> Gà rán cuối tuần
> Hồn rắn
> Hạt mùa Xuân
Khúc quanh Phù Ninh. Mặt đường loang nắng mưa. Mái nhà ẩn khuất. Bờ rào cây xanh. Ngõ hút sâu. Vườn cây ăn trái rờn rỡ lan man về khắp các ngả đồi cao thấp. Chiếc quán tre gầy, chõng tre nhỏ đặt liền nhau, mùa nào cũng chất ngất hoa trái đã níu giữ không biết bao nhiêu khách qua.
Tôi có thể kể triền miên với em trong cơn mộng du trái chín miền Phù Ninh. Này nhé! Trám Liên Hoa. Trám xanh, trái bầu, mọng, cùi dày, hạt nhỏ mà róc, ngầy ngậy bùi bùi, chua dịu. Khi kho cá trải mấy lửa miếng trám vẫn nguyên hình.
Đưa lên cắn nhẹ cùi bở mà dai. Trám đen. Đen hạt huyền, thuôn dài, trắng phấn, cùi vàng mỡ gà dày như miếng cau tơ. Chỉ hai mươi quả đong đầy một đấu gỗ mít tiện. Khi ỏm để nguội vỏ lụa không trợt. Chấm muối vừng ăn chơi, hay đồ xôi đều được. Vị béo, ngậy, bùi và thơm chát dịu đặc trưng kích thích dịch vị.
Quả cọ bầu Trạm Thản có thể sánh ngang với cọ bầu bên kia Sông Thao danh tiếng. Vị cọ Trạm Thản, tuy béo, nhưng mát, ăn nhẹ bụng như là trám đen.
Khi cầm trái trám, trái cọ xứ Phù Ninh người ta cứ phải ngậm ngùi thương nhớ đến người thân nơi xa. Gửi làm quà cho người xa xứ chẳng phải là cao lương nhưng là mỹ vị.
Một giỏ trám chua, trám đen. Một giỏ trái cọ bầu bọc trong móm cọ. Thì ra, vị chát chát chua chua bền dai ám ảnh, day dứt người Phù Ninh hơn bất cứ mật đường nơi đồng đất người ngoài.
Rồi trái tai chua phơi khô sỏi tím, rồi quả dọc chín lưng đồi. Những là thương nhớ mãi vị quê nào với trái dọc nướng cháy nấu canh chua cá chình sông Lô này nữa. Miền thương nỗi nhớ lẩn vào mỗi lần đũa lùa cơm. Gạo dé Phù Ninh thơm dẻo tần ngần, nhưng dễ gì mắt bầm ta bắt ra khỏi rá tre hết sạn cát sân rêu.
Hạt gạo trắng hồng màu hạt lựu, căng dài như nhộng ong, nở chín hết cỡ trong nồi gang vẫn không nứt vỡ dáng hình. Miếng cơm quê rùng rùng thơm mãi. Ta bỗng nôn nao thấy chân ruộng cao ven đồi, cha tát nước cày bừa, mẹ nhổ mạ, em cặm cụi bón chăm, trong nắng xiêu khoai có tiếng chim bắt tép kho cà.
Trên đây mới chỉ là chút cây trái thường dùng trong bếp núc. Nhưng đừng quên, mít ống Phù Ninh.
Tại sao gọi là mít ống? Do tạo hình múi mít dai hình trụ, và do mật quả đọng bên trong múi mít mà người ta gọi như vậy chăng? Mít ống không nhiều quả. Quả to nhất cũng tầm chỉ như trái dưa hấu Nam bộ.
Sớm mai hạ nắng chớm nồng, góc vườn đồi nào râm mát bướm khoe màu lượn lượn bay bay trong tiếng chim khách véo von là chủ vườn biết ngay trên cây mít ống đã ngỏ lòng chín.
Ngắt trái mít ống chín, bê khệ nệ băng qua nương chè vạt chuối, chủ vườn vô tình gieo bao nhiêu mùi thơm lìm lịm vào gió khắp một triền đồi xa.
Khi bổ mít ống, chỉ cần mũi dao khía một đường vòng quanh thân quả theo chiều dọc. Hai tay ôm chắc quả mít, dùng hai ngón cái khẽ bửa về hai phía ngược chiều là đã mở òa ra một miền quả tênh hênh xếp hàng chen nhau vàng ruộm, óng ngời ngợi, phưng phức thơm.
Xơ mít mỏng dẹt, nhạt màu điểm xuyết đây đó giữa hai múi mít. Có thể nhón tay tách múi mít ống đầm đẫm những nước mật quánh dính.
Về Phù Ninh miền trung du của trung du. Về miền cọ xanh, nón trắng. Về Phù Ninh miền trái ngọt đi em. Ta đón đợi. NTTK
Tùy bút của
Nguyễn Tham Thiện Kế