Miễn thi đầu vào thạc sĩ môn ngoại ngữ: Thi lại hay không?

Theo ông Nguyễn Văn Nhã mục tiêu của ĐHQG và của nền giáo dục VN là đảm bảo chất lượng và hội nhập, chứ không phải tổ chức thi hay không tổ chức thi Ảnh: Hồng Vĩnh
Theo ông Nguyễn Văn Nhã mục tiêu của ĐHQG và của nền giáo dục VN là đảm bảo chất lượng và hội nhập, chứ không phải tổ chức thi hay không tổ chức thi Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Một số trường thông báo sẽ tổ chức thi lại môn ngoại ngữ cho những người được miễn thi môn này trong kỳ thi tuyển sinh trình độ thạc sĩ hồi cuối năm ngoái. Nhưng có trường tuyên bố: Không!

> Không để người mù ngoại ngữ vào cao học

Mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga ký công văn yêu cầu các cơ sở đào tạo rà soát và tổ chức kiểm tra, đánh giá trình độ của các thí sinh đã được miễn thi môn ngoại ngữ trong kì thi tuyển sinh trình độ thạc sĩ tháng 8 và 9-2011 để đảm bảo việc tuân thủ các quy định của Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ.

Ông Nguyễn Văn Nhã, Trưởng Ban đào tạo ĐHQG Hà Nội nói: “Chúng tôi đã kiểm tra và rà soát kỹ theo đúng công văn của Bộ và thấy không có trường hợp nào không đảm bảo chất lượng đầu vào. Vì vậy, chúng tôi không tổ chức thi lại. Dù thế nào, không thi lại là không thi lại”.

Ông Hoàng Văn Cường, Viện trưởng Viện Đào tạo sau đại học, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho biết, trường này đã công nhận kết quả của các học viên có bằng TOEFL, IELTS và một số học viên đi học ở nước ngoài về; nay nhận được công văn của Bộ bắt kiểm tra lại thì trường sẽ làm đúng yêu cầu và sẽ tổ chức cho khoảng 300 người thi lại môn ngoại ngữ.

Ông Nguyễn Cảnh Lương, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết trường có khoảng 95 người sẽ phải kiểm tra lại.

Một trong những cán bộ thực thi công tác rà soát, kiểm tra lại trình độ ngoại ngữ của số học viên cao học của trường ĐH Ngoại thương cho rằng, sự thiếu nhất quán trong các văn bản của Bộ khiến các trường khó thực hiện. Chuyên gia tuyển sinh này cho rằng, các văn bản mang tính chỉ đạo của cơ quan chủ quản cần rõ ràng, thống nhất và tránh chồng chéo. Các câu hỏi được nhiều trường đưa ra hiện nay là: Những người chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ (được miễn đầu vào môn ngoại ngữ) mà không đủ điểm ngoại ngữ bậc thạc sĩ có được bảo vệ luận án tiến sĩ? Có những người từ đại học chuyển thẳng lên tiến sĩ thì giải quyết theo cách nào? Tại sao tiến sĩ được miễn, thạc sĩ không được miễn đầu vào…

Cảnh giác gian lận chứng chỉ ngoại ngữ và hồ sơ

Tôi ủng hộ ý kiến của Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga phát biểu trên báo Tiền Phong rằng, không thể mù ngoại ngữ mà học thạc sĩ. Không miễn thi ngoại ngữ và phải đạt chuẩn ngoại ngữ mới được học cao học nhưng chúng ta phải biết thừa nhận trình độ của những người học ở nước ngoài về, thừa nhận kết quả thi của một cơ sở đào tạo nghiêm túc ở nước ngoài. Học ở trong nước thì không biết thế nào nhưng học ở nước ngoài thì không thể bằng cách gì lấy bằng được.

Tuy nhiên, với trình độ công nghệ như hiện nay, không chỉ chứng chỉ ngoại ngữ mà các giấy tờ tùy thân, hồ sơ... đều có thể dùng kỹ thuật scan để làm như thật. ĐHQG đã nhờ Viện Khoa học Hình sự giám định và từng loại cả một mớ chứng chỉ ngoại ngữ. Đây cũng là điều các trường nên biết để kiểm tra kỹ, tránh tình trạng gian lận hồ sơ. - Ông Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ĐHQG Hà Nội

Cần quy định rõ bằng cấp

Những người đã đi học nước ngoài về hoặc những người đã có chứng chỉ quốc tế nên được miễn thi đầu vào môn ngoại ngữ. Những người đạt chứng chỉ trong nước, ngành GD&ĐT nên quy định cụ thể chứng chỉ của cơ sở nào, loại bằng nào mới được công nhận để tránh bằng giả, bằng rởm. - Ông Ngô Thế Chi, Giám đốc Học viện Tài chính

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG