Công nghệ 5G cho phép truyền dữ liệu tốc độ cao, được coi là cơ sở để ngành viễn thông tạo thêm nhiều dịch vụ giá trị gia tăng. Hạ tầng 5G là một yếu tố thiết yếu để nước ta có thể hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số quốc gia… Đầu năm 2020, tại buổi lễ thực hiện cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng NodeB, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã giao nhiệm vụ “Phải thương mại hoá 5G từ tháng 6/2020”. Đến cuối tháng 10/2020, Bộ chính thức cấp giấy phép thử nghiệm thương mại hoá 5G cho nhà mạng MobiFone, có giá trị đến hết ngày 30/6/2021. Khác với lần thử nghiệm trước nặng về yếu tố kỹ thuật, đối tượng của lần thử nghiệm này là các thuê bao di động.
Trong 4 ngày từ 27 đến 30/11 vừa qua, nhà mạng MobiFone đã bắt đầu thử nghiệm tốc độ dịch vụ 5G tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Tại điểm thử nghiệm trung tâm Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, MobiFone ghi nhận tốc độ 5G đạt mốc từ 600-800 Mbps, trong đó lần ghi nhận tốc độ cao nhất đạt tới trên 1,5Gbps, tương đương với những gói Internet cáp quang cao cấp hiện nay. Đại diện MobiFone cho biết kế hoạch tiếp theo của nhà mạng này là phủ sóng 5G khu vực quận I, TP. Hồ Chí Minh trong tháng 12/2020.
MobiFone được thử nghiệm cung cấp dịch vụ 5G thương mại trong phạm vi thành phố Hồ Chí Minh với số lượng không quá 50 trạm BTS, sử dụng băng tần 2.600MHz theo quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia và các quy định về quản lý tần số vô tuyến điện. Trong công tác chuẩn bị, để mang đến điều kiện tốt nhất cho trải nghiệm của khách hàng MobiFone đã hoàn tất đàm phán, phối hợp với các nhà cung cấp thiết bị đầu cuối về mạng 5G hàng đầu trên thế giới. Nhà mạng cũng đang gấp rút triển khai các giải pháp, phương án kỹ thuật cho quá trình phát sóng thử nghiệm 5G thương mại như lắp đặt thiết bị, nhân sự, địa điểm, cơ sở hạ tầng, truyền dẫn, khảo sát, đánh giá độ sạch băng tần 2600 MHz tại khu vực triển khai thử nghiệm…; sẵn sàng triển khai tích hợp, phát sóng thử nghiệm thương mại 5G với quy mô 50 trạm tại TP. Hồ Chí Minh. Đối tượng tham gia sẽ là các thuê bao MobiFone sử dụng đầu cuối hỗ trợ 5G (không yêu cầu phải đổi SIM) trong vùng phủ sóng, địa điểm là tại các khu vực trung tâm, các điểm tập trung đông khách tham quan du lịch với các dịch vụ được triển khai bao gồm Video 4K, 8K, các Game thực tế ảo AR/VR - AI learning, IoT service…
Là một nhà mạng luôn tiên phong trong việc nghiên cứu và ứng dụng, làm chủ các công nghệ mới, mục tiêu cao nhất của đợt thử nghiệm cung cấp dịch vụ 5G thương mại nhằm đánh giá năng lực mạng lưới MobiFone trước khi chính thức triển khai thương mại 5G trên diện rộng, cũng như đánh giá khả năng thương mại hóa các dịch vụ trên nền công nghệ 5G. Song song với việc dồn lực lượng cho việc phát sóng thương mại 5G, Nhà mạng vẫn đảm bảo công tác đo kiểm, tối ưu hóa, đảm bảo chất lượng dịch vụ 2G/3G/4G MobiFone trên toàn quốc để phục vụ các khách hàng hiện tại.
Với 5G, khách hàng được trải nghiệm Internet với tốc độ dữ liệu cao, giúp việc xem video, tải dữ liệu nhanh hơn bao giờ hết. Tần số cao nhất mà mạng 4G sử dụng là 2,6GHz trong khi ở 5G, con số này được đánh giá từ 3,5GHz đến 6GHz. Đây là lý do tại sao 5G có thể cung cấp cho người dùng tốc độ download lên tới 10Gb/s, gấp 10 lần những gì 4G có thể đạt được. Ngoài ra, ưu điểm của 5G còn nằm ở độ trễ thấp, tiêu thụ điện năng thấp, giúp cải thiện khả năng của hệ thống và có thể kết nối lượng thiết bị lớn hơn. Như chúng ta đã chứng kiến với 4G, quốc gia nào dẫn đầu trong việc phát triển và triển khai công nghệ mới nhất sẽ chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế - xã hội và cả những công nghệ ăn theo. 5G không chỉ quan trọng trong thời đại công nghệ số, mà còn vai trò lớn trong Chuyển đổi số quốc gia.
Việc phát triển mạng 5G của MobiFone đưa Việt Nam vào nhóm những quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai 5G. Đây đều là những bước đi cụ thể cho thấy cách tiếp cận theo pha của Việt Nam về việc phát triển 5G nhằm tiến tới việc thương mại hóa trên diện rộng vào năm 2021.