Môi trường kinh doanh Việt Nam: Kiểm tra, thủ tục làm khó doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Việc cải cách môi trường kinh doanh ở Việt Nam còn nhiều điểm nghẽn. Ảnh: Như Ý
Việc cải cách môi trường kinh doanh ở Việt Nam còn nhiều điểm nghẽn. Ảnh: Như Ý
TP - Trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến cộng đồng doanh nghiệp (DN) liêu xiêu, quá trình cải cách môi trường kinh doanh dường như chậm lại. Thủ tục hành chính ở các lĩnh vực như đất đai, kiểm tra chuyên ngành nhiều vướng mắc, thậm chí tăng hơn so với trước đây. Nhiều  DN  đã “kiệt sức” vì dịch bệnh, nay thêm các rào cản  khiến họ càng khó vực dậy. 

Văn bản kiểm tra chuyên ngành tăng 120 lần

Ngày 20/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Báo cáo “Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp”. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), báo cáo đã be quét phản ánh, phân tích hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm thực thi Nghị quyết 02 và Nghị quyết 35 và tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, cũng như môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Theo đó, biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ DN tiếp tục được thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và trùng với thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ. Tuy nhiên, tốc độ cải thiện dường như chậm lại so với các năm trước. Xu hướng thay đổi của lĩnh vực tương đối trái ngược: lĩnh vực có điểm số thấp (phá sản, bảo vệ nhà đầu tư và xuất nhập khẩu) tăng điểm, trong khi lĩnh vực có điểm cao (thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng) lại giảm điểm.

“Lĩnh vực đăng ký bất động sản và quản lý đất đai mặc dù có sự cải thiện trong năm 2018 và 2019, song lại trở nên khó khăn hơn trong năm 2020. Cụ thể, tỷ lệ DN gặp khó khăn khi làm thủ tục tăng mạnh trong năm 2020 mà nguyên nhân chủ yếu là thời hạn giải quyết hồ sơ lâu hơn so với quy định. Điều này chỉ ra nhiệm vụ minh bạch thông tin về quản lý đất đai đã được đề ra song không có cải thiện trên thực tế”, ông Tuấn cho biết.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều trở ngại với DN như: điều kiện kinh doanh chồng chéo, không cần thiết, không minh bạch hoặc can thiệp sâu vào quyền tự quyết của DN. Hoạt động kiểm tra chuyên ngành chuyển biến chậm. Cơ chế một cửa chưa thực sự hiệu quả khi DN vẫn phải nộp kèm bản giấy, thiếu kết nối giữa các bộ ngành, hệ thống công nghệ thông tin bị nghẽn.

Đại diện CIEM chỉ ra 5 thách thức lớn nhìn từ việc thực hiện Nghị quyết 02 thời gian qua. Trong đó, có việc cải cách không đều. Việc thực hiện cải cách ngày càng khó khăn, dự địa ít, phức tạp hơn. Có 50% điều kiện kinh doanh được bãi bỏ thời gian qua nhưng cũng có điều kiện kinh doanh “mọc” trở lại.

“Số lượng văn bản về quản lý kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu tăng hơn 120 lần. Đây là vấn đề liên ngành liên bộ, khiến khoảng cách còn xa so với các nước trong khu vực”, đại diện CIEM chỉ rõ.

Dù đã có nhiều biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, nhiều DN vẫn gặp khó trong việc tiếp cận, hấp thụ khoản vay ưu đãi do điều kiện vay vốn không dễ dàng. Như gói tái cấp vốn 16.000 tỷ đồng cho vay lãi suất 0% vay trả lương cho người lao động, trên thực tế theo thống kê rất hiếm DN đủ điều kiện để được giải ngân.

Nút thắt thủ tục

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá, việc thực hiện cải cách môi trường kinh doanh tại Việt Nam chưa đồng đều, nơi làm tốt, nơi không làm, thậm chí thụt lùi. Nghịch lý hiện nay là Việt Nam đã hội nhập sâu, có nhiều FTA nước ngoài, tỷ lệ xuất nhập khẩu/GDP hơn 200% nhưng thủ tục luôn là nút thắt lớn.

“Hăng hái tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng thủ tục còn có những rắc rối như vậy, thì ai dám tham gia với Việt Nam. Nếu luật chỉ thiết kế trong phòng kín, thì không thể đi vào cuộc sống. Hãy nhìn vào cách làm luật năm 1999, đưa cuộc sống vào luật, chứ không phải đưa luật vào cuộc sống”, bà Phạm Chi Lan đặt vấn đề.

“Số lượng văn bản về quản lý kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu tăng hơn 120 lần. Đây là vấn đề thuộc liên ngành liên bộ”.

Đại diện CIEM

Chia sẻ với cơ quan chức năng đã nỗ lực kiểm tra, nhưng đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, còn điểm nghẽn trong quá trình thực hiện. Tiêu biểu như việc kiểm soát nhập khẩu thủy sản, danh mục hàng hóa phải kiểm tra ngày càng nhiều lên. Tháng 1/2021, dự thảo sửa đổi vẫn ghi nhận 100% hàng thủy sản từ mã 03 đến 16 đều phải kiểm dịch theo Luật Thú y, Luật An toàn thực phẩm. Đồ đông lạnh hay đồ khô nhập về đều kiểm dịch giống nhau, dù đã thanh trùng ở 200 độ C. Trên thế giới có 160 quốc gia nhập khẩu từ Việt Nam không làm điều đó, họ chỉ kiểm tra an toàn thực phẩm với chất có hại cho sức khoẻ người dùng.

Nghị quyết của Chính phủ nhiều lần yêu cầu, nhưng việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành hàng hoá hầu như không được thực hiện, hoặc thực hiện với các tiêu chí đơn lẻ, khó đáp ứng. DN phản ánh, rất ít trường hợp có thể áp dụng cơ chế kiểm tra giảm hoặc miễn kiểm tra.

Năm 2020, nhóm nghiên cứu của VCCI không ghi nhận mặt hàng nào được loại bỏ khỏi danh sách kiểm tra hoặc chuyển từ cơ chế kiểm tra khi nhập khẩu sang lưu thông. Ngoài ra, thủ tục hoàn thuế, quyết toán thuế, kiểm tra thực tế bị DN phản ánh gây nhiều khó khăn nhất cho họ.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.