Món Việt đơn giản mà tinh tế

Món Việt đơn giản mà tinh tế
TP - Martin Yan đã tự khai phá cho mình một lối đi không giống ai, để rồi với quãng đời triền miên xê dịch, ông mặc nhiên được vô số fan hâm mộ khắp thế giới tôn vinh là Vua đầu bếp. Có dịp đi xuyên Việt cùng ông mới thấy, đến đâu ông cũng gieo rắc niềm vui và tình yêu cuộc sống quanh những bữa ăn ngon đầy ý vị…

> Khám phá văn hóa Việt cùng Martin Yan
> 'Vua đầu bếp' khởi tranh ở Hà Nội

Trải nghiệm Tây Nguyên cùng Yan

Mười năm trước, khán giả truyền hình Việt Nam từng có dịp thưởng thức tài năng giới thiệu nghệ thuật ẩm thực đầy cuốn hút của Vua đầu bếp Martin Yan qua chuyên mục “Vào bếp với Yan Can Cook” với câu nói ngộ nghĩnh quen thuộc của ông “Việc gì Yan làm được, bạn cũng làm được!”.

Vẻ hài hước, ý nhị, thông minh toát ra sinh động trong từng lời nói, cử chỉ của ông giúp chúng ta nhận ra mình may mắn sống trên một đất nước có nền nghệ thuật ẩm thực phong phú vào loại hàng đầu, nhưng lại chưa từng biết cách tự quảng bá một cách hấp dẫn!

Cuối năm 2012, một Cty truyền thông ở TPHCM mời Yan quay lại trải nghiệm chương trình xuyên Việt kéo dài gần một tháng để thực hiện bộ phim nhiều tập giới thiệu đặc sản ẩm thực và du lịch Việt Nam.

Quan sát suốt hành trình vào Nam ra Bắc của Yan, tôi thích thú thấy ông không chỉ thực sự lên bờ xuống ruộng mướt mồ hôi lao động cùng các bà nội trợ từ đô thị đến buôn làng, mà còn sẵn lòng sẻ chia từ bí quyết thành đạt đến những tâm tình riêng tư mang đậm cá tính của một nghệ sĩ đích thực.

Cùng Yan xuyên Tây Nguyên để thưởng thức thú vui cưỡi voi trên hồ Lắk, nếm rượu cần buôn Jun, nấu canh măng chua với cá trắng sông Sêrêpôk, khám phá công thức chế biến cà phê chồn, tôi hiểu vì sao ông Vua đầu bếp này lại yêu thích Việt Nam đến vậy.

Thân mật hàn huyên, ông tự chọn vị trí hết sức đơn giản, như cơ động ngồi ngay trên mặt bàn gỗ xộc xệch trước cửa hội trường buôn Jun, ghé vào ghế đá dưới tán vườn rừng cột voi bên hồ Lắk, hoặc thư thái giữa góc phố đường Nguyễn Công Trứ nội thành Buôn Ma Thuột tỏa hương cà phê nồng nàn…

“ Chuẩn” mới của Yan

Tự tay giã muối ớt
Tự tay giã muối ớt.
 

Yan đã sinh nhật sáu mươi tư, vậy mà suốt hành trình xuyên Việt, cả êkip tháp tùng trẻ tuổi đều kêu mướt mồ hôi mới chạy theo kịp Vua đầu bếp. Ngắm ông từ ánh mắt đến cử chỉ, tôi luôn tự hỏi bí quyết nào khiến năng lượng của Yan tràn trề đến vậy, thưa ông?

Việc nào cũng thế, nếu bạn thật sự yêu nghề thì sẽ luôn cống hiến hết mình cho nó mà không thấy đó là gánh nặng.

Tiết lộ nhé: đêm về tất nhiên tôi cũng mỏi mệt rã rời, nhưng vui nên hễ đặt lưng là ngủ rất ngon. Sáng dậy, sau vài phút tĩnh tâm cầu nguyện, thể dục thư giãn, hễ thấy ống kính máy quay chĩa vào mình, lập tức tôi có cảm giác sức sống phun trào. Chế độ ăn uống của tôi rất đơn giản: không có chất cồn, nguyên liệu tươi sạch, dùng vừa đủ với nhu cầu cơ thể.

Giá trị của bữa ăn không chỉ ở dinh dưỡng mà còn phụ thuộc tâm trạng, nên quan trọng không chỉ là món gì, ở đâu, mà còn là dùng với ai. Ví dụ nếu trưa nay bạn nhận lời dùng bữa với tôi, xơi món gì tôi cũng sẽ thấy rất ngon!

Vợ Yan được chồng sẻ vai quản lý nhà hàng. Vậy ở nhà ông, ai là người vào bếp?

Tất nhiên là tôi! Vợ tôi thao tác không tồi nhưng chậm. Tôi nghĩ đàn ông nên nấu nướng đãi vợ. Sau mỗi buổi dạy học hay công tác xa về, cách thư giãn yêu thích của tôi là xắn tay vào bếp.

Các con du học, nhà chỉ còn hai vợ chồng nhưng có tới 3 cái tủ lạnh đựng đủ thứ nguyên liệu và gia vị cần thiết, chỉ cần mươi phút ra tay tôi đã bày ra được nhiều món ngon. Chồng nấu vợ khen cũng là cách giúp gia đình êm ấm, đúng không?

Quê Quảng Châu, thành danh tại Mỹ, quốc tịch Canada, lấy vợ người Nhật, Yan có bị nhiều người ganh tị khi đạt đúng chuẩn “Cơm Tàu, nhà Tây, vợ Nhật” không?

Ô, chuẩn mới bây giờ là “Ở nhà Tây, ăn cơm Việt, lấy vợ Việt” mới phải! Yan thấy đàn ông Việt đáng ganh tị vì được thưởng thức mỗi ngày quá nhiều món ngon chế biến từ bàn tay khéo léo của những người vợ Việt đảm đang xinh đẹp, chiều chồng thương con...

Việt Nam sẽ trở thành điểm hẹn đầy hấp dẫn...

Ông nghĩ gì về cách nấu ăn của người Việt?

Nghề quảng bá thú vui ẩm thực đã đưa Yan đến gần năm mươi nước trên thế giới. Nhờ đó, Yan có thể khẳng định cách chế biến món ăn của người Việt đơn giản mà rất tinh tế, địa phương nào cũng có nhiều đặc sản, nguyên liệu dồi dào tươi ngon mà nhiều quốc gia khác không có được.

Tại buôn Jun, tôi thấy ông giã muối ớt trong khi chị H’Biên chủ nhà nướng cá, rồi cả hai cùng xới cơm ăn rất thích thú với món canh chua nấu... chưa kỹ. Sau đó ông còn không ngần ngại chui xuống gầm nhà sàn đầy bồ hóng và mạng nhện để vãi lúa cho heo ăn. Kịch bản phim yêu cầu như vậy, hay ông tìm thấy thú vui nào ở đó, thưa ông?

Tôi luôn trải nghiệm vui thú mọi nơi mọi lúc theo cách riêng của tôi. Loại gạo rẫy ở huyện Lăk nấu cơm rất dẻo thơm, hũ măng muối để nấu với nửa con cá khô nướng trong than bếp hôm ấy đã cho tôi biết thêm một cách nấu canh chua rất đậm đà thôn dã.

Tôi bổ sung kiến thức từng ngày bằng cách không ngại lăn vào bất cứ góc bếp nào để học nấu bằng các loại gia vị và nguyên liệu ở ngay nơi đến.

Tôi nghĩ những cảnh quay đẹp và ngộ nghĩnh trong bộ phim nhiều tập sắp tới khi phát sóng trên kênh truyền hình nhiều nước sẽ kích thích nhiều du khách nhanh chóng đặt vé máy bay sang Việt Nam.

Martin Yan sinh năm 1948 tại Quảng Châu Trung Quốc, tốt nghiệp Viện Nghệ thuật ẩm thực Hồng Kông trước khi nhận bằng tiến sĩ danh dự về nấu ăn và được mời dạy nghề tại trường đại học California, Hoa Kỳ.

Ông mở hệ thống Nhà hàng Yan Can, thành lập Trường dạy nấu ăn quốc tế Yan Can tại San Francisco, giữ vai chính trong hàng nghìn chương trình dạy nấu ăn trên truyền hình mang tên Yan Can Cook và xuất bản nhiều cuốn sách về nghệ thuật ẩm thực như Martin Yan’s Feast - The Best of Yan Can Cook, Chinese Cooking for Dummies, Martin Yan’s Asian Favorites...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG