Những hải trình nhọc nhằn
Anh Nguyễn Văn Tư, kể: “Chuyến biển của tui kéo dài 11 ngày, xuất phát đúng ngày 29-5, ra tới tọa độ 17o30/ Bắc – 109o20/ Đông thì gặp sự cố lần đầu tiên tui mới thấy. Nhiều tàu cá Trung Quốc đứng dàn hàng ngang, có cả một tàu ngư chính hậu thuẫn. Tui giật mình, sao có hiện tượng lạ kỳ thế này. Sau đó, qua ICOM, mấy thuyền trưởng khác cho biết, họ án ngữ đó lâu rồi.
Lúc đó là ban ngày, thấy tàu tui, họ truy đuổi, không cho đi qua vùng biển đó. Ngặt nỗi, đó là con đường duy nhất để đến được luồng cá ở Hoàng Sa, thuộc vùng biển của ta mà ngư dân hay đánh bắt. Mấy lần trước, họ chỉ đứng xa xa một tàu. Nhưng giờ đây, họ trực suốt, hễ thấy tàu cá Việt Nam là họ đẩy trở lui”.
Theo anh Tư, hiện tượng cắt đường ra biển của tàu Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam xuất hiện khoảng 1 tháng trở lại đây, tại 2 tọa độ chính là 17o00/ Bắc – 110o20/ Đông và 17o30/ Bắc – 109o20/ Đông. “Trước đây chúng tôi vẫn gặp tàu ngư chính, lúc thì họ xua đuổi, tịch thu, có lúc thì họ cho đi. Nhưng giờ đây, bất kể giờ nào, tàu mình cũng không thể vượt qua tọa độ đó nữa” – Anh Tư nói.
Thuyền trưởng Lê Xuân Dũng kể: Lúc đó khoảng 14h chiều 5-6, mới chạy đến vùng biển cách tọa độ trên khoảng 20 hải lý thì đụng tàu ngư chính Trung Quốc. Tọa độ trên thuộc vùng biển Việt Nam, thế mà họ truy đuổi quyết liệt.
Tàu ngư chính là tàu sắt, màu trắng xanh, công suất lớn, có vũ khí. Lúc đó họ chỉ đẩy đuổi, không cho tàu mình vượt qua. Tàu ĐNA 90406 của thuyền trưởng Nguyễn Văn Dũng cũng chung số phận như hai tàu trên, mới ra khơi đã gặp ngay bình phong án ngữ trước thềm biển chung.
Không rời Hoàng Sa
Theo thuyền trưởng Lê Nam và thuyền trưởng Lê Văn Chiến, dù khó khăn nhường nào, khi đã quyết, ngư dân vẫn luôn bám biển Hoàng Sa, nơi có những mẻ cá lớn, nơi nhiệm vụ giữ vững chủ quyền luôn được các anh ghi sâu. Thuyền trưởng Lê Nam cho hay, chuyến biển trở về trong những ngày vừa rồi, tàu nào cũng dính vào chuyện bị tàu Trung Quốc án ngữ dọa nạt, đẩy đuổi trở lui.
“Họ tính toán rất kỹ, theo tôi, khi họ ngại mang tiếng cướp bóc, dùng bạo lực với ngư dân thì chuyển sang cắt đường biển. Cốt yếu là làm cho bà con mình nản lòng, rồi bán tàu chuyển nghề. Lúc đó, biển Đông coi như thuộc về họ” - Thuyền trưởng Lê Xuân Dũng nói. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Dũng khảng khái: “Không cách này thì cách khác, chúng tôi không chấp nhận thua cuộc. Thực ra, ngư dân chúng tôi muốn được ra khơi đánh bắt an toàn trên vùng biển của mình”.
Từ ngày 1-6, Vùng Cảnh sát Biển 2 đã điều 2 tàu túc trực 24/24 giờ hằng ngày để cơ động trong mọi tình huống, giúp ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản.
Cả ba thuyền trưởng mới trở về từ Hoàng Sa cho hay, họ vẫn sẽ tiếp tục ra ngư trường quen thuộc và sẽ tiếp tục thông báo cho lực lượng Biên phòng nếu phát hiện tàu lạ.
Thuyền trưởng Lê Văn Chiến (ĐNA 90531) tâm sự: Chúng tôi quyết bám ngư trường, vùng biển Hoàng Sa chẳng phải vì một áp lực nào, mà đó là mệnh lệnh từ trong tim. Giữ ngư trường cho ai? Trước hết là cho ngư dân, sau nữa bởi đó là vùng biển của ông bà, tổ tiên ta”.
Giọng nói đanh thép, ánh mắt của thuyền trưởng Chiến nhìn ra biển đầy quyết tâm. Tôi hiểu vì sao Bộ Tư lệnh BĐBP và BP Đà Nẵng tặng huy hiệu anh hùng cho anh. Còn Đồn BP 248 coi anh như một cầu nối tin cậy.
Thiếu tá Trần Hữu Thanh - Đồn trưởng đồn BP 248 (BP Đà Nẵng) cho hay, với những biểu hiện mới, ngư dân cần bình tĩnh, tự tin ra khơi đánh bắt. Anh em biên phòng luôn sát cánh bên ngư dân. Những khó khăn nhất thời hiện nay thường xảy ra ở vùng biển chung, rất nhạy cảm nên cần kiểm tra kỹ lưỡng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Quang Trung - Chỉ huy trưởng Cảnh sát biển vùng 2, bày tỏ, ngư dân nên cùng nhau ra khơi thành từng tốp,
để giúp đỡ, phối hợp với nhau. Nếu đi đơn lẻ sẽ dễ dàng bị bắt nạt hơn. Cũng theo Đại tá Trung, trước tình hình phức tạp ở biển Đông, các lực lượng Hải quân, Cảnh sát Biển đã tăng cường hoạt động tuần tra trên biển và tổ chức các điểm trực ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quý... nhằm hỗ trợ, giúp ngư dân yên tâm đánh bắt. n
Ghi chép của Nam Cường