Chiều 13-3, UBND thị xã Ninh Hòa đã tổ chức đối thoại với nông dân, có sự tham dự của Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, Công an thị xã, thanh tra giao thông, Cty Đường Khánh Hòa...
Theo thống kê của UBND thị xã Ninh Hòa, hiện toàn thị xã còn khoảng 10.000 tấn mía đã chặt bị tồn đọng. Đông đảo bà con nông dân đề nghị Cty Đường Khánh Hòa tăng cước vận chuyển để nhà xe đỡ lỗ, hoặc chính quyền cho xe chở mía quá tải.
Tuy nhiên, ông Đỗ Thành Liêm, Tổng Giám đốc Cty Đường Khánh Hòa nói, giá cước của công ty đã cao hơn so với nơi khác, không thể tăng nữa.
Đại diện Thanh tra giao thông (TTGT) cho biết, chưa nhận được văn bản nào của UBND tỉnh cho phép xe chở mía được chở quá khổ, quá tải. Từ ngày 18-3 đến 25-3, TTGT sẽ tiếp tục kiểm tra xử phạt xe quá khổ quá tải, chủ yếu là xe mía.
“Tôi vẫn còn 6 xe mía nằm khô héo, nói chung rất ít xe dám chạy, vì UBND thị xã chưa đưa ra biện pháp giải quyết nào cho nhà xe yên tâm”. Ông Nguyễn Văn Cùng, Chủ tịch HĐND xã Ninh Tân (thị xã Ninh Hòa) nói.
Ông Tống Trân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, Cty Đường Khánh Hòa nên chia sẻ với nông dân những thiệt hại.
UBND thị xã sẽ đề nghị cơ quan chức năng trả bằng lái trước thời hạn cho tài xế đã bị thu bằng do chở quá tải, để có người lái xe chở mía. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép xe trọng tải 5 tấn được chở 10-12 tấn mía, xe 8 tấn được chở 13-15 tấn.
Tại Thanh Hóa, Cty Cổ phần Mía đường Lam Sơn cũng thu mua mía nguyên liệu niên vụ 2011- 2012 chậm hơn so với mọi năm, làm cây mía bị khô, trổ bông, giảm chữ đường, gây thiệt hại cho bà con nông dân trồng mía.
Ông Đặng Thế Giang, Phó Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Mía đường Lam Sơn cho biết: Vùng nguyên liệu mía của Cty ở 11 huyện (121 xã) với hơn 3 vạn hộ nông dân trồng mía có tổng diện tích từ 14.000- 16.000 ha, năng suất mía đạt 75 tấn/ha.
Đến ngày 14- 3, Cty đã ép được hơn 400.000 tấn mía, còn lại khoảng 650.000 tấn. Năm nay so với mọi năm thì tiến độ ép mía chậm hơn gần một tháng.
Nguyên nhân khiến việc thu mua mía nguyên liệu cho bà con nông dân chậm hơn so với mọi năm là nhà máy số 2 của Cty ngừng sản xuất nhiều tháng qua để nâng cấp, mở rộng công suất từ 4.500 lên 8.000 tấn mía/ngày.