'Mơ lại thời xưa xóm Ngự Viên…'

Đức Từ Cung thời trẻ. ảnh: TL
Đức Từ Cung thời trẻ. ảnh: TL

Tôi hỏi nhà văn Vĩnh Quyền vốn là dân Mệ, về xóm Ngự Viên một thuở hương hoa áo xống dập dìu ngựa xe, để rồi có chàng thi sĩ đất Bắc vào đây chỉ một năm trong dầm dề mưa Huế mà cắm câu thơ đóng triện với thời gian: “Hôm nay có một người du khách/ Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên” (Nguyễn Bính), mà tôi nghĩ lúc đó ông đang đứng trong mưa Huế với tâm trạng tha hương “thuốc lào hút mãi người ra khói” nhớ điên cuồng cảnh cũ người xưa hay chính mình đang lạc trôi, tức thì anh Vĩnh Quyền trả lời, rằng hồi ở Huế anh có đến uống cà phê, mà nì em ơi, đừng bám vào chi hết, hãy về Ngự Viên bằng tâm tưởng, bởi chỉ có tự do cảm xúc, ta mới thấy ta và
tha nhân…

Lúc học ở Huế, năm thứ 2, tôi bị đau đầu triền miên. Tiền đâu mà chữa. Không biết đứa mô bày tôi, là qua chùa Diệu Ðế có thầy Tuệ Tâm châm cứu miễn phí. Thì qua. Thầy không trực tiếp chữa cho những người bệnh không dễ…đi họp như tôi, mà có mấy lương y đến giúp miễn phí. Châm miết, có đỡ. Một bữa tắm ở bể nước chung tại ký túc xá 27 Nguyễn Huệ của Ðại học Tổng hợp, một thằng khoa Ðịa ngó tôi rồi kêu lên: “Ê mi, răng trên đầu mi có cây kim, hay mấy thằng khoa Văn tâm thần nên rứa hả?”.  Tôi đưa tay sờ đầu, hóa ra, người châm cứu bỏ sót cây kim. Tôi biết xóm Ngự Viên từ hồi đó, nhưng biết như vô vàn những cái tên trượt qua trong trí nhớ của tuổi trẻ quá bận bịu cho những chuyện chẳng cần bận bịu…

Sau này nhớ lại, có hỏi vài đứa là dân Huế, thảy mù mờ, có đứa nhà gần đó mà trố mắt ra “ủa rứa hả, tau không biết hè”. Lời bạn bè, người quen, cả chính mình dìu tôi đi trong cơn mưa mịt mù trên đường tìm về chỗ gần 30 năm trước tôi đã đi bộ qua cầu Trường Tiền tới ngồi chờ. Qua cầu Gia Hội, rẽ xuống đường Bạch Ðằng, kẹp bên hông chùa Diệu Ðế là đường Ngự Viên. Ðoạn đường vài trăm mét, đường Ngự Viên giáp đường Tô Hiến Thành và nối đường Chùa Ông. Một vài nhà cổ mái âm dương, hoa sứ, mai, bồ đề như chìm trong màu xám. Ðoạn giáp hai con đường kia là khoảnh đất hình tam giác, trên đó, vì trưa, quán xá chỉ còn mấy cái xe đẩy không chủ, bán bún bò, cà phê, trà sữa. Như thêm phần cô quạnh, là mấy cây bồ đề, sung, bàng, bằng lăng gốc hơn hai vòng tay người ôm đứng buông tàn xòe rộng đủ che kín miếng đất như miếng kẹo đậu phộng, như thể bị bắt sót lại để đứng nhìn thời gian gay gắt diễu hành giữa càn khôn.

'Mơ lại thời xưa xóm Ngự Viên…' ảnh 1 Đường Ngự Viên ảnh: Ngọc Minh
Nhà cửa đóng hết. Tôi đứng chơ vơ. May quá, ngay đáy hình tam giác, chủ nhà là anh Hồ Ðắc Hoàng Tuấn vồn vã mời vào. Nhà này là nhà thờ họ Hoàng của ông ngoại anh, nghe ba anh từng là bạn thân của ông Hoàng Trọng Thí vốn là con cháu Ðức bà Từ Cung. Ngổn ngang đồ đạc cũ mới khi ngôi nhà tuổi thọ hơn 100 trăm rồi. Vẻ ái ngại khi anh đỡ lời: Nước lụt vô nửa mét, để miết chưa dọn”. Ủa, nơi đây là đất thế lại, nghĩa là nhà vua nhường, thay thế đất đâu đó để dân ở đây đi chỗ khác, hoàng tộc lấy khu này xây chỗ vui chơi thư giãn của vua quan, cung nữ, mà đã vậy thì không thể ngập lụt?

“Ðúng rồi, hồi trước có mưa mấy cũng không ngập, vì lúc đó ở đây là ruộng, vườn trồng hoa cộng thêm hộ thành hào, sông Ngự Hà, sông Ðông Ba thông thương hết, nước đâu có tù đọng, chứ nó lụt ngập như chừ, thì cung tần mỹ nữ vén váy chạy không kịp”. “Xóm Ngự Viên ở đây?”. “Ðúng, nhưng anh lưu ý cho là xóm Ngự Viên khác đường Ngự Viên nghe! Theo tôi biết, xóm rộng, kéo dài từ đây xuống đường Nguyễn Du, tứ cận lớn lắm, trong khu vực này có nhiều đền phủ mà lớn nhất là phủ Từ thuở Ðức Từ Cung ở, chừ con cháu đang thờ phụng. Quanh đây là nhà cửa quan lại, mỹ nữ cung tần, người ta bán đi, xây mới gần hết rồi.

Chừ anh hỏi Ngự Viên ở đâu, ai nói cũng được mà không nói cũng được, bởi đích xác chỗ mô vườn thượng uyển, hoa cỏ, đường sá cho ngựa xe qua lại, chừ nó nằm dưới nhà lầu lớn nhỏ hết rồi anh ơi. Tôi chỉ thấy lạ lùng là đường Ngự Viên nhưng hỏi có ai nhà ở đường ni không?”. Tôi ngớ người ra. “Ðó, anh Tuấn cười chua chát, đường ni dài chừng 300m, một bên là  tường hông chùa Diệu Ðế, bên kia là hông chùa Ông, nhà cửa mô ra? Ðã đặt đường là phải có nhà, không có thì đặt làm chi?”. Rồi anh khoát tay: “Miếng đất tam giác đó, hồi trước là vườn hoa, nơi tập trung Phật tử để bắt đầu đi hành lễ ở các chùa trong thành phố. Lẽ ra, nếu đặt thì đặt tên vườn hoa Ngự Viên… Năm 1968, tao loạn, người ta đem chôn ở đây 72 xã, sau đó cải táng hết rồi”. Ôi trời! Chiều đó tôi hỏi thầy tôi là nhà nghiên cứu văn học Phạm Phú Phong, ông nói ngày trước đường Ngự Viên là đường Nguyễn Du bây giờ, không biết sao sau năm 1968 trở đi người ta bỏ. Phủ Ðức bà Từ Cung ở đường Nguyễn Du. Sau giải phóng, nơi đây vẫn là đất trồng hoa. Còn đường Ngự Viên hiện tại thì cũng đặt mới đây thôi…

'Mơ lại thời xưa xóm Ngự Viên…' ảnh 2 Bà Đức Từ Cung năm 1972 ảnh T.L
Biết làm sao bây giờ. Thương hải tang điền, “tuồng ảo hóa khéo bày ra thế”, đền đài, lăng tẩm, dẫu có còn đó, cũng chỉ là những hình hài nắng mưa, huống chi chốn vui chơi cuối tuần ghé qua thưởng nguyệt ngắm hoa. “Cung tần mỹ nữ ngời son phấn/ Theo gót nhà vua nở gót sen/Hương đưa bát ngát ngoài trăm dặm/Cung nữ đa tình vua thiếu niên” (Xóm Ngự Viên, Nguyễn Bính).

Người xưa đi vắng rồi, may chăng còn có một mùi hương. Ðó là tôi nghĩ. “Ngự Viên có bướm hoa vàng”. Biết đủ là đủ. Vậy thì biết chừng đó được rồi. Mà mùi hương son phấn xô lệch kinh thành, làm bồi hồi cả nước sông Hương, còn đây. Góc khuôn viên nhà anh Tuấn là cơ sở phấn nụ bà Tùng, vốn gia truyền làm phấn hoa trang điểm cho cung tần mỹ nữ thuở trước khi những tôn nữ tóc thề qua cầu mà hương phấn làm con cá dưới sông cũng giựt mình. Con cháu bà Tùng còn ở đây và Sài Gòn vẫn tiếp tục làm như níu giữ thời gian đã mất.

'Mơ lại thời xưa xóm Ngự Viên…' ảnh 3 Một góc công viên ảnh: Ngọc Minh 
Ði tìm để làm chi? Chẳng để làm chi. Ði theo mùi hương cũng chẳng để làm chi. Nhớ hay không cũng vậy. Ai nghĩ hoa bướm mất còn, sao cũng được, chỉ cần biết có một chỗ cộm lên trong trí nhớ giữa mịt mù mưa như tạo sóng trong li rượu mà son phấn kinh thành như thể khóc cười thế sự nổi nênh đang cựa quậy để…cho vui. Tôi vẫn tin ai đó khi được hỏi, là có còn chi mô, nghĩa là còn đó… 
MỚI - NÓNG