Miền đất của tình đoàn kết

Nhờ sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng Hướng Lập và nhân dân bản Ka Tiêng, người dân bản A Via đã đổi thay cuộc sống từ cây bời lời và sắn cao sản. Ảnh: PV
Nhờ sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng Hướng Lập và nhân dân bản Ka Tiêng, người dân bản A Via đã đổi thay cuộc sống từ cây bời lời và sắn cao sản. Ảnh: PV
Những năm chiến tranh, vùng đất biên giới Hướng Lập (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) - Sê Pôn (Savannakhet, Lào) được coi là “tọa độ lửa” bởi lượng bom đạn thả xuống nơi này, nhưng quân và dân hai bên biên giới Việt - Lào luôn kề vai sát cánh đi tới ngày chiến thắng.

Ngày nay, những người lính biên phòng cùng người dân trên tuyến biên giới đoàn kết, gắn bó cùng nhau xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.  

Như anh em một nhà

Đón chúng tôi là thượng úy Bua Khăm Sen Bút Tá Lạt, Phó Đại đội trưởng  Đại đội bảo vệ biên giới 321 (gọi tắt là Đại đội 321), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Savannakhet với cái bắt tay thật chặt. Từ lâu, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập cũng như trung tá Ma Phương Trình, Chính trị viên phó Đồn hay thượng úy Ngô Văn Lực, thiếu úy Lê Ngọc Hà, không còn là những cái tên xa lạ đối với cán bộ, chiến sĩ Đại đội 321.

Vốn tiếng Việt của Phó Đại đội trưởng Bua Khăm Sen không nhiều nhưng cũng đủ để diễn đạt những điều mình muốn nói. Còn thiếu úy Vị Lạ Bu Li có nhiều năm ở các đại đội bảo vệ biên giới, rồi tự học nên khả năng nói tiếng Việt của anh rất tốt. Anh thường làm “thông ngôn” cho đơn vị khi phiên dịch đi vắng. Còn cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập, ngoại trừ thiếu úy Lê Ngọc Hà mới tốt nghiệp khóa học 9 tháng tiếng Lào tại trường Trung cấp Biên phòng 1 thì ai cũng “giắt lưng” cho mình vốn tiếng Lào đủ để hiểu các bạn Lào nói gì.

Đồn Biên phòng Hướng Lập và Đại đội 321 quản lý chung 28,5km đường biên giới, gồm 16 mốc, 5 cọc dấu. Ba tháng một lần, hai bên tổ chức tuần tra song phương để kiểm tra đường biên, cột mốc. Những cột mốc 577-578, hay 579-580 với vách cao, dựng dứng, phải mất cả ngày trời mới tới nơi. Trên những cung đường khó, mọi người lại giúp nhau mang ba lô, đồ đạc, chia nhau những ngụm nước cuối cùng trong bình tông.

Đại đội 321 có 5 trung đội đóng quân dải dọc trên 101,8km đường biên giới của tỉnh Savannakhet. Cứ ba tháng một lần, các trung đội luân chuyển vị trí công tác. Khi luân chuyển, tất cả cán bộ, chiến sĩ của trung đội sẽ di chuyển cùng đơn vị, bởi vậy dù Đồn Biên phòng Hướng Lập chỉ phụ trách chung với Đại đội 321 chưa đầy 29km nhưng tất cả mọi người đều biết nhau. Cảm mến nhau qua những lần tiếp xúc, cùng nhau giải quyết công việc, ngôn ngữ không còn là rào cản. Vậy nên tất cả đều thân thuộc như anh em một nhà…

Hợp tác cùng hưởng lợi

Gia đình thượng úy Bua Khăm Sen ở tỉnh Savannakhet, đường từ đơn vị về nhà là những cung đường đất đỏ, mùa mưa xuống dễ trở thành những dòng sông bùn. Bởi vậy anh thường qua cửa khẩu phụ Tà Rùng rồi từ đó theo đường Hồ Chí Minh về cửa khẩu Lao Bảo để về Savannakhet. Không chỉ riêng anh mà gần như tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị có gia đình ở Savannakhet hay Salavan, Pạc Sê, Sê Kông đều sử dụng cung đường này…

Bằng vốn từ tự học, thượng úy Bua Khăm Sen cố gắng diễn tả cho chúng tôi nghe về tình gắn bó Việt -Lào ở vùng đất này. “Dòng sông Sê Băng Hiên bắt nguồn ở Việt Nam, nhưng rồi cũng chảy qua đây để tưới tắm cho thửa ruộng của người Lào. Giờ, những người lính bảo vệ biên giới Lào muốn về quê lại phải đi nhờ qua đất Việt. Từ con người đến thiên nhiên, Việt - Lào anh em lúc nào cũng phải gắn bó với nhau, không tách rời được đâu”, Phó đại đội trưởng Bua Khăm Sen nói.

Mối thân tình Lào - Việt ở khúc đoạn biên giới này còn phải kể đến chuyện bản A Via (huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào) và bản Ka Tiêng (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, Việt Nam) kết nghĩa bản - bản gần 5 năm trước. Sau khi kết nghĩa anh em, chính quyền, nhân dân xã Hướng Lập và Đồn Biên phòng Hướng Lập đã cùng nhau trồng tặng cho bà con nhân dân bản A Via khu vườn hơn 1.000 cây bời lời -  một loại cây cho thu hoạch vỏ. Đất màu mỡ lại được trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật nên những cây bời lời nhanh chóng phát triển, giờ đã cao quá đầu người.

Từ ngày kết nghĩa, nhân dân hai bản A Via và Ka Tiêng cũng có điều kiện giúp nhau phát triển kinh tế bằng cách “cùng hợp tác cùng hưởng lợi”. Khu vực bản A Via đất đai rộng, màu mỡ, người dân sống thưa thớt trong khi ở Ka Tiêng đất đai cằn cỗi, canh tác gì cũng khó. Vậy là hai bên bàn nhau, bên góp đất, bên góp người để cùng trồng sắn. Việc “chung sức” này được lập giấy và có sự chứng thực của chính quyền địa phương. Đồn Biên phòng Hướng Lập đã tham mưu cho chính quyền địa phương làm đề xuất lên cấp trên cho phép nhập sắn ở A Via về Việt Nam qua cửa khẩu phụ Tà Rùng để trở thành hàng hóa.

Ông Chăn Thạ Khán Phim Mạ Son chia sẻ câu chuyện của mình: “Nhà có đất nhưng neo người nên đất đai để không quá nửa. Mấy năm trước, ông Vỗ Dêm - một người họ hàng xa đang sống ở Ka Tiêng bảo sẽ cho người nhà sang cùng trồng sắn, kết quả thu được sẽ chia đôi. Vụ đầu tiên, chúng tôi thu được 30 tấn. Từ tiền bán sắn có thêm tiền mua gạo, mua thức ăn. Tiền mùa vụ tới để dành mua cái ti vi xem cho đỡ buồn”.  

Nhà nào ở A Via có đất rộng cũng đều tìm “anh em” ở Ka Tiêng để cùng nhau canh tác, giúp nhau thoát nghèo. Thế nên, giờ đi khắp A Via không còn những khoảng đất bỏ trống mà đã được phủ màu xanh của sắn - màu xanh mang lại sự ấm no, đoàn kết. Khúc đoạn biên giới Sê Pôn - Hướng Hóa từ đó vững mạnh hơn nhờ vào việc ngày càng giàu đẹp và tình đoàn kết khăng khít, gắn bó của quân và dân hai bên biên giới.

MỚI - NÓNG