Các nhà phân tích cho rằng, nhiều người mong chờ xem liệu có thêm một cuộc “ đình chiến” thương mại nữa hay không để Bắc Kinh và Washington có thêm thời gian tiếp tục đàm phán cho một thỏa thuận cuối cùng nhằm kết thúc cuộc chiến thương mại.
Ông Trump và ông Tập được cho là sẽ bàn về vấn đề Huawei tại cuộc gặp mặt đối mặt tại Osaka, Nhật Bản cuối tuần này.
Thế nhưng trong bối cảnh căng thẳng Mỹ- Trung đang ngày càng leo thang khiến các nhà phân tích e ngại rằng, những rào cản này lớn đến nỗi hai bên khó có thể đạt được một thỏa thuận ngay lập tức.
Theo nhận định của tờ Bloomberg ngày 26/6, Mỹ mong muốn hoãn áp thuế bổ sung mới đối với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh và Washington đã chuẩn bị để nối lại các cuộc đàm phán thương mại.
Tuy nhiên, trước đó một ngày, ngày 25/6, một quan chức cấp cao trong chính quyền ông Trump cho biết, Mỹ sẽ không chấp nhận bất kỳ điều kiện nào nữa đối với thuế quan như là một phần của việc nối lại các đàm phán và các thảo thuận không chi tiết được hy vọng sẽ đưa ra sau cuộc gặp thượng đỉnh của hai nhà lãnh đạo vào ngày thứ Bảy tới tại Osaka.
Khả năng ra tuyên bố chung rất thấp
Với nhiều kỳ vọng được đặt ra, các nhà phân tích dự đoán rằng, cuộc họp này sẽ đưa ra rất ít hành động hơn là đưa ra được một tuyên bố chung.
Đó cũng chính là những gì đã từng xảy ra tại G20 năm ngoái khi ông Trump và ông Tập gặp nhau và nhất trí một hiệp định đình chiến thuế quan trong vòng 3 tháng. Trong thời gian đó, Mỹ đã hoãn áp thuế mới từ 10 % lên 25% với số hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.
Thế nhưng, khi các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đổ vỡ hồi cuối tháng 5 vừa qua, Mỹ đe dọa sẽ tiếp tục áp mức thuế mới.
Trong một kịch bản ít có khả năng hơn, ông Trump và ông Tập có thể nhất trí về một thỏa thuận chính thức chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài một năm giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, với việc Mỹ dỡ bỏ một số thuế quan hiện có để đổi lấy lời cam kết của Trung Quốc chấp nhận yêu cầu của Washington về hàng loạt kiểm tra để đảm bảo rằng thỏa thuận được thực hiện đầy đủ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, vẫn còn một cú sút xa thì hai bên mới có thể giải quyết tất cả những khác biệt còn lại của họ trong vài ngày trước khi các nhà lãnh đạo gặp nhau.
Ông Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung, cho biết cả hai nhà lãnh đạo đều muốn chấm dứt chiến tranh thương mại nhưng có thể vẫn là quá lạc quan để mong đợi một thỏa thuận đạt được ở Osaka.
Ông Allen cho biết thêm, có lẽ họ không có thời gian cần thiết để đạt được thỏa thuận đầy đủ, mà chỉ có thời gian để bàn về các bước tiếp theo như làm thế nào, khi nào, ở đâu cho việc quay trở lại bàn đàm phán.
Điều mong chờ nhất hiện nay của các doanh nghiệp là không có thuế quan mới. Thuế quan hiện nay đã gây tổn hại rất nhiều cho các công ty, công nhân và nông dân.
Ông Arthur Kroeber, người đứng đầu nghiên cứu và đồng sáng lập của Gavekal Dragonomics, cho biết, sẽ rất khó để đưa ra một thỏa thuận thỏa mãn các yêu cầu chính trị của cả hai bên.
Nguy cơ suy thoái kinh tế nếu Mỹ tiếp tục áp thuế quan mới
Đầu tháng 5 vừa qua, ông Trump đã quyết định ngừng các cuộc đàm phán, bởi lẽ việc có một thỏa thuận sẽ là một trách nhiệm chính trị đối với ông. Các nhà chính trị cứng rắng cánh hữu và các đối thủ của ông ở Dân chủ đều cho rằng, các điều khoản của thỏa thuận này không thỏa đáng.
Trong khi đó, ông Trump cũng không sẵn sàng đồng ý một thỏa thuận yếu với ông Tập. Bởi lẽ đây sẽ là một cái cớ để các đối thủ chính trị của ông tấn công. Ông cũng không có ý định làm đảo lộn thị trường tài chính hoặc làm giảm niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư trước chiến dịch tái tranh cử năm 2020 của mình bằng cú vấp ngã trước Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, các điều khoản được đàm phán bởi Phó Thủ tướng Lưu Hạc, trợ lý kinh tế hàng đầu của ông Tập Cận Bình, được cho là không thể bán đứng về mặt chính trị bởi các lực lượng hùng mạnh ở Bắc Kinh cho rằng, yêu cầu của Mỹ là quá đáng.
Ngay cả việc ông Tập và ông Trump đồng ý gặp nhau tại Osaka tuần này cũng đã được cho là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy cả hai bên đều đang cố gắng tránh leo thang xung đột khi trước đó hai bên đã có các cuộc chiến ngôn từ và nhiều đồn đoán cho rằng, ông Tập không muốn gặp ông Trump tại G20 này.
Ông Joel Trachtman, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Tufts, chuyên về toàn cầu hóa và thương mại, cho biết, ông Trump phải chịu áp lực nặng nề từ ngành công nghiệp và từ Quốc hội Mỹ. Đây là một nỗi đau thực sự đối với ông ấy.
Trong tuần qua, đại diện của hàng trăm công ty Mỹ đã ngồi trước một Văn phòng của Đại diện Thương mại Mỹ để yêu cầu các sản phẩm của họ được miễn thuế quan mới đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD. Tổng cộng, cơ quan thương mại này đã nhận được gần 3.000 đệ trình bằng văn bản liên quan đến đề xuất thuế quan, chủ yếu từ các công ty hàng tiêu dùng và điện tử.
Theo một nghiên cứu của Liên đoàn các nhà bán lẻ quốc gia, ước tính mức thuế này sẽ ảnh hưởng đến các gia đình có thu nhập thấp đặc biệt khó khăn. Người tiêu dùng Mỹ chi tiêu 18 tỷ USD một năm.
Chi phí tiềm tàng của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thậm chí còn giảm nhẹ hơn so với các dự báo gần đây. Các nhà phân tích cho rằng, nếu Mỹ tiếp tục áp thuế cao hơn, nguy cơ suy thoái kinh tế có thể diễn ra tại Mỹ vào cuối năm 2020, thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Có thỏa thuận vẫn tốt hơn
Các chuyên gia dự đoán, ông Tập sẽ không ký một thỏa thuận có thể bị coi là không công bằng đối với Trung Quốc vì ông hiểu rằng một cuộc đối đầu toàn diện với Mỹ có thể làm tổn hại thêm đến tăng trưởng trong nước, cản trở sự phát triển của Trung Quốc và thậm chí mang đến rủi ro cho xã hội Trung Quốc và ổn định chính trị.
Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn ngày 24/6 cho biết, Bắc Kinh sẵn sàng thực hiện một thỏa thuận nếu Mỹ thể hiện sự tôn trọng và nhượng bộ, mặc dù ông không tiết lộ yêu cầu của Trung Quốc.
Ông Vương cho biết: “Chúng tôi đã gặp nhau nửa chừng, điều đó có nghĩa là cả hai bên sẽ cần phải thỏa hiệp và nhượng bộ, chứ không chỉ riêng một bên nào”.
Qua cuộc điện đàm hôm thứ Hai giữa các nhà đàm phán cao cấp Mỹ- Trung, một quan chức chính phủ Trung Quốc cho biết lập trường của Bắc Kinh là “ nói chuyện tốt hơn là không nói chuyện, và có một thỏa thuận thì tốt hơn là không có thỏa thuận nào”.
Một nguồn tin riêng cho biết, Bắc Kinh đang theo đuổi mối quan hệ ít đối đầu với Mỹ. Đây cũng là một yếu tố khiến Trung Quốc lùi một bước trong việc hoãn thông qua dự luật dẫn độ gây tranh cãi gay gắt tại Hồng Kông.
Bắc Kinh cũng đang tìm cách có thêm đòn bẩy từ các mặt trận khác trước cuộc gặp ông Trump. Đó chính là chuyến thăm lần đầu tiên của ông Tập Cận Bình tới Triều Tiên tuần trước. Ông Tập muốn dùng chuyến thăm này để chứng minh sự ảnh hưởng của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng và ông có thể giúp đạt được tiến bộ trong thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, một mục tiêu chính sách đối ngoại quan trọng đối với ông Trump.
Quả thật, năm 2017, ông Trump đã hứa hẹn với ông Tập rằng, nếu ông Tập giúp tạo được bước tiến bộ với Triều Tiên, Trung Quốc sẽ nhận được thỏa thuận thương mại tốt hơn.
Ngoài ra, tại cuộc gặp Trump- Tập sắp tới, hai nhà lãnh đạo được hy vọng sẽ chạm tới các vấn đề quan trọng của hai nước, trong đó có lệnh cấm của Washington đối với các công ty Mỹ trong việc cung cấp thiết bị cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei, gia tăng sự ủng hộ của Mỹ đối với vấn đề Đài Loan và các vụ việc gần đây tại biển Đông.
Tại cuộc điện đàm tuần trước, ông Trump đã nói với ông Tập: “ Tôi nghĩ rằng chúng ta có cơ hội. Tôi biết rằng, Trung Quốc muốn có một thỏa thuận. Họ không thích thuế quan. Chúng tôi cũng muốn có một thỏa thuận, nhưng nó phải là một thỏa thuận tốt cho mọi người”.
Có thể nói, vấn đề thuế quan hiện này sẽ là một cử chỉ để thể hiện niềm tin của hai bên. Nếu Mỹ bắt đầu “ chơi” với thuế quan, ông Tập cũng dễ dàng cho thấy rằng, ông có thể linh hoạt trong các vấn đề mà trước đó ông vốn không linh hoạt.
Một số chuyên gia dự đoán rằng, ông Trump cũng có thể đề xuất nới lỏng hạn chế với Huawei theo cách vừa có thể bảo vệ được an ninh quốc gia, vừa không phải tìm mọi cách để hạ đo ván đối thủ kinh tế của mình.