Mở hay đóng với “bán hàng đa cấp”?

Mở hay đóng với “bán hàng đa cấp”?
TP - Từng có chuyện, một người sử dụng dịch vụ tư vấn của một luật sư “dỏm”, muốn tố cáo việc này. Anh ta vác đơn đến Sở Tư pháp. Cán bộ có trách nhiệm ở đấy vui vẻ tiếp đón, cho biết họ chỉ quản lý và xử lý các luật sư “xịn”, còn luật sư “dỏm” thì họ chịu.

> Khởi tố điều tra chi nhánh muaban24 tại Bắc Kạn

Anh ta lại đem đơn sang Chi cục Quản lý thị trường. Cán bộ có trách nhiệm ở đấy cũng vui vẻ tiếp đón, và cho biết cái Cty của vị luật sư “dỏm” có đăng ký hành nghề tư vấn.

“Ông ta tư vấn chung chung, hay lấn sang cả tư vấn pháp luật, phải là cơ quan chuyên ngành; Quản lý thị trường thì chịu, không phân định được”, vị cán bộ có trách nhiệm giải thích.

Kết cục người đã xài phải dịch vụ tư vấn pháp luật “dỏm” đành chịu, không biết phải tố cáo đến đâu mới được xử lý!

Những ngày qua, CQĐT đã và đang khởi tố, bắt tạm giam hàng loạt cán bộ, nhân viên Cty cổ phần đào tạo mua bán trực tuyến 24 (Muaban24) - những người đã bán hơn trăm ngàn gian hàng điện tử, thu lợi hàng trăm tỷ đồng.

Bước đầu xác định việc mua bán của họ là phi pháp, theo quy định tại Điều 226b Bộ luật Hình sự.

Sự việc một lần nữa lại khiến dư luận và công luận đưa ra nhiều ý kiến gay gắt, bức xúc: Vì sao việc này diễn ra suốt thời gian dài mà không bị phát hiện, xử lý kịp thời? Những nạn nhân trót mua gian hàng điện tử có lấy lại được tiền? Nhà nước ta không nên cho áp dụng hình thức bán hàng đa cấp?

Nhiều câu hỏi sẽ có câu trả lời khi kết thúc điều tra. Riêng câu hỏi về bán hàng đa cấp, thiết nghĩ đặt ra vào lúc này là quá muộn.

Luật Cạnh tranh có hiệu lực thi hành từ 1-7-2005, và tiếp theo Nghị định 110/2005/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành ngày 24-8-2005, hướng dẫn cụ thể việc quản lý bán hàng đa cấp) đã cho phép áp dụng hình thức bán hàng đa cấp ở Việt Nam hơn 8 năm nay.

Qua vụ việc Cty Muaban24, vấn đề đặt ra là vì sao chúng ta đã có quy định pháp luật khá chặt chẽ để quản lý bán hàng đa cấp, song lại vẫn có những kẽ hở “to đùng” cho kẻ xấu có đất dụng võ?

Qua tìm hiểu được biết, các đối tượng ở Cty Muaban24 từng dõng dạc tuyên bố họ không phải là doanh nghiệp kinh doanh đa cấp.

Phải chăng vì vậy hàng loạt điều kiện mà luật và nghị định đặt ra nhằm quản lý các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp (như không được yêu cầu người tham gia bán hàng phải mua sản phẩm để trở thành thành viên; không cho họ nhận hoa hồng từ việc dụ dỗ người khác tham gia; doanh nghiệp phải cam kết mua lại sản phẩm tối thiểu bằng 90% giá bán ra…) đều nằm ngoài tầm với, không thể tác động đến Cty Muaban24?

Theo nhiều chuyên gia pháp luật, đây là lúc chúng ta cần xem xét, điều chỉnh các quy định pháp luật về quản lý bán hàng đa cấp, trong đó cần thiết đưa ra các quy định để nhận biết việc bán hàng đa cấp trá hình, đồng thời có biện pháp xử lý hình sự hành vi tổ chức bán hàng đa cấp nhưng không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

Và từ câu chuyện về vị luật sư “dỏm” nêu ở đầu bài viết, thiết nghĩ văn bản pháp quy về quản lý bán hàng đa cấp cần quy định rõ những người tham gia bán hàng đa cấp và cả những nạn nhân của trò lừa đảo núp bóng hình thức này sẽ tố cáo tới cơ quan, tổ chức nào để được trợ giúp và xử lý.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
TPO - Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ 2 - năm 2024 do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức, dự kiến diễn ra từ ngày 19/12 đến 22/12/2024 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Nhiều loại vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại, trong đó có những sản phẩm mới sản xuất gần đây sẽ được trưng bày.