cây mạ để nhổ dễ hơn, hay phải cấy mạ sao cho đều nhau. Tuy đã 62 tuổi và làm công việc nặng nhọc nhưng bác vẫn nụ cười luôn hiền hậu nở trên môi. Đôi chân bác đi trên những bùn lầy thoăn thoắt dù trên vai gánh hai giỏ mạ. Khi ngắm hình dáng ấy, em đã phải cố gắng để ngăn lại sự xúc động đang chực dâng trào trong mắt.

Vất vả là thế, nhưng bác cũng không mong gì hơn ngoài một ngôi trường mới cho cháu nội năm nay mới 4 tuổi. Với dự án “Bước chân vui”- cải tạo lại trường mầm non thôn Lắp I, em mong sẽ góp được chút công sức bé nhỏ của mình để san sẻ bớt nỗi lo cho người dân nơi đây, để họ có thể chuyên tâm làm việc, lo cho gia đình và các em những bữa ăn tươm tất có cơm, có thịt, những điều kiện sống tốt hơn nơi thôn bản xa xôi.

Ngày 3: Lên nương

Hành trình hôm nay đưa em đến với câu chuyện nhà anh Quỳ. Hoàn cảnh gia đình rất đặc biệt, không chỉ thiếu thốn về mặt vật chất mà ngôi nhà anh còn vắng bóng bàn tay chăm chút của người vợ, người mẹ.

Vợ anh Quỳ bỏ đi từ khi mới sinh con. Một mình anh Quỳ vừa làm việc kiếm tiền vừa chăm con nhỏ. Những ngày mưa lớn hay nắng gắt, anh Quỳ thường phải bỏ việc để ở nhà trông bé Cường. Chính điều này đã thôi thúc em và các bạn hoàn thành dự án nhanh hơn để mái trường mới sẽ là nơi an toàn để ba mẹ các em yên lòng gửi gắm.

Vào những ngày cuối của dự án, khi mái trường mới đã dần hình thành, em và các bạn đã có một chuyến đi qua các nhà dân xung quanh để mời bà con về dự lễ bàn giao. Lấp lánh trong mắt các cô, các bác là niềm vui và hứng khởi về sự thay đổi rõ rệt của ngôi trường. Các bé cũng rất háo hức với nụ cười thanh khiết trên môi và cùng bố mẹ đến xem trường mới.

Tất cả cùng hy vọng vào một tương lai rộng mở hơn đang chờ đợi bên trong bức tường còn thơm mùi ngói mới”.

Dự án Bước chân vui: Cải tạo trường mầm non thôn Bản Lắp 1, xã Phú Linh, huyện Vị Xương, tỉnh Hà Giang với sự tham gia của các thí sinh:

335 Phạm Thị Minh Châu

356 Hà Thanh Vân

146 Lê Thanh Tú

548 Trần Ngọc Lâm

295 Đặng Thị Trúc Mai

MỚI - NÓNG