> Giải cứu toàn bộ thợ mỏ Chile mắc kẹt
Kí ức ám ảnh
Cách đây đúng một năm (ngày 5 - 8 - 2010), vụ sập hầm tại mỏ đồng và vàng San Jose, Chile khiến 33 thợ mỏ ở độ sâu 700m không kịp thoát thân. Tưởng rằng họ đã thiệt mạng nhưng thật may mắn, sau 69 ngày bị chôn sống dưới hầm mỏ, toàn bộ đã được giải cứu an toàn trong niềm hân hoan của đất nước Chile, cũng như cả thế giới.
Mặc dù sau khi lên mặt đất, họ được đưa đến các bệnh viện lớn để phục hồi sức khỏe, nhưng những ám ảnh về 69 ngày sống dưới hầm mỏ, thiếu không khí, thức ăn.. vẫn đeo bám họ. Nhiều người bị ảnh hưởng thần kinh, thị lực giảm, thể chất bị tiêu hao.
Trở về nhà tại thị trấn Copiapo, hầu hết những thợ mỏ này vẫn sống trong ngôi nhà xiêu vẹo. Những cơn gió lạnh hay những ngày nắng như lửa đốt vẫn dày vò cơn đau của họ đến tận bây giờ.
Jose Ojeda, một trong số 33 người "chết đi sống lại" đã quay về công việc ở hầm mỏ. Bây giờ, anh làm công việc gần mặt đất, cứ hai phút lại quay lên mặt đất một lần.
“Tôi không thể ở dưới hầm mỏ. Tôi cảm thấy ngạt thở và chóng mặt. Những chấn thương từ vụ tai nạn năm ngoái thỉnh thoảng vẫn làm tôi mệt mỏi" - anh chia sẻ.
Còn Pablo Rojas, 47 tuổi, cho biết, hàng đêm vẫn không tránh khỏi những cơn mê sảng, ác mộng về vụ sập đổ hầm mỏ.
33 thợ mỏ tại một bệnh viện sau khi được giải cứu. |
Bồi thường
Trong khi đó, chính phủ Chile dường như quên những tổn thương mà thợ mỏ phải gánh chịu. Nhiều người cho rằng, họ giàu lên nhờ vào khoản tiền bồi thường của chính phủ. Trên thực tế, hầu hết thợ mỏ Chile vẫn chưa nhận được gì. Những chuyến du lịch miễn phí và một số quà cáp là “bồi thường” mà họ nhận được trong năm qua.
Edison Pena, một trong 33 thợ mỏ thoát chết cho biết: “Tôi đã không đi du lịch, vì sợ phải tốn thêm tiền, mặc dù biết là mọi chi phí đều được trợ cấp. Nhiều khi tôi nghĩ, nếu chúng tôi vẫn mắc kẹt dưới hầm mỏ, biết đâu sau cây thánh giá bia mộ, hình ảnh chúng tôi còn được coi trọng hơn bây giờ”.
Vấn đề tài chính ảnh hưởng tới cuộc sống của những thợ mỏ này. Theo lời hứa của tổng thống Sebastian Pinera, tất cả 33 người đó sẽ được nhận trợ cấp 430 USD/ tháng. Tuy nhiên, đó vẫn là lời hứa.
Chiếc mũ lao động của thợ mỏ tại buổi triễn lãm ở Washington (Mỹ). |
Kiện chính phủ
Ngày 16 - 7 vừa qua, 33 thợ mỏ đã nộp đơn kiện đòi chủ mỏ đã phá sản bồi thường 10 triệu USD, đồng thời đòi chính quyền trả 17 triệu USD vì không thực hiện đúng quy định về an toàn lao động. Tuy nhiên, đến nay, họ vẫn chưa được bồi thường.
Thợ mỏ Omar Reygadas phát biểu trước báo giới: “Chúng tôi không phải kiện vì tiền, cũng không phải để chống đối chính quyền tổng thống Sebastian Pinera vì đã không giữ đúng lời hứa, mà chúng tôi muốn lên tiếng để mong muốn cơ quan chức năng ngăn chặn những tai nạn tương tự sẽ tái diễn”.
Dường như, chính quyền sẵn sàng chi trả nhưng con số cụ thể còn phải chờ thời gian thương lượng. Nhóm thợ mỏ cũng chưa được hưởng lợi với những thỏa thuận viết sách về họ.
Ngày 25 - 7, nhà sản xuất phim Mike Medavoy và đại diện của 33 thợ mỏ Chile sống sót và được cứu sau 69 ngày đêm bị kẹt dưới hầm mỏ, ra thông cáo cho biết, đã ký kết thỏa thuận về bản quyền để chuyển tải câu chuyện độc đáo này thành tác phẩm điện ảnh. Dự tính, bộ phim sẽ được khởi quay vào đầu năm 2012, nhưng vẫn chưa rõ hãng phim nào thực hiện, cũng như ngân sách của toàn bộ tác phẩm điện ảnh này. Lại thêm một lời hứa mây gió với những người thợ mỏ.
Tổng thống đã lên kế hoạch cho một buổi kỷ niệm nhân dịp tròn một năm giải cứu các thợ mỏ tại phía bắc Copiapo. Tuy nhiên, một số chính trị gia không ủng hộ việc này, vì lý do chính phủ không thực hiện đúng các quy định về an toàn hầm mỏ.
“Chúng tôi sẽ không tham gia buổi lễ kỷ niệm này vì đây chỉ là nghi thức chính trị và truyền thông mà thôi. Điều chúng tôi cần là những quy định an toàn lao động hầm mỏ cho công nhân” - thị trưởng thành phố Caldera, ông Brunilda Gonzalez bày tỏ.
Nguyễn Thủy tổng hợp