Món quê ra biển lớn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những món bình dân như bánh nậm, bánh lọc, cà pháo, mắm tôm, bún phở, rau má… của Việt Nam đua nhau vượt đại dương ra thế giới.

Bánh lọc, mắm cà… vượt biên

Không giấu được niềm vui khi những món ăn truyền thống của Việt Nam như bánh lọc, bánh nậm, cà pháo lên men, dưa mắm… được khách hàng nước ngoài yêu thích và đặt hàng với số lượng lớn, ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chế biến Thực phẩm công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods) bộc bạch: “Cà pháo, bánh nậm…đều là những món ăn truyền thống của Việt Nam. Tôi có ước nguyện sẽ đưa ẩm thực quê hương ra khắp thế giới”.

Giữa năm 2022, Sông Hương Foods đã xuất khẩu một container 20 feet gồm 21 mặt hàng, trong đó có cà pháo sang Mỹ với tổng doanh thu lô đầu tiên ước đạt 80.000 USD. Để đến được xứ cờ hoa, các mặt hàng phải vượt qua những tiêu chuẩn khắt khe của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).

Chia sẻ về cơ duyên đưa bánh lọc, bánh nậm đến Mỹ, ông Tuấn cho biết, thường có thói quen tặng thêm sản phẩm cho khách mua hàng. Tháng 7/2022, khi tặng kèm bánh nậm, bánh lọc cấp đông cho khách hàng ở Mỹ, ngay sau đó đối tác đặt ngay một lô hàng nghìn bánh, rồi lại tiếp đơn hàng khác. Mới đây, lô hàng cả nghìn bánh nậm, bánh lọc đã xuất cảng vào cuối tháng 9/2022. Doanh nghiệp đã ký hợp đồng cung cấp bánh cho thị trường Mỹ. Do số lượng đặt hàng quá lớn, ông Tuấn quyết định đầu tư thêm nhà máy ở TPHCM chỉ sản xuất riêng bánh lọc, bánh nậm với công suất 600.000 bánh/tháng. Ngoài thị trường Mỹ, bánh còn được các đối tác Nhật Bản, Úc, Đài Loan… đặt hàng.

“Điều khiến chúng tôi tự hào nhất chính là mang lại giá trị cao hơn cho những cây rau vốn rất bình dị, đời thường của Việt Nam ra

thế giới”.

Nguyễn Ngọc Hương, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt

“Tôi mong muốn bà con Việt kiều có món ăn Việt, được mang từ Việt Nam sang. Tôi nỗ lực để không chỉ bà con Việt kiều mà cả Hoa kiều, Nhật kiều cũng ăn món truyền thống Việt Nam. Hiện nay, cà pháo đã đi chính ngạch sang 3 thị trường chính là Mỹ, Nhật, Đài Loan. Công ty cũng hướng đến xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Campuchia… Nếu như xuất khẩu những năm trước chỉ chiếm 3-7% thì năm nay, công ty kỳ vọng sẽ đạt 30%. Làm xuất khẩu chính ngạch rất khó trong bước đầu nhưng vượt qua được thì mọi thứ dễ dàng hơn. Điều tự hào là những “món quê” của Việt Nam không chỉ ra thế giới mà còn rất được ưa chuộng - ông Tuấn chia sẻ.

Bún phở khô xuất ngoại

Có nhà máy đạt chuẩn quốc tế sắp đi vào hoạt động tại Bình Thuận và sẽ là nơi chuyên sản xuất các loại bún phở khô, ống hút gạo thương hiệu Ohuga xuất khẩu… chị Trương Thị Hồng Hà, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Khánh Hà (Khánh Hà Food) tâm sự: “Giấc mơ đưa bún, phở Việt ra thế giới của tôi đã trở thành hiện thực. Tôi rất mừng vì góp thêm một sản phẩm Việt vào bản đồ ẩm thực thế giới. Tôi còn muốn giới thiệu thêm nhiều món Việt khác đến bạn bè quốc tế”.

Món quê ra biển lớn  ảnh 1

Những món ăn quê như cà pháo, dưa mắm thi nhau ra biển lớn

Nâng niu từng sợi bún, phở khô làm từ các loại đậu, ngũ cốc, thanh long ruột đỏ, lá bồ ngót… chuẩn bị đưa vào cửa hàng, siêu thị của Anh, Nhật Bản, Hà Lan…, chị Hà bồi hồi: “Lúc đầu tôi theo nghề làm nui, chủ yếu muốn giữ nghề của gia đình. Tuy nhiên sau đó cơ duyên đã đưa tôi đến với bún, phở khô để tiếp thị ra thế giới”.

Món quê ra biển lớn  ảnh 2

Bún phở khô từ gạo lứt, ngũ cốc được chị Hà giới thiệu với bạn bè 5 châu

Hai vợ chồng chị Hà từng có công việc ổn định với mức lương nhiều người mơ ước. Năm 2015, chị tỉ tê rủ chồng cùng… nghỉ việc để khởi nghiệp. Cha mẹ chị có hơn 20 năm sản xuất nui nhưng chỉ bán xá (cân ký). Chị muốn nâng tầm sản phẩm, hướng đến chất lượng, thương hiệu nên đầu tư dây chuyền hiện đại, ứng dụng công nghệ để sản xuất bún, phở khô đạt tiêu chuẩn quốc tế và hướng đến mục tiêu xuất khẩu.

Món quê ra biển lớn  ảnh 3

Bún phở khô sợi thẳng của chị Hà có nhiều chủng loại như bún thường, bún bánh canh, bún bò Huế. Sợi phở cho món mì Quảng, dùng để chế biến thành phở trộn hay món Pad Thai… Đặc biệt, các sản phẩm đều được kết hợp với nhiều nguyên liệu như thanh long ruột đỏ, lá bồ ngót hay gạo lứt…hướng đến nhu cầu của từng đối tượng khách hàng. Sản phẩm đã được xuất khẩu đến châu Âu, Mỹ, Canada với sản lượng trung bình 70 tấn/tháng. “Sau cơn đại dịch COVID-19, người dân những quốc gia này rất quan tâm đến các sản phẩm thực phẩm tiện lợi và có thể bảo quản được trong thời gian dài. Dịch bệnh cũng chính là cơ hội để đưa món quê ra biển lớn thuận lợi hơn” – chị Hà bộc bạch.

Bán rau má thu tiền tỷ

Có ai ngờ, các loại rau má, tía tô, diếp cá…, những loại cây bình dị quen thuộc của người Việt Nam lại được cô chủ 9X Nguyễn Ngọc Hương, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt tạo thành bột rau sấy lạnh chinh phục trời Âu.

Quyết định chọn cây rau má để khởi nghiệp, Hương cho biết, rau má đã quá quen thuộc với nhiều người, do đó không ít ý kiến lo ngại sản phẩm làm ra sẽ không ai mua. Chị muốn ai cũng có thể thưởng thức một ly nước rau má bảo đảm sạch mà không tốn nhiều thời gian chế biến. Hương bộc bạch: “Chúng tôi đã thử nghiệm để tìm ra phương pháp chế biến thành dạng bột tiện lợi, có thể sử dụng thay thế hoàn toàn rau tươi. Đây là lợi thế khác biệt của sản phẩm”.

Rau má sau khi thu hoạch được đưa vào dây chuyền sấy lạnh bằng máy trong 24-36 giờ dưới nền nhiệt thấp (khoảng 15-20 độ C). Quy trình này giúp bột rau sấy lưu giữ được trọn vẹn hương vị gốc và hàm lượng dinh dưỡng như rau tươi. Hiện nay, bột rau sấy lạnh đã được xuất khẩu bằng con đường chính ngạch, được đối tác phân phối tới nhiều thị trường ở châu Âu, trong đó bán mạnh nhất ở Anh, Đức và Hà Lan.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.