Minh bạch hóa

TP - Trong buổi giao lưu trực tuyến chiều qua về chính sách tài khóa, quản lý giá cả, thuế, thu chi ngân sách…, người đứng đầu Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã trả lời rõ ràng và rành rọt nhiều câu hỏi của người dân, đúng như phong cách của ông bấy nay.

> Kiểm toán toàn diện Petrolimex

Có thể nói rằng, tinh thần quan trọng và xuyên suốt trong những kiến giải, lý luận của ông Huệ đối với các chính sách tài chính chính là đề cao tính minh bạch. Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội vừa rồi, Bộ trưởng Vương Đình Huệ có nói, minh bạch và công khai là một trong những điều kiện tiên quyết để điều hành, quản lý nền kinh tế nói chung, trong đó có quản lý về giá cả, nhất là đối với những mặt hàng, vật tư có ý nghĩa chiến lược như điện, than, xăng dầu...

Và hôm qua, ông Huệ đã đưa thêm ra một tiêu chí nữa cho sự minh bạch, đó là minh bạch trong cả khâu chính sách cũng như thông tin doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty. Theo ông, “phải công khai, minh bạch ngay từ khi xây dựng pháp luật” và cụ thể là các thành phần xã hội phải được thực sự tham gia tiến trình thảo luận cho ý kiến trước khi một bộ luật được ban hành.

Ít nhất, người đứng đầu Bộ Tài chính cho đến lúc này không chỉ nói, mà đã có những bước hiện thực hóa các phát ngôn của mình. Đó là những biện pháp được đánh giá là mạnh mẽ đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, một mặt hàng chiến lược nhưng cũng từ lâu bị xem là khá “tù mù” đối vơi người dân. Ông Huệ thông tin, về quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành để nghiên cứu sửa đổi theo hướng đảm bảo tính công khai, minh bạch, nhà nước quản lý được quỹ, phục vụ các mục tiêu phát triển.

Thêm một dẫn chứng được Bộ trưởng Vương Đình Huệ đưa ra để minh chứng cho tính hiệu quả của việc minh bạch hóa trong điều hành: Trong tháng 10-2011, lương tối thiểu cho khu vực sản xuất được điều chỉnh, nhưng không như thường thấy tháng 8, 9, 10, 11, chỉ số CPI vẫn tiếp tục giảm nhờ công tác truyền thông được làm tốt.

Từ ngày 1-5 tới, mức lương cơ bản với cán bộ, công chức, người nghỉ hưu, người có công tăng từ 830.000 đồng lên 1.000.050 đồng. Phụ cấp công vụ sẽ tăng từ 10% lên 25%. “Nếu chúng ta minh bạch chính sách, giải thích kỹ, tăng lương sẽ không gây ra tâm lý “té nước theo mưa”, ông nói.

Nhưng có lẽ, ai cũng hiểu minh bạch luôn là đòi hỏi của người dân đối với bất kỳ chính quyền nào. Vấn đề là chính quyền thực hiện tính minh bạch ấy ra sao và mức độ tới đâu.

Bởi trước khi tiến tới một thị trường kinh doanh xang dầu lành mạnh, minh bạch, trước mắt Bộ Tài chính vẫn còn nhiều việc phải làm thì vẫn còn đó bao nhiêu câu hỏi của người dân chưa được giải đáp, liên quan đến một loạt các bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước...

Lương ngành điện cao ngất trong khi họ làm ăn lỗ lãi ra sao, cơ cấu giá thành đúng chưa, thất thoát lãng phí ở mức nào… chưa được làm rõ. Phí đường bộ qua xăng dầu, qua các cách thức khác được đầu tư trở lại đến đâu, đã hợp lý chưa, cũng còn lắm băn khoăn. Trong khi ấy người dân đang e ngại giá điện tiếp tục tăng, sắp tới có thể phải gánh thêm phí lưu thông đường bộ...

Đã có những người dân phát biểu trên báo chí rằng, dù xăng tăng giá, dù điện tăng giá, dù có phải nộp thêm phí lưu thông đường bộ, họ cũng vẫn vui vẻ chấp hành nhưng khi và chỉ khi mọi thứ được minh bạch hóa.

Theo Báo giấy