Những cảnh "nóng" trong phim được chấp nhận...Nguồn TN |
Trong công văn số 967/CV - Sở VH-TT do Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM Nguyễn Tuấn Việt ký gửi Hội Mỹ thuật TP.HCM ngày 18.4.2007 có đoạn:
"Nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam là nét đẹp kín đáo. Các bức ảnh triển lãm đều chụp cận cảnh và phô diễn những đường nét nhạy cảm nhất của người phụ nữ nên việc triển lãm này đến công chúng là không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam", và đó là lý do phía Sở từ chối cấp phép triển lãm ảnh mang tên Closer của họa sĩ Nguyễn Kim Hoàng.
Thực tế, những bức ảnh thể hiện "những đường nét nhạy cảm nhất của người phụ nữ" được mô tả trong công văn của Sở VH-TT TP là những bức ảnh cận cảnh các bộ phận như cằm, cánh tay, vai, lưng, khuỷu tay, ngực... mà ông Uyên Huy - Phó tổng thư ký Hội Mỹ thuật TP.HCM cho rằng: "Đây là những hình ảnh rất đẹp về đường nét thôi chứ tuyệt nhiên không có sự dâm ô, gợi dục hay vi phạm thuần phong mỹ tục gì hết. Có lẽ đây là những hình ảnh được chụp gần nên phía Sở tỏ ra dè dặt...".
Họa sĩ Nguyễn Kim Hoàng cũng trình bày rằng trong số những bức ảnh triển lãm, cô sẵn sàng loại đi những bức ảnh nào mà phía cơ quan quản lý yêu cầu. Nhưng cô đã thật sự bất ngờ khi tác phẩm của mình bị từ chối với lý do "không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam".
...trong khi những bức ảnh như thế này bị xem là không phù hợp thuần phong mỹ tục - ảnh: T.L |
Sự việc cuộc triển lãm của Nguyễn Kim Hoàng bị từ chối một lần nữa cho thấy, ảnh khỏa thân có thể triển lãm xen kẽ với các thể loại khác, nhưng để có một triển lãm chuyên đề hay một quyển sách về ảnh khỏa thân thì... vẫn chưa được phép.
Thái Phiên - nhiếp ảnh gia chụp nhiều ảnh khỏa thân - nhận xét: "Ảnh khỏa thân đã có hàng trăm năm trên thế giới, nhưng nếu bây giờ tôi tập hợp những bức ảnh đã đăng báo, đã đoạt giải các cuộc thi... thành một triển lãm chuyên đề hay ra sách thì chưa chắc người ta đã ký cấp phép. Những triển lãm như vậy thường gây dư luận hai chiều, trong khi cơ quan quản lý luôn sợ đối phó với những ý kiến trái ngược...".
Nhưng có công bằng không khi những bộ phim gần đây như Đẻ mướn, Khi đàn ông có bầu, Áo lụa Hà Đông, Chuông reo là bắn... không thiếu những cảnh "nóng", trong khi thể loại ảnh khỏa thân thì vẫn thập thò, khép nép bên "cánh cửa" thuần phong mỹ tục?
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN Chu Chí Thành: Không ai cấm đoán đề tài khỏa thân cả !
Trên thế giới, ảnh khỏa thân là một loại hình như bao loại hình nhiếp ảnh khác, nhưng tại sao ở ta ảnh khỏa thân cứ là đề tài "nhạy cảm” với thuần phong mỹ tục? Chúng tôi đã trao đổi với ông Chu Chí Thành - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (NSNA VN) về vấn đề này.
* Không phải là cổ súy, nhưng ít nhất đề tài khỏa thân cũng phải được đối xử bình đẳng như bao đề tài khác. Lý do gì các cơ quan quản lý vẫn e ngại đề tài này, thưa ông?
- Thực tế trong nhiếp ảnh và hội họa, cả Bộ VH-TT hay Hội NSNA VN không ai cấm đoán đề tài khỏa thân. Tuy nhiên ở các địa phương có lẽ họ chưa phân biệt được đâu là cái tục, đâu là cái thanh trong đề tài khỏa thân, thành ra họ ngại, không cho triển lãm hay trưng bày nhiều. Tuy nhiên, theo tôi quan điểm này hiện nay cũng không còn phù hợp nữa. Chúng ta đang ở tư thế hội nhập thế giới thì những quan niệm xã hội cũng phải thật khách quan, phân biệt được đâu là cái đẹp, cái tục trong ảnh khỏa thân cho thật rõ ràng.
Dư luận trong giới từ lâu đã rất thoáng và hoàn toàn ủng hộ việc đối xử bình đẳng ảnh khỏa thân, nhưng vẫn còn những quan niệm nặng nề trì kéo lại. Hơn nữa, Bộ VH-TT và Hội NSNA VN cũng chưa hề có một chương trình làm việc cụ thể nào cho thể loại này. Vì thế từ đây đến cuối năm chúng tôi dự định tổ chức một cuộc hội thảo về ảnh khỏa thân, xem đó là bước đột phá. Tôi ủng hộ công khai đề tài này ra toàn xã hội.
* Nỗi e ngại của người chụp ảnh khỏa thân là sợ "đụng chạm" tới vấn đề thuần phong mỹ tục, ông nghĩ lý do này liệu có thỏa đáng?
- Cụ Nguyễn Du ngày xưa là ông đồ nho, nhưng trong Truyện Kiều những câu thơ tả cảnh Kiều tắm là cả một bức tranh khỏa thân tuyệt vời. Hay trên trống đồng Ngọc Lũ có tạc cảnh nam nữ đang giao hợp... Cho nên, theo tôi rào cản không phải là thuần phong mỹ tục mà vấn đề ở chỗ các cơ quan quản lý chúng ta chưa xác định rõ thế nào là thuần phong mỹ tục. Đây thực sự là một quan niệm chưa rõ ràng ở các cơ quan quản lý chúng ta.
Ý kiến các nhà nhiếp ảnh
Nhà nhiếp ảnh Dương Quốc Định (TP Biên Hòa): "Triển lãm ảnh nghệ thuật ở cà phê Cội Nguồn (TP Biên Hòa, Đồng Nai) là triển lãm chung của 10 tác giả, trong đó ảnh nude của tôi chỉ là một mảng nhỏ của tổng thể. Chụp ảnh nude là đam mê của tôi và tôi muốn đi tới cùng với thể loại này. Một triển lãm ảnh nude cá nhân luôn là mơ ước của tôi (và của nhiều nhà nhiếp ảnh khác nữa). Tôi cũng đã nhận được nhiều khích lệ, động viên của những cán bộ văn hóa nhằm thực hiện mơ ước này nhưng quả thực chưa hề có một văn bản chính thức nào. Thật khó để đưa ảnh nude ra triển lãm công khai bởi nó còn tùy thuộc vào mức độ nhận thức của mỗi người, rồi phong tục tập quán, môi trường chung quanh... Cần phải có một cái nhìn tinh tế đối với thể loại này. Hầu như ai cũng biết, cũng hiểu ảnh nude là tôn vinh, là thăng hoa vẻ đẹp của thân thể con người và ai cũng thích chiêm ngưỡng những tác phẩm này. Thế nhưng khi đem ra triển lãm thì bị cho rằng không phù hợp với thuần phong mỹ tục - nhất là ở một đất nước có truyền thống lễ giáo Á Đông. Tôi vừa đi Thái Lan về và thấy ở bên ấy việc triển lãm ảnh nude là điều hết sức bình thường".
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: "Tôi đã xem qua ảnh và đọc ý tưởng của họa sĩ Nguyễn Kim Hoàng, cá nhân tôi thấy triển lãm này rất hay nên cũng hết sức ủng hộ. Còn nếu nại lý do thuần phong mỹ tục thì điều đó hơi nặng với tâm huyết sáng tạo của người nghệ sĩ. Tôi cũng luôn ủng hộ Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam sớm tổ chức một cuộc hội thảo để công nhận ảnh khỏa thân là một loại hình nghệ thuật, bởi vì đã đến lúc chúng ta nên sòng phẳng với thể loại này". Họa sĩ Nguyễn Kim Hoàng: "Khi thực hiện Closer, tôi muốn thực hiện một loạt ảnh vượt qua ranh giới của những định kiến về nhiếp ảnh khỏa thân, coi nó như một đề tài nhạy cảm không lành mạnh. Nhưng giờ đây không những tâm huyết sáng tạo, công sức của tôi không được thừa nhận mà điều đó còn khiến nhiều người nghĩ rằng những nghệ sĩ như tôi là khiêu khích, là vi phạm thuần phong mỹ tục thật. Khi cầm công văn từ chối của Sở, tôi cảm thấy vô cùng tổn thương...". |