Mobile Internet – Smartphone giá rẻ: Cặp đôi hoàn hảo
Xu hướng hội tụ “tất cả trong một” đã chuyển dịch từ máy tính sang ĐTDĐ trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, đó không phải là những chiếc ĐTDĐ phổ thông (Feature Phone) mà là những chiếc điện thoại thông minh (Smartphone) có thể kết nối 3G, thậm chí là 4G, một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Ảnh minh họa. |
Mobile Internet đang nóng dần
Từ tháng 10-2009 đến 7-2011, mất gần 22 tháng, số thuê bao 3G tại Việt Nam mới cán mức 8 triệu. Tuy nhiên, chỉ mất chưa đầy 6 tháng sau đó, từ tháng 7 đến tháng 12 - 2011, số thuê bao 3G đã tăng hơn 50%, từ mức 8 triệu tăng lên 12,8 triệu thuê bao, theo công bố của Bộ TT&TT.
Nhịp độ tăng trưởng thuê bao 3G ngày càng cao cho thấy dịch vụ Mobile Internet (kết nối 3G qua ĐTDĐ) cũng đang nóng dần lên.
Theo một kết quả nghiên cứu của Cty Nielsen và Qualcomm phối hợp thực hiện tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM, 52% số người được khảo sát dùng dịch vụ dữ liệu qua USB 3G, 48% dùng qua ĐTDĐ.
Lý giải cho sự nóng lên nhanh chóng của dịch vụ Mobile Internet, các chuyên gia cho rằng, là do sự thúc đẩy từ các cuộc cạnh tranh giảm giá và khuyến mãi cước 3G.
Đơn cử, cuối năm 2011, khi Viettel tung ra gói cước đột phá MiMax không giới hạn lưu lượng với mức giá 40.000 đồng/tháng, MobiFone cũng điều chỉnh mức cước của gói MIU từ 60.000 đồng/tháng xuống còn 40.000 đồng. VinaPhone cũng “trình làng” gói cước Max với mức giá ngang bằng Viettel.
Xét về một số yếu tố kĩ thuật và ưu đãi, giữa các bên đang ở thế một 9 một 10. Tuy nhiên nếu tính vùng phủ sóng thì Viettel đang vượt trội hơn hẳn khi chiếm đến hơn 50% tổng số trạm BTS 3G trên cả nước (22.000 trạm) hiện nay.
Hỗ trợ kép “Thúc” Mobile Internet” tăng trưởng
Với quyết tâm đưa giá cước 3G về gần thậm chí rẻ hơn cả 2G, tháng 4/2012, Viettel tiếp tục khiến thị trường 3G tiếp tục “dậy sóng” khi liên tiếp tung ra những gói cước và chính sách mới thực sự “khủng”.
Mở màn là việc cung cấp gói cước Mobile Internet không giới hạn MiMax dành riêng cho đối tượng sinh viên-học sinh với mức giá chỉ 20.000 đồng/tháng. Ngay khi ra đời, gói cước được giới trẻ đón nhận với suy nghĩ “còn rẻ hơn một tô phở sáng”.
Tiếp đến, hãng viễn thông này quyết định tăng thêm lưu lượng miễn phí cho hầu hết các gói cước Mobile Internet 3G từ 17%-66%, đồng thời giảm cước lưu lượng vượt mức xuống chỉ còn 2,5 đồng/10KB (chỉ bằng 50% so với mức giá trước đó và rẻ hơn giá cước 2G tới 50%).
Ông Hoàng Sơn - Giám đốc Công ty Viễn thông Viettel cho biết: “Một trong những lý do khiến 3G chưa thực sự trở bùng nổ ở Việt Nam là do tâm lý của người dùng cho rằng sử dụng dịch vụ 3G rất đắt đỏ.
Tuy nhiên, trên thực tế với các chính sách kích thích tiêu dùng của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, cước 3G nay đã thấp hơn 2G. Mặt khác, giá của thiết bị đầu cuối 3G cũng ngày càng rẻ đi trong khi công nghệ ngày càng thông minh hơn”.
Những điều chỉnh mạnh mẽ về giá cước của Viettel một mặt dự báo sẽ tạo ra một mặt bằng giá mới trên thị trường 3G, mặt khác càng làm cho những nhận định “3G sớm bùng nổ” thêm chắc chắn hơn.
Theo một nghiên cứu của AC Nielsen, số thuê bao Mobile Internet trên thế giới sẽ tăng khoảng 56 lần, từ 14 triệu vào cuối năm 2010 lên đến 788 triệu vào năm 2015.
Tại Việt Nam, theo dự báo của Cục Thương mại điện tử và CNTT thuộc Bộ Công thương, đến năm 2015 sẽ có 20% dân số sử dụng 3G từ mức 15% hiện nay.
Tuy nhiên, theo ông Đinh Anh Huân- Giám đốc kinh doanh của hệ thống siêu thị Thế Giới Di Động, khả năng tỉ lệ dân số sử dụng dịch vụ 3G tại Việt Nam sẽ tăng nhanh hơn nhờ sự hỗ trợ kép từ các đợt giảm giá, khuyến mãi cước 3G của nhà mạng và xu thế Smartphone giá rẻ.
“Năm 2012-2013 là thời điểm bùng nổ Smartphone tại Việt Nam với mức giá để sở hữu 1 điện thoại thông minh chỉ còn khoảng 1,5 triệu đồng. Giá máy rẻ và cước 3G bình dân sẽ thúc đẩy người tiêu dùng sử dụng dịch vụ Mobile Internet tăng lên nhanh chóng”, ông Huân nói.
P.V