Mở cửa sân chơi hè Sĩ tử nhí

Trẻ trải nghiệm làm Sĩ tử nhí tại Văn Miếu
Trẻ trải nghiệm làm Sĩ tử nhí tại Văn Miếu
TP - Sân chơi hè Sĩ tử nhí 2019 trở lại sau những thành công ban đầu của chuỗi sự kiện năm ngoái, diễn ra tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, Sở VHTT Hà Nội đồng ý để trung tâm tổ chức hoạt động văn hóa hè dành cho thanh thiếu niên Hà Nội và các vùng phụ cận. “Chúng tôi mong muốn tạo sân chơi bổ ích và ý nghĩa cho trẻ em và cư dân Thủ đô trong dịp hè 2019. Các hoạt động trải nghiệm văn hóa giúp trẻ có cơ hội tìm hiểu, thêm yêu những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần rèn luyện kĩ năng sống cũng như hoàn thiện nhân cách và phát triển trí tuệ”, ông Kiêu nói.

Với thông điệp “Sĩ tử nhí - Chắp cánh ước mơ” chương trình kéo dài trong hơn hai tháng, từ 1/6 đến hết 25/8. Mỗi tuần có một chủ đề talk show riêng, gồm các hoạt động trình diễn và trải nghiệm, chợ phiên cuối tuần, quán gánh quà quê… Điểm mới năm nay ở chỗ du khách, đặc biệt là các sĩ tử nhí tương tác với thư pháp hiện đại, gặp gỡ với thư pháp gia theo phong cách họa tự, cùng các nghệ nhân đến từ các làng nghề như làm mặt nạ giấy bồi, đan đó, làm chuồn chuồn tre, ướp trà sen. Trẻ sau khi trải nghiệm được mang sản phẩm về nhà.

Không gian dành cho trẻ em khám phá hè ở Văn Miếu chính là Hồ Văn, theo lí giải của ông Lê Xuân Kiêu nhằm hồi sinh khu vực này, tạo sự kết nối với Nội tự và Vườn Giám. “Cư dân và du khách vào cổng miễn phí, các hoạt động phục vụ cộng đồng như tham quan triển lãm diều, trưng bày tranh thiếu nhi, văn nghệ, trò chơi dân gian đều miễn phí. Du khách chỉ trả phí cho một số dịch vụ gia tăng trong khuôn khổ sự kiện”, ông Kiêu nói.

Chọn con diều làm hình tượng cho chương trình, Ban tổ chức chuẩn bị lễ rước diều khai mạc ngày 1/6. Các em làm diều cùng các nghệ nhân đến từ Thái Bình, tái hiện một phần nghi lễ rước diều của hội Sáo Đền xã Song An, huyện Vũ Thư-lễ hội tưởng nhớ công lao Tam quốc công Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt.

Với trải nghiệm Sĩ tử nhập môn, các em đồng hành với nghệ nhân làng nghề Bắc bộ để làm giấy dó (seo giấy, bóc giấy, phơi giấy)-vật bất ly thân trong những kỳ lai kinh ứng thí. Trong khuôn khổ sân chơi này vẫn có không gian dành cho các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật cùng với hàng loạt phiên chợ nhiều chủ đề và sản phẩm, từ truyền thống đến hiện đại.

MỚI - NÓNG